Giáo dục

Sự ấm ức của giáo viên âm nhạc, mỹ thuật

Điều mà giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật mong chờ ở Chương trình Giáo dục phổ thông mới là các hướng dẫn đánh giá, xếp loại học trò sẽ như thế nào?

Môn học Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ Thuật) trong chương trình hiện hành (năm 2000) được dạy từ lớp 1 đến hết học kỳ 1 của lớp 9.

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đây vẫn là môn bắt buộc ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Tuy nhiên, điểm khác là môn học này còn được đưa vào giảng dạy hết cấp Trung học phổ thông và sẽ trở thành môn tự chọn cho học sinh.

Nhưng nhìn vào thực tế giảng dạy bộ môn này ở các nhà trường trong những năm qua, chúng ta sẽ thấy một sự mâu thuẫn.

Các môn nghệ thuật là bắt buộc ở cấp tiểu học (Ảnh: Nguyễn Như Sỹ)

Sự tủi thân của giáo viên môn học bị xem nhẹ

Trong các phong trào của học sinh, nhà trường, ngành giáo dục và các cấp Đoàn - Đội phát động thì năm nào 2 môn học Âm nhạc và Mỹ thuật thường được chọn để tổ chức nhiều nhất. Từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương, những phong trào như Tiếng hát học đường, Tiếng hát hoa phượng đỏ, hội diễn văn nghệ, chương trình mừng Đảng, mừng Xuân, các cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề biển đảo, ma túy, an toàn giao thông… cũng được phát động và tổ chức liên miên quanh năm suốt tháng. Giáo viên dạy các môn học này thường rất vất vả trước vô vàn cuộc thi của học trò, nhất là khi ngành giáo dục bước vào lúc nghỉ ngơi như dịp hè, Tết Nguyên đán thì các phong trào dính liền với 2 môn học này được tổ chức như nấm mọc sau mưa.

Vậy nhưng, nhìn vào cách đánh giá, cách hướng dẫn xếp loại học sinh hiện hành ở nhà trường thì có lẽ giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật sẽ luôn cảm thấy… tủi thân và có phần bất lực.

Cấp Trung học cơ sở hiện nay đang thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 58. Các môn nghệ thuật được xếp loại theo 2 hình thức là “Đ” (đạt) và “CĐ” (chưa đạt). Tuy nhiên, xếp loại như vậy vô tình đánh đồng các em như nhau. Bởi đa phần học sinh được xếp loại đạt, chỉ những em vắng học quá nhiều, không đảm bảo được bài kiểm tra mới xếp chưa đạt mà thôi.

Nhưng vì cấp học này có nhiều môn độc lập, nhiều giáo viên dạy khác nhau nên nó không tác động nhiều đến giáo viên nghệ thuật và học sinh. Còn đối với những giáo viên dạy các môn Nghệ thuật ở cấp Tiểu học thì hoàn toàn ngược lại. Nhiều khi giáo viên dạy các môn học này bị chi phối hoàn toàn bởi giáo viên chủ nhiệm khi đánh giá, xếp loại cho học sinh.

Thông tư 22 hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn đánh giá, xếp loại học sinh. Theo quy định, muốn xếp học sinh loại “hoàn thành xuất sắc” và khen thưởng thì các môn tính điểm phải từ 9 điểm trở lên, các môn xếp loại phải được xếp loại “hoàn thành tốt” (T).

Vì vậy, mặc dù nhiều học sinh học không tốt môn Nghệ thuật nhưng khi các em kiểm tra học kỳ mà các môn tính điểm đều từ 9 điểm trở lên là giáo viên dạy môn Nghệ thuật cũng bắt buộc phải “kéo” các em từ mức “H” – hoàn thành lên mức “T” – hoàn thành tốt. Cho dù đa phần giáo viên không muốn nhưng cuối cùng đều phải làm cái chuyện trớ trêu này.

Nếu giáo viên chủ nhiệm có những lời lẽ phù hợp thì giáo viên Nghệ thuật còn được an ủi phần nào. Nhưng, có những giáo viên chủ nhiệm khi kiểm tra học kỳ xong là liệt kê ra những học sinh được điểm cao ra rồi đưa danh sách cho giáo viên Nghệ thuật yêu cầu xếp loại “T” để khen thưởng.

Giáo viên Nghệ thuật mà ấm ức không chịu thì giáo viên chủ nhiệm buông lời dè bỉu… môn phụ. Có người lên nhờ Ban Giám hiệu can thiệp để giáo viên Nghệ thuật xếp loại “T” cho học trò.

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các môn nghệ thuật là tự chọn ở bậc THPT(Ảnh: Nguyễn Như Sỹ)

Có những giáo viên dạy các môn Nghệ thuật tâm sự với chúng tôi về vấn đề này trong tâm trạng ấm ức bởi có nhiều giáo viên chủ nhiệm, thậm chí là Ban Giám hiệu luôn xem nhẹ và can thiệp vào việc đánh giá, xếp loại môn học của mình. Họ chẳng thèm đếm xỉa đến tâm trạng giáo viên dạy môn học này như thế nào. Bởi, kéo một số em học chưa tốt mà đáng lẽ sẽ xếp loại “H” lên loại “T” cũng đồng nghĩa là đánh đồng chất lượng học tập của học sinh. Nhiều em phấn đấu, siêng năng học tập cuối cùng cũng bằng những em lơ là, không có năng khiếu.

Vô tình, việc này sẽ kéo theo hệ lụy là năm sau, cũng thái độ học tập ấy, các em vẫn được kéo lên một cách… bình thường. Nhưng làm sao học sinh biết được sự can thiệp của giáo viên chủ nhiệm hay các thầy cô trong Ban Giám hiệu, mà các em cứ ngỡ mình đã giỏi, có “năng khiếu vượt trội” so với các bạn nên mới được xếp loại “T”.

Chờ đợi ở Chương trình mới

Với cách sắp xếp của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, có lẽ giáo viên dạy các môn học nghệ thuật sẽ cảm thấy vui lòng hơn.

Tuy nhiên, điều mà giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật mong chờ là các hướng dẫn đánh giá, xếp loại học trò sẽ như thế nào?

Vị thế của một môn học không chỉ được nằm trên hình thức của chương trình. Phải đi vào thực tế, với những hướng dẫn phù hợp thì mới đánh giá đúng được bản chất môn học, chất lượng người học.

Đừng để tình trạng “trống thổi xuôi, kèn thổi ngược” như hiện nay: Các phong trào thì luôn phát động, đề cao nhưng khi đánh giá chất lượng học tập trên lớp lại nửa vời, có cũng như không.

Điều này rất cần sự định hướng của những người thiết kế môn học và hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT.

Tác giả: Nguyễn Đăng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP