Xã hội

Thoát khỏi ung thư vú ác tính vì bị bác sĩ 'lừa'

Phải trải qua 8 toa hóa trị nhưng bác sĩ chỉ bảo có 3 toa để bà Nguyễn Thanh Liêm (TP HCM) chấp nhận chữa bệnh.

Nhờ cách nói giảm, nói tránh của bác sĩ Trần Nguyên Hà tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM mà bà Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1953) lần lượt vượt qua các đợt hóa trị. Bác sĩ cho biết bà đã thành công trong hành trình chiến đấu với khối u ác tính vì hiện tại vẫn khỏe mạnh sau 15 năm mắc bệnh.

Năm 2002, bà Liêm - biên tập viên tại Nhà xuất bản Trẻ phát hiện khối u 2,2cm trong ngực. Bác sĩ bệnh viện Từ Dũ chẩn đoán bà mắc ung thư vú ác tính. Cách đó gần một năm, trong đợt khám định kỳ ở cơ quan, bà từng bị phát hiện có khối u 1cm nhưng là lành tính nên yên tâm để đó. Tuy nhiên, 8 tháng sau, khi đang chạy xe ngoài đường vấp ổ gà rất nhỏ, bà thấy đầu óc đau nhói, buốt lạnh, tê liệt và nước mắt trào ra không kiểm soát. Bà nghĩ có lẽ khối u không lành tính như dự đoán.

Kiểm tra xong, Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, hiện là Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khi đó đã hỏi bà sao lại để lâu như vậy mới đi chữa trị. Người phụ nữ ngũ tuần nín lặng. "Nhưng không sao, còn nước còn tát", bác sĩ động viên. Lúc đó khối u đã lên 5,8cm. "Tốc độ nhanh kinh khủng sau chỉ một tháng", bà rùng mình kể lại.

Thời điểm ấy hai cô con gái sắp thi đại học. Có người khuyên nữ biên tập viên đừng chữa bệnh vì tốn kém, tiền để đó lo cho con ăn học vì bà cũng không còn trẻ trung, trước sau cũng chết. Khi gặp bác sĩ Trần Nguyên Hà tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ông nói: "Theo tôi, chị nên chữa vì nếu không bệnh sẽ phát triển rất nhanh. Lúc đó chị bỏ con gái lại, chúng ra ngoài đường không biết phải làm sao". Nghe vậy, bà quyết định chữa trị.

Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho bà nghỉ hẳn một năm để chữa bệnh. Trong thời gian này vẫn hưởng lương, chỉ không nhận phần thù lao theo các trang biên tập. Nữ bệnh nhân bắt đầu hành trình chiến đấu ung thư mà không dám chắc kết quả. Bác sĩ cho biết bà sẽ chữa ba toa thuốc hóa trị.

24 giờ sau khi thuốc ngấm vào người, bà ví những nhịp đập nơi trái tim như tòa nhà lớn đổ sập lên người. "Tôi cảm thấy rất khủng khiếp, một ngày tiêu chảy mười mấy lần, ói mửa liên tục", bà kể. Nữ bệnh nhân chỉ còn 36kg, da nhăn nheo, teo tóp. Khi thuốc vào làm phồng bề mặt hai tay như tấm ni lông, xương nhức, bao tử đau và răng chảy máu.

Đến ngày thứ 11, tóc rụng, miệng cử động khó khăn, không ăn uống được, bà chỉ nằm một chỗ mà cũng cảm thấy rã rời. Lúc này bác sĩ Hà phải đến tận nhà để truyền muối, đường, đạm vì bà không đi nổi tới bệnh viện nữa.

"Lúc đó tôi đã có dự liệu về cái chết", bà nói. Chữa đến toa thứ tư thì bệnh nhân phát quạu. "Bác sĩ nói có ba toa nhưng tại sao giờ đã đến toa thứ 4 rồi?", bà hỏi. Bác sĩ nhẹ nhàng đáp là nếu không nói vậy chắc bà đã bỏ chạy vì nghe hành trình kéo dài đến 8 toa hóa trị. "Tôi rất cảm kích tấm lòng của bác sĩ", bà chia sẻ. Bác sĩ không nói bà bị ung thư giai đoạn nào nhưng tình cờ liếc sang hồ sơ của mình bà thấy thể hiện ở giai đoạn muộn.

Hết đợt hóa trị thứ tư, bà bước vào phẫu thuật cắt bỏ ngực. Lúc mở mắt tỉnh dậy, người bà trơ ra, cơ thể đau buốt, không thể nhúc nhích được cánh tay vì còn nạo hạch ở vùng nách. Mỗi sáng, nữ biên tập viên đều cố gắng nhấc tay theo bài tập các điều dưỡng hướng dẫn. Nằm viện một tuần, bà trở về nhà với một bên ngực phẳng lì. "Nhìn thấy người ta còn nguyên, tôi cứ nghĩ là họ dư, mình đủ để an ủi bản thân", bà tâm sự.

4 toa thuốc tiếp theo mệt hơn nhưng do sức chịu đựng đã quen, bà không còn cảm thấy quá khủng khiếp như lúc mới bắt đầu nữa. Nhưng thời gian này bà cũng không thể làm việc gì, mọi sinh hoạt đều do chị gái chăm sóc và các con hỗ trợ. "Tôi rã rời như cọng bún, nghe tiếng ồn là nhức đầu như búa bổ", bà kể.

Lúc đó, bà cố gắng đọc kinh nhưng lúc được lúc không vì những cơn đau cứ kéo đến. Những giấc ngủ trọn vẹn trở nên xa xỉ. Mỗi lần lên cơn đau là bà giật mình tỉnh giấc, sự chập chờn trở thành thói quen của giấc ngủ.

Cơ thể bà luôn đáp ứng đầy đủ các chỉ số cần thiết nên không rớt toa lần nào. Đến tháng 3/2003, nữ bệnh nhân ung thư ác tính kết thúc hơn 6 tháng hóa trị. Bà được kê toa uống thuốc trong 5 năm và tái khám định kỳ vào mỗi nửa năm để kiểm soát chặt tình hình. Trong thời gian này, bà cũng đi xạ hình xương để kiểm tra xem có di căn sang các cơ quan khác hay không.

Năm 2007, bác sĩ thông báo bà Liêm đã thành công trong hành trình chiến đấu với khối u ác tính. "Đối với bệnh viện, ca nào vượt qua năm thứ 5 là xem như thành công", bà chia sẻ.

Lúc bệnh, bà nhận ra mọi người xung quanh rất yêu thương mình. Ngay toa thuốc đầu tiên, một người quen cho bà mượn 5 triệu đồng để chạy chữa. Số tiền này vào năm 2002 rất lớn. Những đợt tiếp theo luôn có cơ quan, người thân tiếp sức nên bà không phải lo lắng về tiền nong mà chỉ tập trung tinh thần cho cuộc chiến dài hơi.

Trong thời gian điều trị, đồng nghiệp khuyến khích bà tới nhà xuất bản chơi cho đỡ buồn. Ở đó có những con người luôn dang rộng vòng tay với bà. Thỉnh thoảng có người đến xoa tay vào mái đầu trọc lóc của bà, âu yếm. "Lúc bệnh mới biết tình thương là gì vì trước đây tôi sống rất ngạo mạn", bà chia sẻ.

Giờ đây nữ biên tập viên đã nghỉ hưu và sống cuộc đời tự do, khỏe mạnh với những buổi trò chuyện cùng bạn bè, đọc sách báo và giúp đỡ những người kém may mắn trong cuộc sống.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, bà nói sự lạc quan trong tinh thần là liều thuốc đắc lực chữa lành mọi căn bệnh hay vết thương trong lòng. "Đừng bỏ cuộc" là lời đút rút cho những ai rơi vào hoàn cảnh khó khăn như người phụ nữ này từng trải qua.

Tác giả bài viết: Trương Sanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP