Giáo dục

Sự thật lời quảng cáo "học nghề, ra trường có việc làm ngay"

Hầu như trường nghề hệ trung cấp, cao đẳng nào khi tuyển sinh đều hứa hẹn "đảm bảo 100% học viên ra trường có việc làm ngay". Thật ra, đó không chỉ là lời quảng cáo.

Tuyển sinh gắn liền với cam kết việc làm

100% học viên ra trường có việc làm ngay là câu quảng cáo mà hầu như trường Trung cấp, Cao đẳng nào cũng quảng bá trong thông báo tuyển sinh của mình. Thậm chí, có trường khi tiếp nhận học viên còn ký cam kết với phụ huynh và học sinh là đảm bảo các em có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Như tại trường Trung cấp Lê Thị Riêng (TP Thủ Đức, TPHCM), năm 2021, trường tuyển sinh và đào tạo nhiều nhóm ngành như Kỹ thuật chế biến món ăn, Chăm sóc sắc đẹp, Chế biến thực phẩm, May thời trang… và cam kết giới thiệu việc làm cho học viên ra trường.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Hiệu phó trường Trung cấp Lê Thị Riêng khẳng định: "Trường cam kết sau khi các em tốt nghiệp được giới thiệu việc làm 100%. Khi ra trường, các em có thể đảm nhận làm quản lý, kỹ thuật viên, nhân viên chăm sóc khách hàng, kế toán… tại các doanh nghiệp, nhà hàng, cơ sở dịch vụ spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp…".

Các trường nghề đều cam kết 100% học viên ra trường sẽ được giới thiệu việc làm (Ảnh minh họa: Nam Thái).

Trường Cao đẳng nghề TPHCM là trường lớn có truyền thống lâu năm với cơ cấu đào tạo đa ngành rất rộng, tiến sĩ Trần Kim Tuyền - Hiệu trưởng trường cũng khẳng định, nhà trường đảm bảo việc làm đầu ra cho học viên. Ông nói: "Nhà trường gắn kết, hợp đồng với doanh nghiệp, tạo đầu ra cho các em ngay từ đầu".

Theo thạc sĩ Hoàng Quốc Long - Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp, TPHCM), đối với trường nghề hiện nay thì việc tuyển sinh gắn chặt với cam kết việc làm đầu ra cho học viên. Bởi vậy, hầu hết các trường nghề đều thành lập trung tâm tuyển sinh và hỗ trợ việc làm.

Những trung tâm này không chỉ đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho trường mà còn kết nối với các doanh nghiệp để đưa học sinh đến thực hành trong quá trình học, nhận học viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Còn theo tiến sĩ Trần Kim Tuyền, cam kết đảm bảo việc làm cho học viên khi tốt nghiệp không chỉ là để thu hút tuyển sinh mà còn là bảo chứng cho uy tín chất lượng đào tạo của trường.

Tiến sĩ Trần Kim Tuyền cho hay: "Làm sao trong quá trình đào tạo phải trang bị cho các em đạt được kỹ năng nghề, vào doanh nghiệp không phải đào tạo lại, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cũng cần".

Đào tạo theo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, bản chất câu chuyện ở đây là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong công tác dạy nghề.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, với các bậc học giáo dục nghề nghiệp, việc liên kết với doanh nghiệp rất quan trọng. Nhờ đó, nhà trường nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để đào tạo cho phù hợp, có nơi đưa học viên đến thực hành. Sau quá trình thực tập đáp ứng được công việc tại doanh nghiệp học viên dễ dàng được giữ lại làm việc.

Ngoài ra, việc kết nối với các doanh nghiệp không chỉ để tìm đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp mà còn là nơi tốt nhất cho học viên thực tập. Tại doanh nghiệp, học viên được học kỹ năng sát với thực tế hơn, tiếp cận thiết bị mới mà chỉ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới có.

Theo tiến sĩ Trần Kim Tuyền, trường Cao đẳng nghề TPHCM đào tạo nhiều ngành trọng điểm quốc gia, được Nhà nước quan tâm đầu tư trang thiết bị thực hành thuộc hàng tốt nhất.

Nhưng trong thị trường lao động công nghệ 4.0 hiện nay, kỹ thuật thay đổi liên tục nên trường vẫn liên kết với các doanh nghiệp để các em có thể tiếp cận với những kỹ thuật, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất. Khi đó, các em sẽ có kỹ năng nghề không lạc hậu với công nghệ hiện tại, dễ đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: "Doanh nghiệp thường không muốn đầu tư vào đào tạo vì tốn chi phí. Nguồn lao động chủ yếu mà doanh nghiệp hướng tới là đến từ các trường nghề. Do đó, việc các trường nghề xúc tiến liên hệ với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của họ sẽ đảm bảo đầu ra cho học viên".

"Điều quan trọng là các em có chịu vận động, chịu khó làm việc hay không. Chỉ cần nắm vững kỹ năng nghề, đam mê, kỷ luật, kiên trì, chịu khó và hoàn thiện kỹ năng mềm, chắc chắn các em sẽ có được công việc ổn định", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM, tỉ lệ có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo sau tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TPHCM năm 2020 là 83,05% ở khối trường Cao đẳng và 81,16% ở khối trường Trung cấp.

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP