Giáo dục

Thầy Đào Quốc Vịnh: "Tác giả SGK Tiếng Việt đang không phân biệt được âm pờ và chữ p"

"Chủ biên cho rằng, trong Tiếng Việt âm p (pờ) có thể xuất hiện ở đầu hoặc cuối âm tiết, sách của họ đã dạy âm p ở cuối âm tiết. Lập luận này thực sự làm tôi ngỡ ngàng vì lỗ hổng trong kiến thức về ngôn ngữ học. Họ đã không phân biệt được phụ âm đầu “pờ” và phụ âm cuối “pờ”".

Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao về nội dung trong Bức thư ngỏ của thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong đó có nêu vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống không dạy âm p (âm pờ), chữ p ghép với các nguyên âm đứng đằng sau nó.

Ngày 24/2, trả lời báo chí, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trang 12, tập một).

Trước những thông tin phản hồi của Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, thầy Đào Quốc Vịnh cho rằng tác giả cuốn sách đang "không phân biệt được âm pờ và chữ p. Điều này là hoàn toàn không có cơ sở, bởi lẽ trong thư gửi Bộ trưởng, tôi đã nói rõ là sách không dạy cả âm pờ và chữ p.

Thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chủ biên cho rằng, trong Tiếng Việt âm p (pờ) có thể xuất hiện ở đầu hoặc cuối âm tiết, sách của họ đã dạy âm p ở cuối âm tiết. Lập luận này của những chuyên gia biên soạn sách giáo khoa thực sự làm tôi ngỡ ngàng vì lỗ hổng trong kiến thức về ngôn ngữ học. Họ đã không phân biệt được phụ âm đầu “pờ” và phụ âm cuối “pờ”. Đây là hai âm vị hoàn toàn khác nhau.

Tôi mong rằng các vị chuyên gia biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt hãy đọc lại và suy ngẫm thật thấu đáo cuốn sách của Giáo sư Đoàn Thiện Thuật mà đại diện NXB Giáo dục Việt Nam đã viện dẫn, để hiểu rõ hơn thế nào là phụ âm đầu và phụ âm cuối", thầy Đào Quốc Vịnh nói.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành cho rằng, trong khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội, trong đó có ngành ngôn ngữ học, về lý thuyết các nhà khoa học có thể có những ý kiến khác nhau, nhưng không phải ai cũng tán thành quan điểm như chủ biên cuốn sách đã dẫn. Bởi lẽ nếu nói rằng trong Tiếng Việt không có phụ âm đầu pờ thì vì sao mọi người Việt Nam bình thường đều phát âm được những từ mở đầu bằng pờ như “Pác Bó”, “Pa-cô”, “Sa Pa”, “đèn pin”, “pa nô”,…? Phải khẳng định rằng không thể coi “Pác Bó”, “Sa Pa”, “Pa-cô”,… là từ ngoại lai chưa Việt hóa được. Các từ như “pa nô”, “pin”, “pi-a-nô” thì điểm các từ này nằm ở “ngoại vi “ như chủ biên cuốn sách nêu đã quá xa xưa. Hàng chục năm nay, những từ này đã được đưa vào từ điển Tiếng Việt.

"Các vị cho rằng, sách Tiếng Việt Lớp 1 của bộ Kết nối tri thức dạy p theo giải pháp dạy chữ p giống với Tiếng Việt 1 của Bộ GD-ĐT theo chương trình Tiếng Việt năm 2000. Đây là việc làm tùy tiện, mang tính sao chép nhưng thiếu đồng bộ. Bởi vì sách Tiếng Việt 1 theo chương trình năm 2000 đã cũ kỹ, cần phải đổi mới nên mới có Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hơn nữa, trong cuốn sách cũ đó tác giả tuy không dạy âm pờ nhưng có dạy chữ p ngay trong sách giáo khoa và vở tập viết cho học sinh. Điều này, những người viết sách đã không đọc tham khảo. Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam đã dẫn một số cuốn sách Tiếng Việt khác cũng do nhà xuất bản này biên soạn và phát hành, nhằm khẳng định bộ Kết nối tri thức cũng bắt kịp được những sự tiến bộ của những cuốn sách kia, hoàn tòan không có thiếu sót trong dạy p.

Trong cả 2 trang sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức dạy chữ p, không hề có dòng nào dạy âm pờ trước khi dạy âm phờ. Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cũng dẫn các cuốn sách Tiếng Việt 1 của các tác giả khác như của Lê Phương Nga, Nguyễn Thị Hạnh để minh chứng cho sự đúng đắn của mình. Nhưng đại diện NXBGD quên mất rằng sách của các tác giả trên cũng học theo cuốn Tiếng Việt 1 2002 của bà Đặng Thị Lanh tuy không dạy âm pờ nhưng có dạy chữ p riêng trước khi dạy chữ ph", Thầy Đào Quốc Vịnh cho biết.

Theo giải thích của PGS.TS Bùi Mạnh Hùng rằng dạy âm p trong 6 tuần đầu thì buộc phải dạy các từ ứng dụng là từ vay mượn như pi-a-nô/ piano, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô… và không thể dạy các từ như Sa Pa, Nậm Pì… vì 2 lí do học sinh chưa học âm “s” (Sa Pa) và vần Âm trong Nậm Pì và vì đó là các tên riêng không đáp ứng được yêu cầu phát triển vốn từ cho học sinh. Tuy nhiên, thầy Đào Quốc Vịnh lại cho rằng, nếu lý luận như vậy, thì có nghĩa các danh từ riêng như “Pác Bó”,”Sa Pa”, “Phan Xi Păng”, “Pa-cô” và từ vay mượn đã “Việt hóa” như “pin”,”pa nô”, “pi-a-nô” không thuộc vốn từ cần phát triển hay sao?

"Tôi cho rằng, NXB Giáo dục Việt Nam và các tác giả cần thẳng thắn nhìn vào sự thật. Nếu giải pháp của các vị đúng thì tại sao quyển Tiếng Việt 1 thuộc bộ Chân trời sáng tạo cũng do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên và do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành lại dạy âm pờ và chữ p ngay ngay từ phần “Âm” (trang 60 tập 1)", thầy Đào Quốc Vịnh đặt câu hỏi./.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP