Thể thao

Sự sụp đổ của MU ở cuối giai đoạn Solskjaer

Ole Gunnar Solskjaer từng làm tốt trong 2 năm xây dựng lại đội hình MU. Nhưng từ mùa này, tình thế ngoài tầm kiểm soát của huấn luyện viên người Na Uy.

Ole Gunnar Solskjaer từng làm tốt trong 2 năm xây dựng lại đội hình MU. Nhưng từ mùa này, tình thế ngoài tầm kiểm soát của huấn luyện viên người Na Uy.
"Lò xay huấn luyện viên (HLV)" hoạt động ngày càng mạnh mẽ trong những mùa gần đây tại Premier League. Riêng mùa này, 5 trong 20 HLV bị mất việc trước đợt tập trung đội tuyển vào tháng 11. Ba ngày sau, đến lượt Solskjaer chia tay MU.

Thất bại 1-4 của MU trước Watford đã đẩy mọi thứ đi quá xa. Trước đó, ghế HLV của Solskjaer đã lung lay khi "Quỷ đỏ" liên tiếp thua trước Leicester, Liverpool và Man City.

Phòng ngự tệ hại là nguyên nhân chính dẫn tới bi kịch ở MU trong cuối giai đoạn cầm quân của Solskjaer. Họ nhận 21 bàn thua sau 12 trận, ít hơn 2 đội cuối bảng Norwich City và Newcastle. Không chỉ một, hai trận, mà sai lầm của hàng thủ MU nối dài đến hàng chục trận.

Cổ động viên MU có lý do để đặt dấu hỏi về năng lực của Solskjaer và các cộng sự trong ban huấn luyện.

Những con số "biết nói"

Expected goal (xG) là chỉ số để đo khả năng thành công của pha dứt điểm. Mùa này, trung bình mỗi cú sút chọc thủng lưới MU có chỉ số xG 0,12%, tương ứng tỷ lệ thành công 12%. Con số này thấp hơn đội đang xếp bét bảng Newcastle.

Thống kê trên không tính phạt đền, phản ánh việc MU để cho đối phương thực hiện quá nhiều pha dứt điểm có khả năng thành bàn cao. Thực tế ở mùa này, hàng phòng ngự MU nhiều bị đánh bại dễ dàng, đặc biệt trong các tình huống đối phương treo bóng từ biên vào vùng cấm.

Trên ảnh là đường biểu đồ bàn thắng dự kiến (màu xanh) và bàn thua dự kiến (màu đó). Kể từ tháng 12/2018, đây là giai đoạn số bàn thua dự kiến của MU vọt lên so với bàn thắng dự kiến. Một đội bóng không thể nghĩ tới cạnh tranh chức vô địch khi phần trăm thủng lưới đang vượt lên khả năng ghi bàn.

Đồ họa bên dưới thể hiện sự chênh lệch giữa chỉ số xG và bàn thắng thực tế (không tính phạt đền) MU ghi được dưới triều đại Solskjaer. Thống kê này phản ánh MU ghi nhiều bàn hơn so với dự đoán về khả năng thành công trong từng cơ hội họ tạo ra.

Chuyện này không lạ với CLB hàng đầu như MU, bởi họ đang sở hữu dàn cầu thủ đẳng cấp, sẵn sàng chuyển hóa cơ hội dù rất nhỏ thành bàn thắng. Nhưng duy trì mức chênh lệch liên tục là sự bất ổn, vì đội bóng hàng đầu không thể liên tục phụ thuộc vào phẩm chất của các ngôi sao.

Một loạt trận đấu ở mùa này, MU thắng bằng khoảnh khắc cá nhân, hơn là áp đặt thế trận, chủ động tạo cơ hội và chuyển hóa bàn thắng. Điển hình là ở Champions League, Ronaldo đã cứu MU ba trận liên tiếp bằng các bàn thắng muộn.

Dưới thời HLV Solskjaer, MU được hưởng 33 quả phạt đền - nhiều hơn 10 quả so với đội đứng sau ở Premier League là Man City. Một phần vì MU có nhiều cầu thủ chủ động trong các pha kiếm phạt đền.

Nhưng phạt đền chưa bao giờ là chỗ dựa bền vững để CLB tìm bàn thắng. Thực tế, sau 12 trận ở Premier League 2021/22, MU chỉ được hưởng một quả phạt đền.

Solskjaer giúp MU tiến bộ nhưng chưa đủ

Trong buổi phỏng vấn cuối cùng trước khi chia tay MU, Solskjaer bày tỏ: "Tôi lấy làm vinh dự khi được ban lãnh đạo tin tưởng giao trọng trách đưa MU tiến lên. Sự thật là MU lúc này đã tốt hơn so với thời điểm tôi mới tiếp quản đội bóng".

ClubElo sẽ kiểm chứng cho tuyên bố của Solskjaer về việc MU đã tiến bộ.

Đây là hệ thống xếp hạng sức mạnh của các CLB, thông qua cách tính điểm sau mỗi trận thắng. Ví dụ, MU thắng đội mạnh hơn (như PSG ở Champions League) được tính điểm nhiều hơn. Ngược lại, các trận thắng của MU trước đội bóng nhỏ như Norwich sẽ nhận ít điểm.

Hệ thống ClubElo phản ánh khá cụ thể việc MU thu lại kết quả gì trong trận đấu lớn. Từ đó, đặt lên bàn cân cùng các đối thủ sẽ xác định "Quỷ đỏ" đứng ở đâu.

Ở thời điểm Solskjaer tiếp quản MU, ClubElo xếp họ đứng thứ 14 tại châu Âu - thành tích rất tệ, chứng tỏ MU ở triều đại Jose Mourinho đã bị bỏ lại so với nhóm CLB hàng đầu.

Lúc này, MU giữ vị trí thứ 7 ở ClubElo, đứng sau PSG, Real Madrid, Chelsea, Liverpool, Man City và Bayern Munich. MU liên tiếp thua Leicester, Liverpool và Man City, nhưng thắng Tottenham và có kết quả khá tốt tại Champions League.

Đúng là MU có tiến bộ dưới thời Solskjaer, ít nhất trên bảng xếp hạng ClubElo. Nhưng với mức đầu tư gần 500 triệu bảng, sự kỳ vọng của CĐV MU lớn hơn thế.

Solskjaer thất bại trong nhiệm vụ đưa MU trở lại thời hoàng kim. Cristiano Ronaldo, Bruno Fernandes, Harry Maguire, Raphael Varane và Jadon Sancho đã cập bến Old Trafford, nhưng Ole Solsa lại loay hoay trong việc liên kết dàn sao này thành một tập thể chất lượng.

Dù sao, Solskjaer vẫn có công trong việc giúp MU vực dậy sau giai đoạn khủng hoảng nặng dưới thời Mourinho. Ông đưa về sân Old Traffrord nhiều cầu thủ chất lượng và nâng tầm một số cầu thủ trẻ trưởng thành ở lò Carrington.

Nhưng đà phát triển của MU dưới tay Solskjaer đã tới giới hạn. Lúc này, MU cần bước sang giai đoạn mới, là tìm HLV thật sự đẳng cấp và bản lĩnh để sử dụng tối ưu đội hình gồm nhiều ngôi sao tấn công hàng đầu.

Tác giả: Viết Tuệ

Nguồn tin: zingnews.vn

  Từ khóa: Solskjaer ,MU ,sụp đổ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP