Pháp luật

Thác loạn ở nhà hàng D.Max kiểm tra 33 lần vẫn... "huề cả làng"?!

Một lần nữa, UBND TP HCM khẳng định nội dung phản ánh của Báo Người Lao Động là đúng về hoạt động kinh doanh của các nhà hàng có sử dụng tiếp viên nữ tại quận 1, 5.

Ngày 6-6, UBND TP HCM đã báo cáo Thường trực Thành ủy TP về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trong loạt bài điều tra: "Thác loạn bên trong các nhà hàng" của Báo Người Lao Động đăng hồi tháng 4 vừa qua.

Phạt nhiều lần vẫn cứ vi phạm

Theo báo cáo của UBND TP, trước thời điểm Báo Người Lao Động đăng loạt bài điều tra này các cơ quan chức năng của TP và UBND quận 1, 5 đã kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn 2 quận. Trong đó, đã nhiều lần kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, có sử dụng tiếp viên nữ phục vụ khách mà Báo Người Lao Động đăng tin. Cụ thể, là nhà hàng D.Max đã kiểm tra 33 lượt, xử phạt hơn 1 tỉ đồng; nhà hàng Sun Flower 9 đã kiểm tra 6 lượt, xử phạt hơn 185 triệu đồng; nhà hàng tại số 166 đường Nguyễn Biểu, quận 5 đã kiểm tra 12 lượt, xử phạt hơn 265 triệu đồng…

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm như: kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép; sử dụng nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số lượng theo quy định; dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại nhà hàng karaoke, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác…Tuy nhiên, các lực lượng khó phát hiện được hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y tại nhà hàng ăn uống, giải khát, karaoke như Báo Người Lao Động đăng.

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài phản ánh, lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội TP, quận 1, quận 5 và công an tiếp tục tăng cường kiểm tra 20 lượt, xử phạt hơn 389 triệu đồng.

Đối phó tinh vi nên khó xử lý

UBND TP khẳng định: "Qua các nội dung mà Báo Người Lao Động phản ánh và kết quả kiểm tra của các lực lượng kiểm tra liên ngành và công an, nhận thấy nội dung phản ánh của Báo Người Lao Động là đúng về hoạt động kinh doanh của các nhà hàng có sử dụng tiếp viên nữ trên địa bàn". Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra hành chính chưa phát hiện, xử lý hành chính về hành vi: "tổ chức cho khách nhảy múa thoát y tại nhà hàng ăn uống, giải khát, nhà hàng karaoke" là do các cơ sở kinh doanh này đối phó tinh vi, luôn cảnh giới với các lực lượng kiểm tra như báo đã đưa tin nên lực lượng kiểm tra chưa bắt quả tang, xử lý.

Tại phòng VIP 1 (nhà hàng Hoàng Triều, quận 1) lực lượng chức năng ghi nhận tiếp viên vượt quá số lượng, ăn mặc hở hang.

Mặc dù những hành vi vi phạm đã bị kiểm tra xử lý nhiều lần nhưng các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động, tiếp tục vi phạm. Theo UBND TP, hiện nay theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014 không thể thu hồi giấy chứng nhận ký kinh doanh nên không thể đóng cửa doanh nghiệp. Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế không còn quy định "tội kinh doanh trái phép" như Bộ Luật Hình sự năm 1999, nên các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý hình sự về tội này đối với các cơ sở kinh doanh không có giấy phép. Do vậy, các cơ sở kinh doanh "biến tướng" vi phạm, chỉ bị xử lý hành chính, rồi tiếp tục hoạt động, gây bức xúc trong dư luận.

UBND TP cho biết nguyên nhân của những tồn tại trên là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ, chưa đủ tính răn đe. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng lách luật, hoạt động biến tướng. Hơn nữa, việc hạn chế trong công tác kiểm tra hành chính của lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp theo Quyết định số 33/2015 của UBND TP.

Kiểm điểm lãnh đạo ở những nơi thác loạn mà Báo Người Lao Động nêu

Trong khi chờ các bộ - ngành trung ương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã được TP kiến nghị, UBND TP đã yêu cầu Công an TP chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các cấp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm, nhảy múa thoát y, khiêu dâm, kích dục; phối hợp với VKSND TP xem xét việc khởi tố hình sự đối với các hành vi, vụ việc do Báo Người Lao Động đã phản ánh; đồng thời làm rõ các điều kiện cần thiết để tiến hành khởi tố hình sự đối với các hành vi, vụ việc tương tự.

Chủ tịch UBND các quận - huyện chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội…Đồng thời giao chủ tịch, trưởng công an phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về tệ nạn mại dâm, ma túy, đánh bạc, nhảy múa thoát y tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý.

Riêng UBND quận 1, quận 5 báo cáo ngay với cấp ủy để có ý kiến chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo của các địa phương được nêu trong các bài báo về công tác quản lý địa bàn (kể cả trách nhiệm của các cán bộ công an và cán bộ phụ trách lĩnh vực) để phòng ngừa việc bảo kê, bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kịp thời xử lý các sai phạm của cán bộ, không được để tái diễn vụ việc tại các địa điểm mà các cơ quan báo chí đã phát hiện, đưa tin, phản ánh.

Nhiều cơ sở kinh doanh bar, karaoke không phép

Theo UBND TP, qua rà soát TP có 1.268 cơ sở kinh doanh các loại hình tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Cụ thể kinh doanh vũ trường, bar, beer club 172 cơ sở (có phép 155, không phép 17); kinh doanh karaoke: 478 cơ sở (có phép 344, không phép 134); kinh doanh thu âm trên nền nhạc, nhà hàng có tiếp viên nữ biến tướng có phục vụ khách hát karaoke: 618 cơ sở.

Tác giả: Phan Anh; Ảnh: T.L

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: nhà hàng D.Max ,thác loạn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP