Xã hội

Sớm cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng

Sáng 10/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về việc mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc phòng chống HIV (ARV), thuốc Lao và Vitamin A. Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai vắc xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước bao gồm vắc xin phòng bệnh viêm gan B, Lao cho trẻ sơ sinh, vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib, sởi cho trẻ dưới 1 tuổi và vắc xin rubella, viêm não Nhật Bản cho trẻ 12-24 tháng tuổi.

Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình được thực hiện theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách Trung ương để thực hiện mua sắm tập trung vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV (ARV) và Vitamin A, ký hợp đồng với nhà cung ứng cấp phát cho các địa phương thực hiện.

Đến giai đoạn năm 2021 – 2022, do Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg chỉ được thực hiện đến hết năm 2020; đồng thời theo Luật Đầu tư công sửa đổi năm 2019 không còn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và không có nội dung mua vắc xin. Các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế tự mua sắm bằng ngân sách Trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế được giao dự toán ngân sách Trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm cho hai năm 2021 - 2022.
Thực hiện nội dung của năm 2023, với mong muốn tiếp tục được mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống Lao, thuốc kháng HIV, vitamin A để phục vụ cho các địa phương như các năm trước, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước 2023, trong đó đề nghị bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ mục tiêu y tế, dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV, vitamin A. Tuy nhiên, các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế, dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương nên theo quy định của Luật Đầu tư công, Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai nhiệm vụ này.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã thảo luận những giải pháp để cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chương trình tiêm chủng mở rộng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra các giải pháp để sớm cung ứng các loại vắc xin trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu phác đồ điều trị các bệnh do thiếu vắc xin gây ra.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vắc xin "gối đầu" từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vắc xin sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc xin của năm 2022 và "gối đầu" đến tháng 7/2023.

Riêng vắc xin viêm gan B, vắc xin phòng Lao sử dụng đến tháng 8/2023. Các vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin Sởi, Rubella,... đủ dùng đến quý III, quý IV năm 2023. Các vắc xin uốn ván, bại liệt thực hiện tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023.

Đối với vắc xin nhập khẩu 5 trong 1, do năm 2022 tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm theo quy định, tuy nhiên không có nhà thầu tham gia nên có tình trạng thiếu trên thị trường.

Hiện nay, có 2 loại vắc xin đang thiếu gồm: Vắc xin nhập khẩu 5 trong 1; vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP