Kinh tế

Tăng 3-4 lần nguồn cung, thực phẩm siêu thị không tăng giá

Ngoài việc tăng nguồn cung thực phẩm, hàng hoá thiết yếu gấp 3-4 lần, các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội cũng cam kết không có chuyện găm hàng, tăng giá.

Sau khi TP. Hà Nội thông báo có thêm 1 ca nhiễm dịch Covid-19, sáng 7/3, người dân ở Thủ đô đổ xô tới các siêu thị, cửa hàng mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu để tích trữ vì lo sợ khan hàng tăng giá.

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (đơn vị sở hữu siêu thị hệ thống BigC) thừa nhận, liên quan đến dịch dịch Covid-19, do tâm lý hoang mang của một số khách hàng nên lượng khách hàng tới siêu thị cùng một thời điểm tăng đột biến dẫn đến thiếu hàng cục bộ trên quầy kệ siêu thị.

Theo bà Phương, từ khi có dịch bệnh này, hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần.

Các siêu thị khẳng định nhà cung cấp sẽ đưa hàng hoá vào siêu thị liên tục trong ngày nên người dân không cần mua đồ tích trữ

“Trong hôm nay chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, đồng thời huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, thậm chí làm thêm giờ ban đêm”. Bà nói và cho biết, phía siêu thị cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu.
Tương tự, bà Dương Thị Thanh Tâm - Phó Tổng giám đốc Vincommecre, cho biết, ngay từ những ngày đầu khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh Covid-19, hệ thống siêu thị đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân.

Hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hoá trên toàn thành phố Hà Nội và toàn quốc. Đặc biệt là cam kết không có hiện tượng găm hàng đẩy giá, bà Tâm khẳng định.

Song, theo bà, người dân không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn. Nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào, hệ thống siêu thị cũng sẽ được các nhà cung cấp bổ sung hàng liên tục trong ngày; đặc biệt tăng cường các hàng hoá thiết yếu thịt mát và lượng rau củ trong chuỗi sản xuất của đơn vị này vào toàn bộ hệ thống siêu thị.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích,... ) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Giá rau xanh ngoài chợ ổn định và có xu hướng giảm so với thời điểm sau Tết Nguyên đán

Ngoài ra, Bộ Công Thương có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
"Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng", Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Giá thực phẩm tại chợ ổn định

Theo khảo sát của PV. VietNamNet sáng 7/3, dù có tình trạng người dân mua hàng tích trữ nhưng giá cả các mặt hàng vẫn ổn định.

Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), giá các loại thịt lợn như ba chỉ, chân giò, nạc vai,mông sấn,... dao động ở mức 140.000-160.000 đồng/kg, sườn thăn giá 190.000-200.000 đồng/kg.

Chị Đào thị Thu Trang, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ, cho hay, giá thịt lợn đang neo ở mức cao là ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi chứ không phải do mà người dân mua về tích trữ đẩy giá lên cao. “Hôm nay thịt lợn bán chạy hơn so với những ngày trước nhưng giá vẫn ổn định, không tăng”, chị nói.

Giá các mặt hàng gia cầm như thịt gà, thịt vịt cũng ổn định, không tăng so với ngày thường. Gà lông nguyên con chưa giết mổ từ 110.000-120.000 đồng/kg, giá vịt 75.000-80.000 đồng/kg (đã giết mổ).

Tăng 3-4 lần nguồn cung, thực phẩm siêu thị không tăng giá

Các mặt hàng rau xanh giá cũng ổn định và có xu hướng giảm nhẹ so với thời điểm sau Tết Nguyên đán vì thời tiết thuận lợi, nguồn cung rau củ hiện khá dồi dào. Đơn cử, rau muống giá dao động từ 5.000-10.000 đồng/mớ tuỳ loại, cải thảo giá 22.000 đồng/kg, rau cải xoong 8.000 đồng/mớ, mùng tơi 10.000 đồng/mớ, cải ngọt giá 25.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg,...

Chị Lê Thị Hải - tiểu thương bán rau tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân), thừa nhận, giá rau hôm nay vẫn ổn định, không tăng, thậm chí có xu hướng giảm hơn so với ngày trước, chỉ khác là khách mua rau nhiều hơn.
Theo chị Hải, mọi người không cần mua rau tích trữ. Đặc biệt, tiết xuân ấm áp, rau đang phát triển tốt. Theo quy luật, nguồn cung dồi dào giá sẽ giảm. Bây giờ mua tích trữ về có khi còn bị đắt hơn mà rau để lâu sẽ không tươi ngon như đi chợ mua hàng ngày.

Giám đốc một HTX rau sạch ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng chia sẻ, nguồn cung rau xanh rất dồi dào, mỗi ngày đơn vị này cung cấp cho chợ đầu mối ở Hà Nội và các hệ thống siêu thị khoảng 30-40 tấn rau củ các loại.
Tâm An.

Tác giả: Tâm An

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP