Trong tỉnh

Thổn thức Chôm Lôm

Cầu treo Chôm Lôm, cây cầu nghĩa tình bắc qua sông Lam tại xã Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) đã vỡ, đứt gãy mố cầu Nam sau khi các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Lam xả lũ ồ ạt. Vết đứt gãy như vết chém tứa máu vào sông...

Lán trại người dân túc trực bảo vệ cầu

Vật lộn cứu cầu

Sáng 1/9, anh Hoàng Sỹ Kiện, Phó Bí thư Huyện ủy Con Cuông gọi cho tôi, báo tin: “Nước đang lên, thủy điện xả lũ, cầu Chôm Lôm hư hỏng nặng phía bờ hữu”. Chỉ mấy phút sau trên mạng tràn ngập hình ảnh chiếc cầu thân thương bị lũ đánh cho tơi tả. Nước đánh sập phần bê tông nối bờ phía quốc lộ 7A với thân cầu, lòi ra mấy thanh sắt trống hơ trống hoác. Một nỗi gì đó cứa vào lòng, vào tim tôi, đau nhói. Tôi chạy về Chôm Lôm.

Vẫn là con đường cũ qua eo Bồng Khê, dốc Chó. Sông Lam sôi sùng sục, đỏ ngầu. Những đoạn sông như đã chết bởi thủy điện bủa vây bỗng nhiên oằn mình, duềnh lên cơ man nào là nước, thứ nước chỗ đùng đục chỗ đỏ bầm như máu.

Mười hai năm trước (7/10/2006), cũng trên con đường về miền Trà Lân địa phận Con Cuông, tôi và anh Minh Thư cựu phóng viên báo Nhân dân đội mưa hồng hộc chạy về Chôm Lôm- Lạng Khê ngay sau khi xảy ra vụ đắm đò thảm khốc khiến 19 em học sinh cấp 2 chết, mất tích. Một tuần cắm chốt ở bến sông, nghĩ cần có một cây cầu cho dân ba bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa sang sông mùa lũ chấm dứt cảnh qua sông lụy đò, tôi đề xuất Ban Biên tập báo Tiền Phong phối hợp với tỉnh Nghệ An mở cuộc vận động xây cầu treo dân sinh.

Cuộc vận động thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp hưởng ứng. Cuối năm 2007, chiếc cầu trị giá gần 6 tỷ đồng khánh thành. Có cầu treo qua sông, bến Chôm Lôm không còn cảnh chìm đò đuối nước. Chiếc cầu thực sự cứu được bao sinh mạng, đổi thay cuộc sống của người dân Lạng Khê. Vậy mà giờ đây, Chôm Lôm!

Tôi nhìn ra dòng nước xiết. Chỗ kia, bến Chôm Lôm thăm thẳm. Mùa nào cũng vậy, nơi từng là bến đò khi nhộn nhịp người qua và cả khi hoàng hôn đìu hiu, vẫn váng vất nỗi u hoài. Nơi này, chiếc cầu thân thương đứt gãy, đường dẫn lên cầu trống hơ trống hoác, phía dưới nước réo sùng sục. “Thủy điện xả mấy cửa, lũ trên đó đột ngột tống xuống đây khiến nước đổi dòng đánh thẳng sang bờ hữu, gây sạt lở, ngập úng”, Bí thư xã Lạng Khê Lô Thị Thủy nói.

Ngày 31/8, lũ uy hiếp, hơn 200 người mang bao tải, gồng gánh chạy đến mố Nam cầu treo Chôm Lôm cứu cầu. Cán bộ và dân Lạng Khê quần quật “chiến đấu” đến khoảng 20h đêm thì phải rút vì nước lên to quá, nước dâng lên làm ngập bờ bãi khiến mọi người không có cách nào tiếp cận được điểm sạt lở.

“Chừng 3h sáng, em cùng anh Tuyển, anh Duẩn ra kiểm tra thì thấy mố cầu đã sụp xuống, đến 6h30 sáng ngày 1/9 thì sập hoàn toàn, tổng chiều dài hư hỏng nặng dài khoảng 6 mét”, Lô Thị Thủy kể. Con đường độc đạo từ trung tâm xã Lạng Khê vào bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa bị cắt đứt.

“Lũ lên nhanh khủng khiếp, từng nào đất đá lấp giữ chân cầu cũng trôi hết”!”, anh Ngân Đình Phùng, cán bộ xã nói. Chính quyền sở tại huy động 3 máy cơ giới, 20 chiếc xe tải đến cứu cầu Chôm Lôm, hàng trăm tấn đá đổ xuống giữ bằng được điểm neo giữ hai dây văng nối bờ với thân cầu. Từng là nạn nhân của vụ đắm đò thảm khốc mười hai năm trước, ông Ngân Văn Bảnh bố của Ngân Quốc Hùng (học sinh đã tử nạn năm 2006 trong vụ đắm đò Chôm Lôm) hai ngày liên tục bám trụ bên bờ hữu.

“Cầu Chôm Lôm là huyết mạch giao thông, là sự sống của bà con dân bản nên khi thấy nước lũ đe dọa đến sinh mệnh cây cầu, chẳng ai bảo ai nhà nhà đều xông ra bờ sông vật lộn với dòng nước bảo vệ cầu treo. Cầu mà bị cuốn trôi thì dân Chôm Lôm sẽ khổ!”, ông Bảnh bảo. UBND xã Lạng Khê cho hay, đợt xả lũ vừa rồi của thủy điện bản Vẽ gây thiệt hại trên 20ha hoa màu của bà con, 12 căn nhà phải di dời và nhiều căn nhà bị ngập nước.

Thủy điện phải chịu trách nhiệm

Sau hai ngày chống chọi với nước lũ, ai nấy đều rã rời. “Năm 2006, báo Tiền Phong và tỉnh Nghệ An kêu gọi quyên góp xây dựng cho người dân Lạng Khê cây cầu Chôm Lôm, món quà nghĩa tình của bà con cô bác gần xa đối với vùng quê nghèo Con Cuông thật ý nghĩa”, Bí thư Đảng ủy Lạng Khê Lô Thị Thủy nói. Trước đó thì năm nào cũng có người chết đuối ở bến Chôm Lôm. Từ khi có cầu treo, đời sống của hơn 2.500 dân bản bên kia sông đã đổi thay. Hàng hóa nông sản của bà con Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa “được giá”; giao thông đến với trung tâm xã thuận lợi; các em học sinh THCS Lạng Khê không còn cảnh “qua sông lụy đò” nơm nớp lo âu mùa mưa lũ.

“Sắp đến ngày khai giảng rồi, một phần cầu treo bị lũ cuốn trôi nên các em học sinh không thể đến trường dự lễ khai giảng. Tình thế hiểm nghèo buộc xã phải tính hai phương án: Dùng xe máy chở 167 em học sinh men theo đường núi chạy lên Tam Quang (huyện Tương Dương), đi vòng qua khe Bố với đoạn đường 20 cây số, cho các em ở nhờ nhà dân cạnh trường để học chữ; hoặc các cô giáo chạy lên khe Bố, vòng xuống Chôm Lôm, xã sẽ tập trung 167 học sinh đến học tại nhà công vụ của các thầy cô tiểu học”, Lô Thị Thủy trầm ngâm. Chiếc cầu treo đứt lìa 6 mét, đã biến chặng đường từ nhà tới trường xa vời vợi. Đằng nào thì cũng khó, cũng khổ như nhau!

Dù bị nước lũ quần cho tơi tả, lũ khoét sâu vào bờ hữu đánh sập một đoạn bê tông, lũ lôi tuột một đoạn đường dẫn lên cầu xuống đáy sông nhưng cầu treo Chôm Lôm vẫn kiên cường, vững chãi. Hai sợi dây thép như hai cánh tay rắn chắc níu giữ thân cầu, vươn từ bờ Nam sang bờ Bắc nơi có bến Chôm Lôm.

Ngay trong ngày thủy điện bản Vẽ xả lũ ồ ạt gây ngập úng nhiều xã ở huyện Tương Dương, Con Cuông và làm gãy một chiếc cầu ở bản Vẽ, phá hủy một phần cầu Chôm Lôm, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh có chuyến thị sát các huyện miền núi dọc quốc lộ 7A. Trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong về trách nhiệm của thủy điện bản Vẽ sau đợt xả lũ gây thiệt hại nặng khu vực miền Tây, ông Nguyễn Đắc Vinh bảo: “Rõ ràng là nhà máy xả lũ gây thiệt hại cho các huyện Tương Dương, Con Cuông phải chịu trách nhiệm”. Để phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nói cần sớm xây dựng cầu bê tông bắc qua sông Lam tại huyện Con Cuông.

Thủy điện bản Vẽ xả lũ làm sập bê tông, cắt đứt đường dẫn nối mố và thân cầu treo Chôm Lôm khiến ba bản Chôm Lôm, Ðồng Tiến, Yên Hòa (xã Lạng Khê) bị cô lập bên kia sông Lam. Hiện 570 hộ gia đình với 2.512 người không có cầu qua sông, 167 học sinh THCS không thể đến trường trong ngày khai giảng.

Một phần cầu Chôm Lôm bị phá hủy sau khi thủy điện xả lũ

Tác giả: Quang Long

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

  Từ khóa: thổn thức ,Chôm Lôm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP