Giáo dục

Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên THCS cho chương trình phổ thông mới

Đó là thông tin được Bộ GD-ĐT xác định để chuẩn bị cho triển khai áp dụng chương trình phổ thông mới tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 20/1.

Thiếu hàng nghìn giáo viên ở cấp Tiểu học

Để chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình, SGK mới, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo kết quả rà soát thực trạng điều kiện về đội ngũ giáo viên hiện nay và dự báo nhu cầu cho chương trình mới.

Theo Bộ GD-ĐT, nhu cầu về giáo viên ở các cấp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới về cơ bản không có sự biến động nhiều so với số giáo viên hiện có.

Đối với tiểu học, bình quân 1 năm có 2% giáo viên nghỉ hưu, tương đương với 7940 giáo viên, như vậy, số được tuyển mới bổ sung thay thế giáo viên nghỉ hưu hàng năm sẽ khoảng 3.970 giáo viên, cộng với mỗi năm tuyển mới khoảng 3.900 giáo viên do tăng quy mô, trung bình mỗi năm sẽ tuyển mới khoảng hơn 7.000 nghìn giáo viên.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến của Hà Nội về chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới sáng 20/1. Ảnh: Thanh Hùng

Do đó, theo Bộ GD-ĐT, các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng giáo viên cần tuyển theo nhu cầu từng năm, ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học, giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu, hạn chế hoặc không tuyển giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, vì các môn học này giáo viên tiểu học đã được đào tạo để dạy.

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, mỗi năm học sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên tiếng Anh và khoảng 2.000 giáo viên Tin học.

Đồng thời, cần rà soát để tuyển dụng số giáo viên tiếng Anh, Tin học còn trong diện hợp đồng lao động.

Hiện cả nước thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh, 5.607 giáo viên Tin học ở tiểu học.

Dấu (+) là số GV thừa so với tổng số GV hiện có, dấu (-) là số GV thiếu so với tổng số GV hiện có

Có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết tình trạng thừa giáo viên THCS

Ở cấp THCS, bình quân 1 năm có 2% giáo viên THCS nghỉ hưu, tương đương với 6.219 giáo viên, như vậy số tuyển bổ sung thay thế nghỉ hưu là 3.110, cộng với số giáo viên cần tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 1.250 GV.

So với số giáo viên THCS đang thừa là 9.246 (tính đến thời điểm tháng 11/2017) thì các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng giáo viên cần tuyển mới, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên cho những môn học còn thiếu.

Đối với giáo viên dạy môn Tin học trong chương trình mới (theo chương trình hiện hành là môn học tự chọn) đã được bố trí cơ bản là đủ cho các trường THCS.
Bộ GD-ĐT cho rằng, đối với các địa phương đang thừa giáo viên, trong khoảng 3 năm học tới, có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết dứt điểm tình trạng thừa giáo viên. Đồng thời, rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên hợp lý giữa các trường trên cùng địa bàn để bảo đảm hợp lý về số lượng giáo viên và cơ cấu môn học cho từng trường THCS theo số lượng hiện có.

Tuy nhiên, các địa phương cần rà soát để xác định giáo viên đã được tuyển dụng (biên chế), giáo viên hợp đồng để có phương án tuyển dụng ngay từ năm học 2018-2019.

Dấu (+) là số GV thừa so với tổng số GV hiện có, dấu (-) là số GV thiếu so với tổng số GV hiện có

Về cấp THPT, bình quân 1 năm có 2% số giáo viên nghỉ hưu, tương đương với khoảng 3.014 giáo viên, số được tuyển mới bổ sung thay thế giáo viên nghỉ hưu hàng năm sẽ khoảng 1.507 giáo viên, cộng với số giáo viên cần tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 2.250.

Theo Bộ GD-ĐT, trên cơ sở số giáo viên thừa khoảng 8.874 giáo viên THPT khi thực hiện chương trình mới, các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới từ nay đến năm 2025 để vừa giải quyết bài toán thừa và nhu cầu tuyển bổ sung.

Trong đó để ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn Nghệ thuật 5.400 người (Âm nhạc 2.700, Mỹ thuật 2.700) để bắt đầu dạy từ năm 2021.

Dấu (+) là số GV thừa so với tổng số GV hiện có, dấu (-) là số GV thiếu so với tổng số GV hiện có

Xây dựng mới 50 chương trình đào tạo

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2024, Bộ sẽ ban hành chuẩn, tiêu chuẩn cùng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới.

Bộ cũng giáo các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông và Chương trình ETEP tổ chức các tập huấn về đổi mới chương trình, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Cùng đó, tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình, SGK; phối hợp với địa phương xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung về phát triển các năng lực nghề nghiệp nền tảng.

Cơ sở vật chất còn thiếu hụt để đáp ứng chương trình phổ thông mới

Cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường trung học cơ sở, 2.430 trường trung học phổ thông, 14.883.647 học sinh, 476.924 lớp học và 419.903 phòng học.

Song những điều kiện về phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài.

Cả nước có 419.903 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 323.551 phòng, đạt tỷ lệ 77,1% (tiểu học 68,7%, trung học cơ sở 85,7%, trung học phổ thông 93,9%).

Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,88 (tiểu học 0,89; trung học cơ sở 0,86; trung học phổ thông 0,88).

Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,68 (tiểu học 0,61; trung học cơ sở 0,74; trung học phổ thông 0,83).

Về phòng học bộ môn, cấp THCS có 30.817 phòng/10.697 trường/146.910 lớp, tương đương tỷ lệ 2,88 phòng/trường (số phòng đáp ứng quy định là 20.573 phòng, đạt tỷ lệ 66,8%).

Cấp THPT có 11.750 phòng/2.349 trường/60.084 lớp, tương đương tỷ lệ 5 phòng/trường (số phòng đáp ứng quy định là 8.555 phòng, đạt tỷ lệ 72,8%).

Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.

Số lượng bàn ghế 2 chỗ đạt khoảng 63% nhu cầu tối thiểu (cấp tiểu học là 65%, cấp trung học cơ sở là 65%, cấp trung học phổ thông là 60%).

Về thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, trung bình tại cấp tiểu học 2,1 trường có 01 phòng máy, tại cấp THCS 1,3 trường có 01 phòng máy và cấp THPT mỗi trường có 1,9 phòng máy.

Để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy tối thiểu, tại cấp tiểu học và THCS, mỗi trường cần ít nhất 1 phòng máy và đối với cấp THPT, mỗi trường cần ít nhất 2 phòng máy.

Về thiết bị dạy học ngoại ngữ, trung bình tại cấp tiểu học có gần 1 bộ/trường, cấp trung học cơ sở có khoảng 4 bộ/trường và cấp trung học phổ thông có khoảng 14 bộ/trường.

Các thiết bị này chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên, các hệ thống thiết bị dạy ngoại ngữ chuyên dùng còn ít.

Theo Bộ GD-ĐT, cần đầu tư xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học (Tiểu học 30.344 phòng học, THCS 20.571 phòng học, THPT 6.169 phòng học). Cùng đó, để kiên cố hóa các phòng học, đầu tư xây dựng thay thế 96.352 phòng học (tiểu học 55.035 phòng học, THCS 18.017 phòng học, THPT 3.330 phòng học).

Về phòng học bộ môn, cấp THCS (với quy mô quy ước 1 trường THCS 16 lớp, cần 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 24.300 phòng còn thiếu và 10.244 phòng chưa đáp ứng quy định; cấp THPT (với quy mô quy ước 1 trường THPT 24 lớp, cần 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 3.270 phòng còn thiếu và 3.195 phòng chưa đáp ứng quy định.

Cần bổ sung thêm 27.849 phòng cho thư viện (Tiểu học 15.538 phòng; THCS 9.831 phòng; THPT 2.480 phòng).

Cần bổ sung 156.075 bộ thiết bị (theo danh mục sẽ ban hành) trong đó: Tiểu học 134.328 bộ; THCS 17.099 bộ và THPT 4.648 bộ.

Cần bổ sung thêm ít nhất khoảng 30.112 bộ thiết bị phòng học bộ môn (THCS là 23.613 bộ, THPT là 6.499 bộ).

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP