Xe

Subaru chính thức trình làng ô tô chạy bằng điện

Hợp tác cùng với Toyota, tập đoàn Subaru của Nhật Bản cho ra mắt dòng xe ô tô chạy bằng điện (EV) đầu tiên của hãng và được biết với tên gọi Solterra.

Solterra là kết quả của một dự án phát triển chung kéo dài hai năm với Toyota Motor Corp, cổ đông lớn nhất của tập đoàn Subaru. Việc ra mắt xe thể thao đa dụng (SUV) diễn ra trong bối cảnh nhu cầu về xe điện đang tăng nhanh, khi nhiều quốc gia trên thế giới thắt chặt các quy định về môi trường để cắt giảm lượng khí thải carbon. Tháng 10/2021, Toyota đã công bố phiên bản xe điện chạy bằng pin (BEV) bZ4X của hãng này.

Được biết, quá trình chuyển đổi sang công nghệ không sử dụng động cơ đốt trong đã đặt ra thách thức cho các hãng sản xuất ô tô nhỏ hơn, chẳng hạn như Subaru, vốn ít có khả năng tài trợ cho việc phát triển xe điện tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như Toyota thu hút các đối thủ nhỏ hơn tiến tới hợp tác.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Subaru Tomomi Nakamura cho biết, thị trường xe điện vẫn chưa phát triển, vì vậy, tập đoàn sẽ đáp ứng nó bằng cách tăng cường hợp tác với Toyota.

Ông Tomomi Nakamura gỉai thích thêm, hiện tại, Solterra sẽ được Toyota sản xuất tại Nhật Bản và Subaru có thể chuyển sản xuất sang thị trường chính của hãng này là Mỹ khi Subaru có đủ số lượng bán ra.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Subaru Tomomi Nakamura đứng cạnh ô tô hoàn toàn bằng điện Solterra trong lễ ra mắt tại Tokyo ngày 11/11.

Toyota, hãng sản xuất tiên phong về ô tô điện hybrid nhưng lại là "người tới sau" trên thị trường xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện, có kế hoạch ra mắt dòng sản phẩm gồm 15 mẫu xe điện chạy bằng pin vào năm 2025. Hãng hiện đang đầu tư 13,5 tỷ USD trong 10 năm tới để mở rộng năng lực sản xuất pin ô tô.

Doanh số bán xe tại Subaru chưa bằng 1/10 so với Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo số lượng sản xuất.

Subaru cho biết trong một thông cáo báo chí, Solterra với hệ thống dẫn động cầu trước thể hoạt động trong phạm vi 530 km (329 dặm), trong khi phiên bản dẫn động bốn bánh có thể chạy 460 km trong một lần sạc.

Toyota sở hữu 1/5 cổ phần tại Subaru và 5% cổ phần của Mazda Motor, công ty có kế hoạch tung ra 13 loại xe điện vào năm 2025, bao gồm cả dòng hybrid và xe chạy bằng pin kết hợp công nghệ của Toyota.

Tại thị trường Việt Nam, các chuyên gia nhận định, thị trường xe điện sẽ sớm tạo "cú hích lớn" trong tương lai.

Trong nhiều thế kỷ qua, động cơ đốt trong luôn đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong phát triển phương tiện giao thông vận tải. Cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phương tiện cũng ngày một gia tăng đã đặt các quốc gia trước những thách thức lớn về các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhu cầu về năng lượng...

Trong bối cảnh đó, các nước trên thế giới đã triển khai nhiều nghiên cứu ứng dụng nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Trong lĩnh vực vận tải nổi lên một số xu hướng rõ nét về ứng công nghệ tiết kiệm năng lượng thay thế xăng dầu, đặc biệt phương tiện giao thông chạy bằng điện đã được quan tâm, phát triển ở nhiều nước trên thế giới.

Theo thống kê của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), vào năm 2010, chỉ có khoảng 17.000 ôtô điện lưu thông trên toàn cầu. Đến năm 2019, con số đã tăng lên 7,2 triệu chiếc, trong đó Trung Quốc là nước chiếm thị phần lớn nhất trong doanh số bán ra toàn cầu của xe điện (47%) do mục tiêu giảm nhập khẩu năng lượng, làm sạch chất lượng không khí đô thị, xây dựng ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Không phải hãng ôtô có doanh số hay doanh thu lớn nhất thế giới, Tesla vẫn là thương hiệu ôtô điện được nhắc tới nhiều nhất và là hãng ôtô có giá trị cao nhất thời điểm hiện tại. Gần đây nhất, Volvo cũng đã tuyên bố XC90 có thể là xe động cơ đốt trong cuối cùng của họ và tới năm 2025 thì sẽ có một nửa sản phẩm bán ra sử dụng động cơ điện. Mercedes-Benz còn tuyên bố đã ngưng phát triển mới động cơ đốt trong từ năm 2019.

Chính phủ các nước cũng không đứng ngoài “cuộc cách mạng xanh” này. Pháp và Anh đã tuyên bố sẽ chấm dứt việc bán xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2040.

Tại Việt Nam, thực trạng ô nhiễm không khí đã đến hồi cảnh báo, Chính phủ đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu giải pháp thắt chặt kiểm soát khí thải với cả ôtô, xe máy.

Trên thực tế, mới đây một dự án lớn về xe bus điện công nghệ cao đã chính thức được cấp phép và chuẩn bị đi vào hoạt động tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc ngay trong năm 2020. Tại một số thành phố lớn cũng đã có 1 số trạm sạc pin công cộng cho xe điện được thí điểm triển khai từ phía doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định 57/2020 có hiệu lực từ 10/07/2020 đã mở cửa thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học và khí thiên nhiên (gọi chung là xe xanh) tại Việt Nam. Cụ thể, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất 'xe xanh' được hưởng thuế 0%, đồng thời áp dụng cho các công ty sản xuất linh kiện và phụ tùng, thay vì chỉ bó hẹp với các doanh nghiệp sản xuất ôtô như trước đây.

Theo con số thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hiện thị trường hai bánh tại Việt Nam vẫn đang được thống lĩnh bởi xe chạy xăng, khi số lượng loại xe này chiếm đến gần 95% tổng lượng xe hai bánh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây cho thấy đang có một sự dịch chuyển với việc gia tăng đáng kể xe máy, xe đạp điện. Số lượng xe máy, xe đạp điện tại Việt Nam tính đến năm 2019 vào khoảng 5 triệu chiếc.

So với các nước khu vực như Trung Quốc, Đài Loan (TQ) hay Nhật Bản, xe điện ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn. Giai đoạn 2010, đa phần những chiếc xe điện (xe đạp, xe máy điện) xuất hiện tại Việt Nam đều đến từ Trung Quốc, mẫu mã đa dạng nhưng thương hiệu không nổi bật, chất lượng không được kiểm soát.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của VinFast Klara vào năm 2018 là một cú hích lớn vào nền công nghiệp xe máy điện tại Việt Nam. Hãng xe cũng khánh thành nhà máy diện tích 6,4 ha với công suất 250.000 xe/năm cùng kế hoạch xây dựng vài chục nghìn trạm sạc, cho thuê pin để hoàn thiện hệ sinh thái xe điện, khẳng định xu thế sử dụng xe điện hai bánh thay thế cho xe lắp động cơ đốt trong tại Việt Nam.

Cùng với đó, các hãng xe khác cũng ồ ạt tiến vào thị trường ‘màu mỡ’ này. Một số hãng xe trên thế giới như YADEA cũng đã cập bến thị trường Việt Nam với nhiều mẫu xe; tập đoàn MBI Hàn Quốc với DKBike; hãng xe PEGA cũng cho ra sản phẩm Pega-S để ‘so găng’ với những mẫu xe ga cao cấp,…

Nhận định về tiềm năng của xe điện tại thị trường Việt, ông Nguyễn Thế Hiệp, Giám đốc kinh doanh YADEA Việt Nam cho biết, việc ôtô ngày càng trở nên phổ biến là cơ hội để ngành xe điện 2 bánh ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Khi người tiêu dùng đã sở hữu ôtô, họ sẽ cần thêm phương tiện nhỏ, nhẹ nhàng và nhiều tiện ích để di chuyển tầm gần như xe máy điện và xe đạp điện.

Nếu nói về lợi ích của xe điện so với xe sử dụng động cơ đốt trong thì trực quan nhất là khả năng tiết kiệm chi phí. Xe điện có chi phí vận hành thấp hơn rất đáng kể so với xe truyền thống sử dụng động cơ đốt trong, bao gồm cả xe cả chi phí nhiên liệu và sửa chữa.

Tổ chức nghiên cứu tiêu dùng Consumer Reports (CR) của Mỹ vừa công bố với các mẫu ôtô điện phổ biến có thể giúp người dùng tiết kiệm trung bình khoảng 6.000-15.000 USD sau khoảng 320 nghìn km di chuyển so với các xe xăng, dầu có cùng kích thước và cùng phân khúc.

Bên cạnh lợi ích về chi phí, có một hạn chế đáng kể khi sử dụng xe điện là vấn đề về dung lượng và giá thành ắc quy/pin, thời gian nạp, trạm nạp và xử lý pin thải bỏ để bảo vệ môi trường.

Trong khi các nhà quản lý nỗ lực để đề ra các chính sách và đổi mới công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển xe điện thì người sử dụng luôn quan ngại liệu ắc quy/pin của xe có thể đi hết hành trình mong muốn của họ hay không, và thời gian chờ đợi để ắc quy được nạp đủ để thực hiện hành trình tiếp theo.

Khắc phục những trở ngại trên, nhiều hãng xe điện đã chú trọng xây dựng những đổi mới công nghệ nhằm tạo điều kiện tối đa cho phát triển xe điện tại các quốc gia và trên toàn thế giới.

Với nhóm xe máy, YADEA cũng vừa công bố với việc sử dụng Ắc quy Graphene mới thì tổng chi phí vận hành khi sử dụng xe của họ chưa tới 4 triệu đồng sau 5 năm sử dụng.

Bên cạnh đó, những dòng pin Lithium-ion phát triển bởi VinFast và LG Chem trên các dòng xe điện của hãng xe Việt cũng cho những sự tiết kiệm tương tự với khả năng sạc nhanh và đi trong quãng đường dài lên tới 80km cho 1 lần sạc.

Không chỉ đơn thuần là phương tiện xanh giúp cải thiện môi trường sống, xe điện còn có sự hấp dẫn riêng ở việc được tích hợp hàng loạt công nghệ điều khiển mới, bổ sung thêm tiện ích cho người lái.

Trong khi xe máy truyền thống chỉ mới tích hợp smartkey, các mẫu xe máy điện ‘đầu bảng’ như YADEA G5, VinFast Klara S đã tiên phong tích hợp eSIM, Bluetooh, GPS và nhiều cảm biến trên thân xe phục vụ cho việc định vị, khoá xe, kiểm tra tình trạng xe ngay trên smartphone,…

Ngoài ra, khi sử dụng xe máy điện, người dùng còn trút bỏ được gánh nặng về việc bảo dưỡng, bảo trì sản phẩm. Các thiết bị, phụ tùng của xe điện cũng có phần đơn giản và dễ thay hơn.

Ông Hiệp nhận định, thị trường xe điện ở Việt Nam hiện nay cần rất nhiều thời gian để giành giật thị phần, bắt đầu từ việc các thương hiệu xe điện phải suy nghĩ đến việc tập trung cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ thay vì chỉ chạy đua theo giá bán. Khi đạt được điều này, xe điện sẽ trở thành phương tiện thay thế hoàn hảo xe xăng.

Tác giả: Diệu Hương (T/h)

Nguồn tin: vietq.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP