Do dịch Covid-19 nên hơn 150 nghìn tấn sầu riêng ở Đắk Lắk và Đắk Nông đang gặp khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ.
Để bảo quản sầu riêng được lâu, các doanh nghiệp đã chọn cách lột múi, cấp đông để kéo dài hạn sử dụng, hạn chế thiệt hại cho nông dân lẫn doanh nghiệp.
Đầu tư tiền tỷ để xây dựng kho đông
Hiện 2 địa phương trên đang bước vào thời điểm thu hoạch sầu riêng Dona với sản lượng hơn 150 nghìn tấn. Thế nhưng, sầu riêng cắt già chỉ có thời hạn sử dụng khoảng 7 ngày, sầu riêng chín rụng thì ngắn hơn khoảng 3 ngày. Quá thời gian này, sầu riêng sẽ bị hư hỏng, thối rữa.
Do ảnh hưởng của dịch việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các thương lái đã chuyển hướng sang lột múi, cấp đông sản phẩm để kéo dài hạn sử dụng. Sầu riêng sau khi được cấp đông vẫn bảo đảm về mặt chất lượng, tươi ngon vì được bảo quản trong môi trường có độ lạnh sâu, âm 18-25 độ C.
Các doanh nghiệp đầu tư nhà kho cấp đông tiền tỷ để bảo quản sầu riêng. Ảnh: L.H. |
Ông Lê Quang Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông sản Thiện Tâm - Chi nhánh Đắk Lắk, cho biết dự kiến doanh nghiệp thu mua khoảng 5.000-6.000 tấn sầu riêng.
Theo ông Tâm, dịch khiến cho việc xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp mới xây dựng kho cấp đông hơn 11 tỷ đồng với trữ lượng 300 tấn. "Nếu ảnh hưởng dịch chưa thể xuất khẩu đi Trung Quốc, Đài Loan, đơn vị sẽ cho công nhân bóc múi rồi đưa đi cấp đông để tiêu thụ", ông Tâm nói.
Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc HTX Cây ăn trái Krông Pắk (Đắk Lắk), chia sẻ đơn vị dự báo được tình hình dịch bệnh sẽ phức tạp nên đã đầu tư nhà kho bóc tách để cấp đông.
Cũng theo ông Chiến, hiện hàng hóa đã bước đầu lưu thông, nhưng sản lượng sầu riêng Đắk Lắk rất lớn nên khả năng cao sẽ tồn đọng. Vì vậy, việc đầu tư kho cấp đông sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiêu thụ dần khi không xuất bán được.
Còn tại gia đình ông Nguyễn Xuân Thọ (ngụ huyện Đắk Mil, Đắk Nông) luôn có 50 nhân công ngày đêm lột bỏ vỏ, tách hạt đưa sầu riêng vào buồng đông lạnh.
Theo ông Thọ mùa dịch này, nhiều kênh tiêu thụ quả sầu riêng của gia đình bị ngừng trệ. Thế nên, khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng nguy cơ bị hư hỏng là rất cao.
Vì vậy, gia đình buộc phải chuyển hướng sang cấp đông sản phẩm để dễ bề bảo quản, hạn chế thiệt hại. Những ngày qua, 2 kho bảo quản với sản lượng hơn 40 tấn của gia đình ông Thọ lúc nào cũng chất kín múi sầu riêng.
Trước đây đa số sầu riêng được xuất khẩu nguyên trái, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch nên phải bóc múi cấp đông. Ảnh: T.N. |
Tương tự, Công ty TNHH Thái Thịnh, ở thị trấn Đức An, huyện Đắk Song cũng đang có 60 nhân công sơ chế quả sầu riêng, lột múi để cấp đông với sản lượng 100-130 tấn. Bình quân, kho đông lạnh của Công ty TNHH Thái Thịnh đã giải quyết số lượng hàng trăm tấn.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty không còn xuất khẩu sầu riêng trái như mọi khi mà chuyển hướng sang cấp đông sản phẩm.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thủ tục vận chuyển, lên đơn hàng, thông quan… chậm trễ hơn trước rất nhiều. Do đó, công ty buộc phải chuyển hướng sang cấp đông sản phẩm để hàng hóa không bị hư hỏng, hạn chết được rủi ro, thiệt hại”, lãnh đạo Công ty TNHH Thái Thịnh nói.
Kho cấp đông chỉ đảm bảo 30% sản lượng
Ông Nguyễn Xuân Thọ cho biết 2 kho đông lạnh có trữ lượng 40 tấn thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải bởi lượng bán ra nhiều. Do đó, gia đình ông Thọ đã bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng để lắp đặt thêm 2 kho đông lạnh mới với công suất 80 tấn.
“Mỗi tháng gia đình phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng tiền chi phí để thu mua, chế biến sản phẩm từ sầu riêng. Nặng nhất là kinh phí để đông lạnh 130 tấn sầu riêng gia đình phải bỏ ra 15 tỷ đồng để xoay xở nhập, bán hàng”, ông Thọ nói.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk muốn thuê kho đông lạnh để cấp đông sầu riêng tuy nhiên chưa được. Việc này gây khó khăn cho việc thu mua, tiêu thụ nông sản của người dân.
Các thương lái thu mua sầu riêng của dân nhưng không có kho cấp đông để bảo quản. Ảnh: T.N. |
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết địa phương có khoảng 45.000 tấn sầu riêng Dona đang cho thu hoạch.
Theo bà Trinh do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc vận chuyển, tiêu thu gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các thương lái đã đầu tư xây dựng kho đông để trữ hàng phục vụ xuất khẩu.
"Tuy nhiên, các kho lạnh tại huyện Krông Pắk chỉ đáp ứng được 30% sản lượng tại địa phương. Nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp khi TP.HCM và Tiền Giang siết chặt giãn cách. Trước đây, các doanh nghiệp có thể đưa sầu riêng về đây để bóc múi, cấp đông nhưng hiện nay là không thể”, bà Trinh nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết thêm các doanh nghiệp cũng nhờ địa phương tìm kho đông lạnh trên địa bàn tỉnh để thuê lại. Tuy nhiên, khi huyện liên hệ các sở ban ngành vẫn chưa tìm được.
"Cái cần nhất tại địa phương hiện nay là kho đông lạnh. Nhiều thương lái muốn thu mua sầu riêng cho dân nhưng không có kho đông lạnh bảo quản thì sẽ hư hỏng sản phẩm", bà Trinh cho biết.
Tác giả: Tây Nguyên
Nguồn tin: zingnews.vn