►Họp báo sự cố thủy điện Sông Bung 2: Phủ nhận thông tin vỡ đập
►Vỡ ống thủy điện Sông Bung 2: Chưa tìm thấy 32 người
►Vỡ đường ống thủy điện Sông Bung 2, nhiều công nhân bị cuốn trôi
Sáng 14/9, tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin sự cố bục cửa van số 2 tại nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang) khiến nhiều công nhân bị cuốn trôi.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn. Ảnh: Nguyễn Đông
"Do ảnh hưởng của bão số 4"
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho hay, nguyên nhân ban đầu của sự cố là do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9. Nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn, khoảng 560m3/s.
16h25 ngày 13/9, các công nhân của nhà thầu đang múc bùn đọng ở hầm dẫn dòng, chuẩn bị đổ bê tông thì nước lũ tràn về làm bục cửa van số 2 nặng 120 tấn. Hầm dẫn dòng ngập, hai công nhân lái máy đào bị nước cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy.
Ông Toàn cho biết sự cố xảy ra khi ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 2 (Chủ đầu tư) cùng nhóm 5 kỹ sư và lãnh đạo công ty vừa rời hầm khoảng 5 phút. "Nếu ra trễ thì tất cả cũng bị cuốn phăng", ông Toàn nói và cho biết thêm, lúc đó trời không mưa, công trình khô ráo, đơn vị thi công không hình dung được dòng nước với lưu lượng 560m3/s tống mạnh như thế nào.
Dòng nước tràn khiến 2 ôtô, 2 máy đào, 1 máy cẩu 25 tấn, khoảng 5 chiếc xe tải bị ngập, nhiều thiết bị thi công khác hư hỏng. Khu vực hạ du bị ảnh hưởng, một số đoạn đường qua thôn Pà Ooi bị lụt, cuốn trôi 2 nhà dân và 1 nhà khác bị nghiêng, 10 người trồng rừng mất liên lạc. Tỉnh đã yêu cầu huyện Nam Giang cử người đến từng nhà để xác minh.
Theo ông Toàn "nhiều thông tin không chính thống cho rằng vỡ đập nên Thủ tướng rất quan tâm đến sự cố này".
Trong báo cáo nhanh gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với địa phương di dời người, tài sản của 2 hộ dân bị cuốn trôi nhà sau sự cố; cảnh báo nguy cơ ngập lụt, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn ngay trong đêm. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành quan trắc mực nước thượng lưu, hạ lưu đập, theo dõi diễn biến lũ và tình trạng các hạng mục công trình để đưa ra hướng khắc phục đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình.
Dòng nước cuốn tại khu vực sự cố. Ảnh: Sơn Thủy
Trách nhiệm thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Đại diện chính quyền Quảng Nam cho rằng sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu công trình, tỉnh không được tham gia. Trách nhiệm thuộc về EVN, phải báo cáo với Bộ Công thương và Thủ tướng về sự cố.
Ông Toàn cho hay, thủy điện ở Quảng Nam được xây dựng dưới dạng hệ thống thuỷ điện bậc thang, giúp điều tiết lũ nếu xảy ra sự cố vỡ đập. Trên sông Bung hiện có 5 dự án thủy điện và thủy điện Sông Bung 4 đã hoạt động. Dự án thủy điện Sông Bung 2 là bậc thang cuối cùng ở thượng nguồn.
Theo ông Toàn, quy trình hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt. Khi bão số 4 vào, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chủ đầu tư các thủy điện tuân thủ quy trình, đồng thời kiểm tra khả năng ảnh hưởng đến hạ du. Quảng Nam cũng kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng về bản đồ ngập lụt trên địa bàn tỉnh.
“Hiện mới có nguyên nhân ban đầu, phải chờ Hội đồng liên bộ vào xác minh nguyên nhân thì mới quy trách nhiệm cụ thể, xem lỗi thiết kế hay lỗi thi công. Vụ việc khiến 2 người mất tích là thiệt hại lớn", ông Toàn nói và cho rằng sự cố này có thể kiểm soát được về mặt kỹ thuật.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thông tin, khi Hội đồng liên bộ xác định nguyên nhân, lực lượng chức năng sẽ xem xét có dấu hiệu tội phạm hay không.
Nhà máy thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: Sơn Thủy
Tỉnh không được tham gia nghiệm thu dự án
Tại họp báo, nhiều phóng viên nêu câu hỏi tỉnh Quảng Nam có biết những cảnh báo về năng lực của các nhà thầu tham gia thi công thủy điện Sông Bung 2?
Cụ thể, trước đây EVN đã cho biết địa chất thủy điện Sông Bung 2 phức tạp, dự án được thực hiện theo mô hình không có tổng thầu mà ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công. Trong đó, một số nhà thầu yếu về năng lực, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư phải thay nhà thầu thi công đào hầm. Năng lực quản lý của Ban Quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 nhiều hạn chế từ khâu tổ chức khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều hành thi công xây dựng. Vì những bất cập trên, dự án phải kéo dài thêm 2 năm.
Ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết, tỉnh chỉ quản lý công trình thủy điện 30MW trở xuống, quá ngưỡng này là Bộ Công thương. Việc tăng vốn dự án (thêm 1.600 tỷ đồng) địa phương không có thông tin, chỉ nghe qua báo chí. Khi thẩm định và nghiệm thu công trình, cũng vì lý do phân cấp, phân quyền nên tỉnh không được tham gia, dẫn đến việc không được nghe những cảnh báo về năng lực yếu kém của các nhà thầu.
Trước khi họp báo kết thúc, ông Toàn cho biết 10 người đi làm rừng đã về nhà, còn 2 công nhân hiện vẫn mất tích. "Dòng chảy của sự cố này chỉ ảnh hưởng đến 2 thôn của xã La Dêê. Nhà của 2 hộ dân bị cuốn trôi nhưng người dân đã kịp thoát ra an toàn", ông Toàn khẳng định.
Công trình thủy điện Sông Bung 2 được nghiệm thu, cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25/8, hoàn thành đóng cửa van hầm dẫn dòng vào ngày 3/9. Khởi công năm 2012, công trình có công suất lắp đặt 100MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình hằng năm 425,5 triệu KWh, mức đầu tư là 3.661 tỷ đồng. Đến tháng 5/2016, chủ đầu tư đã điều chỉnh phê duyệt dự án tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng. Quảng Nam hiện là địa phương có mật độ thủy điện lớn nhất nước với hơn 40 công trình. |
Tác giả bài viết: Nguyễn Đông