Trong tỉnh

Tàu thuyền của ngư dân Nghệ An hối hả ra khơi sau bão

Sau cơn bão số 2, ngư dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang hối hả chuẩn bị nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ để phục vụ cho chuyến biển dài ngày, với hy vọng đánh bắt được nhiều tôm, cá bù lại thiệt hại chuyến biển dở dang vì bão.

Ngay sau khi cơn bão số 2 đi qua, thời tiết đã thuận lợi hơn nên trong ngày 18/7, hàng trăm phương tiện tàu thuyền có công suất lớn của ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) hối hả, khẩn trương chuẩn bị những vật dụng cần thiết, chờ đến giờ con nước lên là tiến hành xuất bến.

Hàng trăm tàu cá của Ngư dân Diễn Châu ra khơi sau bão. Ảnh: Quang An

Tiếp đá lạnh, nhiên liệu cho các tàu thuyền chuẩn bị chuyến vươn khơi dài ngày. Ảnh: Hồng Diện

Ông Bùi Văn Mạo ở thôn Phong Thái, xã Tiến Thủy cho biết, tàu của gia đình ông có công suất 900 CV, mỗi chuyến vươn khơi từ 100 hải lý trở lên thì bám biển khoảng 10 ngày. Vì vậy, ông phải mua 3.000 cây đá lạnh, 4.000 lít dầu và hàng chục thùng nước lọc, thực phẩm… tính tổng chi phí hết trên 100 triệu đồng.

"Chuyến biển trước khai thác mới được ít sản lượng thì nhận được tin bão nên tàu phải quay nhanh vào bờ, để đảm bảo an toàn tính mạng cho các thuyền viên và phương tiện; tính ra thiệt hại cũng đáng kể. Vì vậy, ở chuyến biển này chúng tôi mong sao cho trời yên biển lặng, giúp ngư dân thuận lợi hơn trong việc đánh bắt, để khoang tàu đầy ắp những loại hải sản" - ông Mạo chia sẻ.

Ông Bùi Văn Mạo ở thôn Phong Thái, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) kiểm tra số lượng áo phao cho các thuyền viên lao động trên tàu của mình trước giờ ra khơi. Ảnh: Hồng Diện

Xã Tiến Thủy có 326 tàu thuyền thì có 160 phương tiện đánh bắt xa bờ. Đến thời điểm này, toàn xã đã có 75% tàu thuyền rẽ sóng vươn khơi ra ngư trường quen thuộc là Vịnh Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Văn Ước - Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: "Sau cơn bão, khi thấy thời tiết đã ổn định bà con ngư dân đã tập trung ra tàu thuyền khắc phục hậu quả, tát nước và khởi động máy, sửa chữa ngư lưới cụ. Đồng thời, lấy dầu, đá, nước, thực phẩm tiếp tục bám biển.

Bình quân, mỗi tàu vươn khơi phải tốn đến 80 triệu đồng tiền chi phí. Hiện nay, trời hửng nắng, không có gió nhưng địa phương vẫn khuyến cáo ngư dân phải cập nhật thông tin thời tiết liên tục, khai thác ở ngư trường không quá xa nhằm đề phòng thời tiết xấu có thể trở lại".

Ngư dân xã Tiến Thủy chuẩn bị đẩy đủ nhiên liệu, nhu yếu phẩm để vươn khơi ra ngư trường quen thuộc là Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Hồng Diện

Tại xã Quỳnh Long có 3 tàu trú bão số 2 ở Cửa Soát, tỉnh Hà Tĩnh và 1 tàu ở Cửa Ranh tỉnh Quảng Bình cũng đã tiến hành ra khơi đánh bắt sau bão. Còn 109 con tàu đánh bắt xa bờ neo đậu ở cảng Lạch Quèn hiện đang tất bật hoàn thành việc sửa chữa ngư lưới cụ, mua sắm dầu, nhu yếu phẩm để vươn khơi. Dự kiến trong vài ngày tới nếu thời tiết đã hoàn toàn ổn định thì 100% phương tiện sẽ xuất bến.

Xã Quỳnh Nghĩa hiện có 123 tàu thuyền, với công suất từ 430 CV trở lên thì đã có trên 80 tàu rời bến trong chiều ngày 17 và 18/7.

Ông Tô Duy Hiền - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Phát triển kinh tế biển hàng năm đã đem lại thu nhập cho các gia đình và địa phương khá lớn. Chính vì vậy, ngư dân luôn có tinh thần quyết tâm bám biển rất cao, do đó sau bão không khí chuẩn bị ra khơi của bà con rất khẩn trương, rộn ràng với các công việc như đưa đá ướp cá lên khoang, tiếp nhiên liệu cho chuyến vươn khơi dài ngày…

Bỏ lại sau lưng cơn bão vừa qua, những đoàn tàu nối tiếp nhau ra khơi, đánh bắt tôm, cá. Những cánh tay rắn rỏi, chắc khỏe mỗi người con của biển từng dạn dày nơi đầu sóng, ngọn gió nhổ neo rời bến đã thể hiện được quyết tâm về một vụ khai thác cá thu đạt sản lượng, giá trị cao

Tác giả: Hồng Diện

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP