Kinh tế

Thất nghiệp thời COVID-19, bất ngờ tìm thấy cơ hội 'đổi đời'

Đại dịch COVID-19 khiến không biết bao nhiêu lao động bị thất nghiệp, lao đao kiếm sống, nhưng trong số đó, vẫn có người may mắn thích nghi và tìm được cơ hội mới.

Chị Hoàng Thị Ngân (sinh sống tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng có hơn 1 năm bế tắc khi xoay xở với shop quần áo của mình nằm trên phố Hoàng Đạo Thành (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) mà không tìm ra lối thoát. Tưởng chừng đại dịch COVID-19 sẽ khiến chị phải bỏ phố về quê như rất nhiều người từng làm nhưng bất ngờ thay, không chỉ thoát khỏi tình cảnh u ám, chị còn đang có cơ hội "đổi đời" từ trong chính gian nguy.

Hơn 1 năm càng bán hàng càng lỗ, thu nhập = 0

Chị Ngân kể, trước khi có dịch bệnh, shop quần áo của chị mỗi ngày nhận khoảng 20 - 30 đơn gồm cả offline lẫn online, giúp chị có mức thu nhập không quá cao nhưng ổn định, đủ để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con nhỏ.

Nhưng từ khi COVID-19 ập đến, công việc kinh doanh của chị ngày càng sa sút. Mặc dù chị đã thử nhiều cách bao gồm cả việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, hội nhóm Facebook và các hình thức online khác nhưng cũng không khá hơn. Lượng đơn hàng mỗi ngày cứ giảm dần xuống 10 đơn, 5 đơn, rồi nhúc nhắc 1 - 2 đơn và cuối cùng là tắt ngấm.

Đến khi chồng chị Ngân làm nghề lái taxi cũng giảm thu nhập vì dịch bệnh và giãn cách xã hội làm lượng khách giảm dần rồi hết hẳn thì khoản thu nhập hàng tháng trong gia đình chị cứ thế vơi dần rồi cạn hẳn.

Các shop bán hàng thời trang khốn đốn suốt thời gian COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Đầu tháng 4/2021, những tưởng dịch bệnh đã qua đi, chị Ngân mở lại cửa hàng, hùn vốn nhập thêm lô hàng mới về bán nhưng chưa đầy 20 ngày, dịch bệnh lại bùng phát. Cửa hàng quần áo của chị phải tạm đóng cửa, kinh tế đã eo hẹp lại bị chôn vốn trong đống hàng mới nhập.

"Xót xa là dịch bệnh toàn ập đến vào đúng những lúc cao điểm đắt khách như dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua hay dịp lễ 30/4. Lẽ ra đó là những cơ hội kiếm tiền thì nay trở thành thất thu nặng nề nhất vì dốc tiền vào nhập hàng mà không kịp xả", chị Ngân bộc bạch.

Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, hai vợ chồng cùng ở nhà nên thu nhập nhiều lúc không đủ trang trải cuộc sống. "Hai đứa nhà tôi uống sữa giỏi lắm, nhiều lúc trong tủ lạnh hết sữa, chúng đòi tôi chỉ biết nói mẹ quên không mua. Nghĩ mà ứa nước mắt vì thương con", chị Ngân tâm sự.

Hơn 1 năm làm ăn bấp bênh, không lợi nhuận, nhiều lúc chị Ngân tính đến hạ sách về quê để vừa chống dịch, vừa bớt khoản chi tiêu. Nhưng nghĩ đến cảnh con cái đều đang học hành ở Hà Nội, chị lại băn khoăn, suy tính.

Nhưng điều chị không tính được trước lại may mắn đến với chị. Đó là trong lúc túng quẫn, chị quyết định đổi nghề. Và "trong cái khó ló cái khôn", công việc mới của chị suôn sẻ, thuận lợi đến bất ngờ. Giờ đây, thậm chí chị cho là cơ hội đổi đời đã đến với mình.

Sống khỏe nhờ bán rau củ online

Vốn đã quen với công việc bán hàng online trên mạng xã hội, đồng thời nhận thấy nhu cầu mua rau củ, thịt cá trong các hội nhóm trên mạng xã hội tăng cao khi giãn cách toàn xã hội, chị Ngân bàn với chồng vét hết tiền có trong nhà để nhập rau củ về bán.

"Tôi dự định làm quả liều thử vận may một lần nữa. Nếu không thành công thì có về quê cũng không tiếc nuối. Vì không nhiều vốn nên tôi chỉ dám nhập rau củ, không nhập thực phẩm", chị kể về dự định của mình.

Nhờ việc tham gia vào các hội nhóm trên Facebook, chị Ngân có dịp giới thiệu các loại thực phẩm thiết yếu giữa mùa dịch. Khác với việc rao bán quần áo, chị bắt đầu nhận được đơn đặt hàng: "Tôi tham gia nhóm của các khu chung cư gần nhà. Lúc trước đăng bán quần áo thì không ai hỏi, nay bán rau thì lại nhiều người mua", chị hào hứng nói.

Theo chị Ngân, nhiều bà nội trợ ít đi chợ mà chuyển hẳn sang mua hàng online để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Điều này giúp cho việc bán rau online thuận lợi hơn.

Cứ khoảng 7h30 sáng, chị Ngân dùng điện thoại di động lên Facebook cá nhân và các hội nhóm để đăng các mặt hàng rau củ tươi ngon, sau đó lưu lại đơn đặt hàng. Chồng sẽ giúp chị phân chia hàng hóa đúng theo đơn đặt hàng trước khi giao cho khách. Mới bán rau khoảng 2, 3 tháng, chị Ngân đã có một danh sách khoảng gần 20 khách hàng quen.

Chuyển sang bán rau củ online khiến cuộc sống của gia đình chị Ngân "dễ thở" hơn hẳn.

Cứ vài ngày, nếu chưa thấy khách đặt mua thực phẩm, chị Ngân lại chủ động gọi khách hỏi cần mua rau củ gì, số lượng bao nhiêu để miễn phí ship tận nhà. “Trong những ngày giãn cách, mọi người đều hạn chế đi ra đường nên thấy chủ sạp rau củ liên hệ hầu như ai cũng tranh thủ đặt hàng. Họ đọc loại rau củ và trọng lượng cần mua hoặc gửi tin nhắn cho tôi qua zalo, facebook. Tôi lưu lại đơn của mỗi nhà và lựa chọn đúng thực phẩm, số lượng họ cần rồi ship hàng”, chị Ngân cho biết.

Chồng chị Ngân bây giờ cũng bận rộn giúp chị nhập hàng, gói hàng và ship đến tận cửa nhà cho từng khách hàng. “Có chồng phụ giúp, những đơn hàng buổi sáng tôi giao hết trong buổi sáng, đơn hàng buổi chiều cũng giao ngay trong chiều. Vì khách hầu hết ở khu chung cư cách nhà khoảng 2km nên việc ship hàng cũng thuận tiện. Chỉ cần chọn thực phẩm tươi ngon cho khách là ai cũng tin tưởng đặt tiếp”, chị Ngân chia sẻ.

Để thu hút và giữ khách, chị Ngân còn chủ trương "lấy công làm lãi", chấp nhận lãi ít và miễn tiền giao hàng. Chồng chị trở thành nhân lực đắc lực phụ giúp chị vận chuyển hàng hóa đến từng địa chỉ của khách.

Nói về việc có quay trở lại bán quần áo sau khi hết dịch hay không, chị Ngân cười bảo, nhờ bán rau củ quả mà cả hai vợ chồng từ chỗ thất nghiệp đến có việc làm, từ chỗ quay cuồng vì không có thu nhập đến có "đồng ra, đồng vào". Do đó, với chị, đây là công việc cứu cánh, giúp nuôi sống cả gia đình chị giữa mùa dịch, chị không dễ buông bỏ.

"Tôi đã có lượng khách quen nhất định. Tôi cũng nghĩ thói quen mua sắm online của người tiêu dùng sẽ ngày càng phổ biến hơn vì dịch bệnh có thể không dễ bị dập tắt. Vì thế, tôi muốn chuyển hẳn sang ngành hàng này. Nếu có vốn nhiều hơn, tôi muốn kinh doanh thêm thực phẩm để tăng thu nhập.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Tác giả: Hạo Nhiên

Nguồn tin: vtc.vn

  Từ khóa: online ,bán hàng ,thất nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP