Trong nước

Số F0 tử vong tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp

Việt Nam đã trải qua 4 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới trên 70.000 người. Omicron có thể đã xuất hiện trong cộng đồng và song hành với chủng Delta.

Khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ của chủng Omicron

Sáng 27/2, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhận định diễn biến dịch của thành phố đang phức tạp. Ông cho biết thành phố đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ của chủng Omicron. Việc này còn phải chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhưng thực tế, biến chủng mới này có thể đang xuất hiện trong cộng đồng song hành với chủng Delta.

Lo ngại chủng Omicron có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan dịch Covid-19 hiện rất nhanh, lãnh đạo Hà Nội cho biết một số chuyên gia nhận định số ca mắc ở Hà Nội tiếp tục tăng cao và khả năng đạt đỉnh trong nửa tháng nữa, tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định. Ảnh: HG.

Tuần qua, TP.HCM đã tầm soát ngẫu nhiên tìm biến chủng Omicron trên địa bàn bằng xét nghiệm rRT-PCR trong khoảng thời gian ngày 10-17/2. Kết quả cho thấy có tới 70/92 mẫu bệnh phẩm nhận kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định việc nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng.

"Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không cần ngăn cản được triệt để sự lây lan của biến chủng này từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Nhiều người nhiễm nCoV có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên", ông Phu nhấn mạnh.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, người dân không nên quá chủ quan và cho rằng "ai rồi cũng sẽ mắc Covid-19". Mỗi người đáp ứng với bệnh khác nhau. Một số người rất khỏe mạnh nhưng nếu có các yếu tố nguy cơ (như cao tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch...), khi nhiễm bệnh, sự tương tác với virus có thể gây tổn thương cho cơ thể, ảnh hưởng đến phổi, tim hay thận.

Với người trẻ, khỏe, Covid-19 có thể trải qua nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu bạn lây bệnh cho người khác, không may họ có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, già yếu sẽ chuyển biến nặng hơn. Do đó, tốt nhất, bạn không nên trở thành nguồn lây cho người khác.

Tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 ở Hà Nội gần 10%

Trong ngày 27/2, Sở GD&ĐT Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc cho học sinh khối lớp 1 đến 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển sang học trực tuyến.

Tờ trình nêu, qua khảo sát nắm bắt tình hình học tập học sinh lớp 1 đến 6: Học sinh chưa được tiêm phòng vaccine phòng, chống dịch; số lớp phải ngừng dạy học trực tiếp chuyển sang trực tuyến chiếm 45,2%; tỷ lệ học sinh trực tuyến đạt 91,14%; số lớp đang học trực tiếp chiếm tỷ lệ 54,8%.

Trong thời gian qua, tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 đạt xấp xỉ 10% so với tổng số người mắc trên địa bàn thành phố tương đương với 17.384 ca mắc. Trong đó, có 597 ca phải điều trị tại bệnh viện, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 3,4% bao gồm: trẻ sơ sinh, có bệnh nền cấp tính, trẻ có triệu chứng mức độ trung bình, nặng, nguy kịch, còn lại đa số ca bệnh không có triệu chứng và nhẹ.

Học sinh tại huyện Chương Mỹ đến trường. Ảnh: Nhật Sinh.

UBND thành phố Hà Nội đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội cho học sinh thuộc các khối lớp từ 1 đến 6 của 18 huyện thị xã chuyển từ học trực tiếp sang học online kể từ ngày 28/2.

Bên cạnh đó, báo chí phản ánh người dân tại một số địa bàn gặp khó khăn trong việc xác nhận F0 hoặc đã khỏi bệnh để thanh toán bảo hiểm y tế, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thừa nhận việc này có xảy ra.

Theo bà Hà, tuần qua, một số địa phương có số ca mắc tăng cao như Hoàng Mai, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn... nên dẫn đến tình trạng người dân phải xếp hàng xin giấy xác nhận, gây bức xúc. Tuy nhiên, có nơi không xảy ra hiện tượng quá tải nhờ huy động được lực lượng, bố trí khoa học.

Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng về việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly, người dân có thể tự làm xét nghiệm nhanh có sự giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của nhân viên y tế bằng hình thức online.

Các xã, phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 và huy động thêm lực lượng thanh niên, phụ nữ… tham gia công tác phòng chống dịch để đáp ứng đủ nhân lực phục vụ người dân. "Phải tận dụng công nghệ tối đa", bà Hà nhấn mạnh.

Nói thêm về việc này, Chủ tịch Hà Nội nhận định việc quá tải hệ thống y tế do 8/10 nhân lực ở các trạm y tế đang phải tập trung giải quyết thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm… Vì vậy, địa phương cần linh hoạt sử dụng phần mềm quản lý người mắc Covid-19 hiệu quả, rút ngắn quy trình để hỗ trợ người dân.

Đồng thời, hệ thống y tế cơ sở cần kiểm soát thường xuyên, định lượng rõ mỗi nhân viên y tế phụ trách chăm lo được cho bao nhiêu F0 một ngày. Khi có chỉ tiêu cụ thể, các địa phương mới có thể xác định rõ cần bao nhiêu nhân lực mỗi ngày để được điều phối, hỗ trợ kịp thời.

17 địa phương ghi nhận trên 2.000 F0

Theo Bộ Y tế, ngày 27/2, Việt Nam ghi nhận 86.990 F0 mới. Trong đó, 86.966 trường hợp ghi nhận trong nước, tăng 8.996 F0 so với ngày trước đó. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới tại Việt Nam ở ngưỡng hơn 70.000.

Hà Nội tiếp tục lập "đỉnh" mới với 11.517 ca bệnh trong ngày. Đây là số lượng ca bệnh nhiều nhất từ trước đến nay ghi nhận tại địa phương này.

Sau Hà Nội, Quảng Ninh cũng lần đầu vượt mốc 5.997 F0 phát hiện sau 24 giờ, tăng 3.438 so với ngày trước đó. Ngoài ra, số lượng ca bệnh cũng tăng nhanh tại Lạng Sơn, Bắc Ninh, tăng thêm lần lượt 3.438 và 996 F0 so với ngày 26/2. Cả nước có 17 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 2.000 F0 mới trong ngày.

Số ca nhiễm tăng mạnh liên tục trong nhiều ngày nhưng lượng bệnh nhân tử vong vẫn duy trì ở mức thấp. Trong ngày 27/2, cả nước ghi nhận 94 ca tử vong, tăng 6 ca so với ngày trước đó. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 17 trường hợp. TP.HCM ghi nhận 2 trường hợp, trong đó một ca từ tỉnh Sóc Trăng chuyển đến.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 92 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.144 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.

Theo các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 chỉ tập trung tại nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ có thai chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19, tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I/2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2./022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cả nước chỉ còn 13 địa phương có mức bao phủ đủ liều cơ bản cho người trên 18 tuổi dưới 100% gồm: Cao Bằng (99.15%), Lạng Sơn (99.29%), Hà Giang (91.43%), Quảng Bình (91.76%), Trà Vinh (92.07%), Sơn La (97.82%), Hưng Yên (92.76%), Quảng Nam (92.55%), Tiền Giang (95.65%), Hải Phòng (98.44%), Thái Bình (96.58%), Bình Dương (87.89%), Thanh Hóa (81.74%).

Tác giả: Phương Anh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP