Giáo dục

Tại sao nhà trường, thầy cô không chịu làm đúng?

Nhiều cán bộ, giáo viên đang thiếu đi niềm tin, sự đồng lòng và thực tâm để đưa các quyết sách của Bộ GD&ĐT đi vào thực tiễn.

LTS: Xoay quanh đề tài “trên bảo dưới không nghe” hoặc nghe nhưng làm không nghiêm của giáo viên, các nhà quản lý giáo dục ở cơ sở, thầy Đỗ Tấn Ngọc – Phó hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, một nhà quản lý giáo dục có nhiều năm trong nghề đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.

Thầy cũng mong muốn giáo viên, các cấp quản lý phải đồng lòng hơn nữa trong việc thực hiện các chính sách của Bộ.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả ý kiến này!


Là một cán bộ quản lý, một thầy giáo đã có 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở một trường Trung học Phổ thông, tôi có nhiều trải nghiệm về những bước đi thăng trầm của ngành giáo dục, nhất là giáo dục bậc Phổ thông trong suốt 2 thập kỷ qua.

Nhiều lúc tôi nghĩ ngợi và tự đặt ra mấy câu hỏi: Tại sao nhiều nhà trường, giáo viên không chịu làm đúng? Họ không chịu làm đúng để được cái gì?

Tôi dẫn ra đây hàng loạt quyết sách đúng đắn của cấp trên đã và đang bị trường học, giáo viên làm cho phá sản, lệch lạc hẳn đi.

Các năm 1999, 2000, Bộ Giáo dục từng có quyết định tuyển thẳng vào Đại học cho học sinh có kết quả học lực, thi tốt nghiệp loại giỏi nhằm mục đích khuyến khích thành tích học tập tiêu biểu, xuất sắc của các em.

Năm đầu tiên thực hiện quyết định trên, các trường không có nhiều học sinh được tuyển thẳng nhưng đến các năm sau, khi nhận thấy rõ lợi ích to lớn của nó nên đã thi nhau nhờ cậy, dàn xếp để được điểm cao, xếp loại tốt, thi tốt nghiệp thật dễ dãi, thậm chí có “gài bài”…

Thế là số học sinh được tuyển thẳng Đại học các năm tiếp theo tăng đến bất thường, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong chính sách tuyển thẳng không ai khác chính là con em của cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục.

Thấy không ổn trong thực hiện quyết định trên, mấy năm sau, Bộ GD&ĐT cho bỏ.

Một thời gian trước đây, khi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều địa phương có quy định cộng điểm khuyến khích đối với học sinh đạt học lực khá, giỏi thì ngay lập tức điểm số và kết quả học bạ của các em đang học lớp 9 ở hầu hết các trường Trung học Cơ sở được đẩy lên cao đến ngất ngưỡng.

Chúng tôi làm công tác tuyển sinh vào lớp 10, khi kiểm tra học bạ từng em có so sánh, đối chiếu với kết quả những năm học trước đó thì quả thật thấy rất rõ sự bất thường với kết quả năm lớp 9.

Trong hội nghị, lãnh đạo Phòng, Sở GD&ĐT đều quán triệt tinh thần khá kỹ: các đồng chí, nhà trường không nên chạy theo thành tích, cần đánh giá đúng thực chất, em nào xứng đáng điểm, loại gì thì cho loại ấy.

Nhưng thực tế, họ có nghe đâu, nói là một chuyện còn làm lại là một chuyện khác.

Chán ngán căn bệnh thành tích, khoán thoán điểm số của nhà trường, giáo viên bậc Trung học Phổ thông mấy năm nay, các địa phương đã hủy bỏ quy định cộng điểm học sinh khá, giỏi. Nay, soi học bạ học sinh lớp 9 khi không còn có cộng điểm nữa thì tình hình có đổi thay, số lượng loại khá, giỏi giảm hẳn!

987
Làm sao để học sinh có thực chất học hơn là chạy theo các thành tích "ảo"? (Ảnh: Giaoduc.net.vn).

Ba năm nay, Bộ GD&ĐT đưa kết quả học tập lớp 12 tham gia vào công nhận Tốt nghiệp THPT và nhiều trường Đại học, Cao đẳng dựa vào học bạ để xét tuyển sinh.

Đây được xem là một chủ trương đúng đắn của Bộ, đánh giá kết quả tốt nghiệp dựa vào nhiều yếu tố vừa thi vừa xét, làm tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp, tạo động lực mới cho chất lượng dạy và học ở nhà trường THPT.

Tuy nhiên, thật đáng buồn, không ít đơn vị, nhà trường, nhất là các trường ngoài công lập lại tiếp tục lặp lại “bệnh” thành tích, suy nghĩ tiêu cực “sợ” các trường khác không làm thật giống mình nên đã nhẹ nhàng trong việc cho điểm đồng loạt các bộ môn văn hóa, đẩy các con điểm lên cao mút chỉ.

Họ bây giờ rất “khôn khéo”, “ kín đáo”, “ tế nhị” khi xử lý, làm những việc trong nháy nháy ấy.

Còn phụ huynh, học sinh thì khỏi phải nói, được nhà trường, giáo viên “quan tâm”, “tạo điều kiện” như vậy, vui mừng lắm, vì có lợi mà.

Cấp trên, các Sở GD&ĐT thử lấy số liệu về kết quả học tập và hạnh kiểm của học lớp 12 từ các trường, rồi làm biện pháp thống kê, so sánh, đối chiếu, phân tích… sẽ biết ngay có hay không hiện tượng “thoán khoán” tại cơ sở giáo dục.

Sau khi công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa kết thúc, nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đề xuất với Bộ GD&ĐT không nên tổ chức thi Tốt nghiệp THPT nữa mà chỉ cần xét công nhận dựa vào quá trình học tập là được. Làm như thế rất nhẹ nhàng mà lại đỡ tốn kém kinh phí, tiền bạc của Nhà nước, phụ huynh lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Mới nghe qua thì thấy tiện ích và kinh tế thật, nhưng nếu chúng ta không thực hiện theo lộ trình, bỏ liền Kỳ thi này thì chắc chắn sẽ có nhiều việc phát sinh đáng lo ngại.

Đó là tình trạng bệnh thành tích lại bùng phát. Trường nào cũng “thi đua” xét công nhận 100% học sinh của mình đỗ tốt nghiệp; lúc đó nhiều trường rất khó khăn khi xét tuyển chỉ dựa vào học bạ. Nếu lại tổ chức thi “3 chung” để tuyển sinh Đại học như các năm trước thì chất lượng dạy học ở trường THPT càng xuống thấp, vì chẳng còn kỳ thi nào để sát hạch, làm căn cứ đánh giá, và tình trạng học lệch, chỉ học mấy môn thi Đại học sẽ càng trầm trọng.

Từ những thực trạng trên, tôi nhận thấy nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đang thiếu đi niềm tin, sự đồng lòng và thực tâm để đưa các quyết sách, chủ trương của Bộ GD&ĐT đi vào thực tiễn đời sống, có sức lan tỏa, cổ vũ phong trào dạy tốt, học tốt.

Việc triển khai các quyết sách này ở cơ sở thường nảy sinh nhiều bệnh thành tích, lợi ích nhóm, nặng “chủ nghĩa duy tình”… cũng là căn nguyên phá vỡ các định hướng tốt đẹp ban đầu của Bộ, khiến các chính sách này đi vào ngõ cụt.

Để chuyển biến tình trạng này, không chỉ cần nỗ lực và ý thức tự giác của các giáo viên mà còn cần những giải pháp mang tính đột phá, căn cơ, đồng bộ hơn từ các cấp quản lý giáo dục trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP