Người dân được thuê vỗ béo trâu, bò ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) |
Chăn trâu thuê
Dạo quanh cánh đồng rộng hàng chục hécta thuộc xã Đại Sơn, không khó để bắt gặp hình ảnh hàng trăm con trâu đang gặm cỏ. Cạnh bên là những người phụ nữ đã lớn tuổi cầm roi tre canh chừng. Đó là những nông dân địa phương, tranh thủ lúc nông nhàn đi chăn trâu thuê cho thương lái trong vùng.
Đang chăm chú xem đàn trâu gặm cỏ, bà Phạm Thị Hoa (50 tuổi, trú xóm 4, xã Đại Sơn) chia sẻ: “Tôi được thuê trông coi 10 con trâu. Đây là những con trâu, bò được họ mua ở những phiên chợ trước hoặc ở nơi khác về. Trên đường vận chuyển, trâu, bò bị bỏ đói. Sau khi nuôi nhốt vài ba tiếng lấy lại sức, các chủ trâu bắt đầu thuê người dân trong vùng đi chăn, vỗ béo chờ đến phiên chợ bán được giá. Cũng có trường hợp, các thương lái tự vận chuyển trâu ra các tỉnh phía Bắc rồi bán thẳng cho thương lái Trung Quốc”. Theo bà Hoa, mỗi con trâu thường có giá 30-70 triệu đồng. Giá trâu mộng, giá có thể lên đến 100 triệu đồng.
Kế bên, bà Nguyễn Thị Vân (52 tuổi, trú tại xóm 6, xã Đại Sơn) cũng đang vỗ béo cho chục con trâu. “Mỗi ngày, những người được thuê trông coi trâu, bò như chúng tôi phải đi rất nhiều, băng qua nhiều cánh đồng, trâu đi đến đâu là phải theo đến đấy, canh chừng không để lạc đàn. Những lúc trâu no bụng nằm nghỉ cũng chính là thời điểm chúng tôi tìm bóng mát để nghỉ ngơi. Nhìn vất vả thế nhưng cái nghề này cũng rất dễ, lại cho thu nhập cũng khá nên đa phần chị em trong làng đều tranh thủ thời gian rảnh đi làm”, bà Vân tâm sự.
Hơn 10 năm vỗ béo trâu bò, bà Vân cho biết, công việc này phụ thuộc vào thời tiết. Những hôm trời nắng, người chăn trâu vất vả hơn nhiều. Mỗi ngày, những người chăn trâu thuê như bà được trả công từ 200.000- 250.000 đồng tùy theo từng đàn ít hay nhiều. Đàn 50 con trở lên thì cần tới 6 người, giá thuê vỗ béo sẽ cao hơn. Mỗi ngày, trâu, bò được mua về tập trung ở chợ Ú rất đông, đến phiên chợ lại bán hết.
Thoát nghèo
“Thời điểm cuối năm, lượng trâu, bò tiêu thụ rất mạnh. Nhận thấy nhu cầu cao, từ những phiên chợ trước, tôi đã mua 20 con trâu, bò ốm về nuôi vỗ béo”, thương nhân Nguyễn Văn Nho (trú xóm 4, xã Đại Sơn) nói. Gọi là thương nhân nhưng thực chất là nông dân đi buôn. Ban đầu, do sản xuất nông nghiệp không mấy hiệu quả, tận dụng có chợ trâu, bò gần nhà nên họ tập trung chăn nuôi để bán. Kinh nghiệm mua bán và đánh giá trâu bò ngày một cao, họ vay thêm tiền bạc để buôn bán nhỏ. Dần dần, họ đi hết các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn và sang tận nước bạn Lào để mua trâu, bò về bán.
Trang trại vỗ béo trâu, bò của gia đình ông Nguyễn Văn Nho |
Cũng như nhiều nông dân khác ở xã Đại Sơn, lão nông Nguyễn Văn Nho đành gác lại giấc mơ đại điền xoay ra buôn bán trâu, bò. Chẳng nhớ nổi vận vào cái nghề này được bao lâu, chỉ biết trước đây gia đình ông có làm ruộng, cả buôn trâu và giờ đây làm mỗi nghề này. Cả nhà 5 người cùng kiếm sống nhờ chợ trâu, bò. Mà đâu chỉ mỗi gia đình ông, cả cái làng, cái xã này đều thế. Nói là buôn, thực ra là vỗ béo trâu, bò để bán. Chồng đi tìm trâu bò gầy, ốm mang về, vợ con ở nhà chăn dắt, vỗ béo. Vài ba tháng sau, trâu, bò được đưa ra chợ hoặc bán cho các thương lái phía Bắc.
Hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Nho nói: “Thời gian đầu mới đem trâu, bò về phải thường xuyên tẩy giun sán. Tiếp đến là tiêm phòng lở mồm long móng và chích thuốc bổ cho trâu, bò phục hồi sức khỏe, để chúng tiếp nhận cách vỗ béo của mình”.
Theo ông Nho, muốn chăn nuôi hiệu quả, phải làm tốt từ khâu chọn giống. Trâu, bò được thu mua là giống đực hơn một tuổi để có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Dáng cao to, vai nở, lưng dài. Không mua loại còn non vì thời gian vỗ béo lâu, tốn thức ăn, lợi nhuận thấp, chậm quay vòng vốn. Pha trộn thức ăn là khâu cực kỳ quan trọng. Thức ăn bao gồm: cỏ xay nhuyễn, rau, chuối, cám... đảm bảo sạch sẽ, cho ăn 2 lần/ngày.
Ngoài cỏ tươi và phụ phẩm nông nghiệp, còn cho bò ăn dặm thêm rơm phơi khô được rưới ít muối. Ăn xong, cho chúng uống một ít nước muối pha loãng để giúp tiêu hóa nhanh. Ngoài nguồn dinh dưỡng, trong quá trình chăn nuôi, cần đặc biệt quan tâm đến vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Những ngày rét, cần pha nước muối ấm cho trâu, bò uống và che chắn chuồng trại cẩn thận, tích trữ đủ thức ăn cho mùa đông.
Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, mỗi năm, gia đình ông Nho vỗ béo trung bình 4 lứa, mỗi lứa khoảng 20 con trâu, bò. Trừ chi phí, mỗi con bán ra lãi từ 5-6 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình ông Nho thu khoảng 350 triệu đồng từ vỗ béo trâu, bò.
Trong căn nhà hai tầng khang trang, ông Nho tâm sự: “Tôi không nghĩ là từ nuôi con trâu, con bò mà có cơ nghiệp ngày hôm nay. Vỗ béo trâu, bò khá vất vả, chủ yếu lấy công làm lãi, nhưng thu nhập khá ổn định, xoay vòng vốn nhanh. Đặc biệt là nuôi trâu, bò ít bị bệnh dịch hơn so với nuôi lợn, gia cầm nên khá yên tâm. Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục tăng thêm số lượng trâu, bò vỗ béo mỗi lứa để nâng cao thu nhập, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi các hộ dân có nhu cầu muốn học hỏi”.
“Xã Đại Sơn có hơn 300 hộ là thương lái chuyên nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,2% năm 2015 xuống còn 1,86% năm 2020. “Xã đã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi trong năm 2020-2025 để giúp bà con rút ngắn thời gian vỗ béo, tăng số lượng con trong đàn; đồng thời tạo điều kiện cho bà con vay vốn ngân hàng để phát triển nghề này trong những năm tới”, ông Nguyễn Cảnh Lâm, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho hay.
Trâu mộng giờ hiếm. Thỉnh thoảng, một số chủ trâu lùng sục khắp các huyện miền núi Nghệ An hay các tỉnh phía Nam nhưng cũng chưa chắc có. Giá cả đắt đỏ nên loại trâu này cũng rất ít người dám mua về bán. |
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: Báo Tiền Phong