Giáo dục

"Thầy xứng đáng được điểm 0 chứ không phải là em..."

Đến nay, đã 25 năm trôi qua kể từ khi tôi về giảng dạy tại Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa), nhưng tôi vẫn mãi day dứt trong lòng về một việc làm của mình khi mới vào nghề dạy học.

Hôm nay tôi muốn nói ra, để phần nào mong được sự thông cảm của đồng nghiệp và nhắc bản thân phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định cho điểm học sinh.

Vào đầu tiết học như thường lệ, việc đầu tiên là ổn định lớp, tiếp theo là kiểm tra bài cũ. Hôm ấy, tôi gọi một học sinh lên kiểm tra bài môn Giáo dục công dân, em đem vở lên và nói với tôi rằng: “Thưa thầy em chưa học bài”. Tôi không suy nghĩ gì hết cũng không hỏi vì sao em không học bài mà liền vội phán cho em điểm 0, về chỗ hôm sau nộp kiểm điểm.

Hết tiết học, tôi lên phòng giáo viên uống nước mà trong lòng không nghĩ ngợi gì về việc cho học sinh điểm 0. Nhưng tôi thật bất ngờ khi em học sinh ban nãy đến trước mặt tôi và nói: “Thưa thầy, thầy tha cho em vì không học bài”. Tôi liền nói không tha gì hết. Em nặng nề lê những bước chân ra khỏi phòng với tâm trạng đầy thất vọng và ánh mắt hờn trách thầy mà tôi có thể nhận biết được.

Thật sự, lúc đó tôi cũng muốn tha cho em nhưng vì trong lòng tôi chỉ nghĩ là mình nghiêm khắc để học sinh sợ phải học bài mà thôi, chứ không suy nghĩ gì khác. Không ngờ rằng tiết học tuần sau, em học sinh đó nghỉ học. Tôi cũng không hỏi lớp vì sao em đó nghỉ. Rồi tuần sau nữa lớp báo bạn ấy đã nghỉ học luôn. Lúc này tôi mới tự hỏi có phải học sinh đó nghỉ học vì mình cho em ấy điểm 0?

Rồi thời gian dần trôi, lớp lớp học sinh rời xa mái trường nhưng tôi cứ nhớ mãi em học sinh ấy trong lòng, và hình như em còn ngồi ở đâu đó trong trường để chờ tôi tha thứ!

Tôi cảm thấy thật day dứt. Giá như hôm ấy mình nói được lời tha thứ cho em thì hôm nay tôi sẽ hạnh phúc biết nhường nào, mặc dù không biết rõ em học sinh đó nghỉ học vì tôi hay không? Nhưng chắc rằng một phần cũng có lỗi của tôi đó là thiếu cân nhắc, máy móc vội vàng khi cho điểm học sinh.

Tuy đã muộn khi đã nói ra, nhưng qua việc này tôi mong rằng đồng nghiệp hãy thông cảm cho, và ở đâu đó em học sinh ấy hãy thứ lỗi cho thầy, một lời xin lỗi em thật sự từ thầy em nhé!

Chuyện đã xảy ra cách đây 25 năm rồi, nhưng thú thật thỉnh thoảng hàng đêm tôi vẫn còn nhớ hình ảnh em học sinh ấy đứng trước mặt tôi xin thầy tha cho. Có thể em học sinh ấy không bao giờ bỏ qua sai lầm của thầy. Tôi cũng tự thấy khó tha thứ cho bản thân được huống chi em học sinh ấy, bởi bản thân tôi là giáo viên, hơn nữa là daỵ môn giáo dục công dân mà quên đi phẩm chất khoan dung, tình thương, trách nhiệm của người thầy.

Giờ đây tôi mong rằng đồng nghiệp không mắc phải lỗi như tôi nữa, để không có thêm những học sinh phải nghỉ học vì thầy, cô!

Câu chuyện là thế đó, nhưng là một bài học lớn cho tôi với sự non nớt về kinh nghiệm sư phạm về ứng xử với học sinh, và chính xác hơn là bài học về lòng khoan dung mà tôi chưa học thuộc.

Từ đây tôi càng hiểu ra nghề dạy học không đơn thuần là dạy kiến thức mà là giáo dục nhân cách con người trong đó vai trò người thầy vô cùng quan trọng, để “Mỗi thầy, cô giáo thật sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” mà ngành giáo dục đã phát động.

Giờ đây, em học sinh năm ấy là một chàng trai 39 tuổi. 25 năm bặt tin nhau, thầy không biết hiện nay em làm gì, số phận có dành cho em điều may mắn hay không? Thầy luôn mãi nhớ về em.

Thầy xứng đáng bị điểm 0, chứ không phải là em!

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Lực

Nguồn tin:

  Từ khóa: giảng dạy ,việc làm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP