Chưa thể tốt nghiệp vì thiếu bằng ngoại ngữ
Duy* (SN1995) - nhân viên tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Minh Khai (TP. Vinh) đôi khi vẫn hay được những người làm cùng gọi đùa bằng cái tên “sinh viên giả” của Trường Đại học Vinh.
Giải thích cái tên lạ đời của mình, chàng trai 22 tuổi này cho biết, cái tên này bắt nguồn từ việc mình chưa thể tốt nghiệp vì thiếu bằng ngoại ngữ. “Dù đã học hết các tín chỉ trên trường nhưng vì thi mấy lần đều trượt bằng B1 tiếng Anh nên em chưa đủ điều kiện để nhà trường xét tốt nghiệp. Thế nên các anh chị cùng làm mới đùa rằng trước đây thì đúng là sinh viên thật 100% nhưng giờ đã trở thành sinh viên giả” - Duy cười.
Kể về hành trình lấy tấm bằng tiếng Anh của mình, Duy chỉ biết tóm lại bằng chữ “khổ”. “Em thi B1 2 lần đều không đủ 50/100 điểm để đậu. Đợt thi mới nhất là vào giữa tháng 12/2017 em chỉ được hơn 40/100. Bài thi có 4 phần gồm: đọc, viết, nghe, nói thì cả 2 lần điểm nghe và nói của em đều không quá nổi 10 điểm” - Duy cho biết.
Lý giải về việc kém tiếng Anh, Duy kể, từ hồi học cấp 2, cấp 3 ở quê, em chỉ xem đây là môn học phụ nên không đầu tư nhiều. Lên đại học, việc học tiếng Anh lại càng khó do đã bị hổng một lượng lớn kiến thức ở cấp dưới. Hơn nữa, Duy cũng ít có thời gian luyện nghe, nói tiếng Anh vì thời gian rảnh chủ yếu dành cho việc đi làm thêm trang trải cuộc sống ngay từ năm nhất. Một lý do khác là việc thi nói bằng tiếng Anh thực sự là một vấn đề không hề nhỏ với Duy.
Sinh viên cần chủ động hơn trong việc học ngoại ngữ, như thực hành, các tình huống giao tiếp với người nước ngoài. Ảnh: Chu Thanh |
Không nợ môn, tiếng Anh tốt, thậm chí là thi đạt bằng C1 nhưng Linh* cùng khóa với Duy vẫn chưa được xét tốt nghiệp vì không thi được bằng B1 tiếng Pháp. Là sinh viên học hệ tiếng Anh chính quy, bên cạnh quy định đạt bằng C1 tiếng Anh, nhà trường còn yêu cầu sinh viên phải có bằng B1 tiếng Pháp để ra trường.
Vấn đề của Linh cũng xuất phát từ đây. Theo chương trình học, tiếng Pháp được nhà trường đưa vào bắt đầu từ kỳ 3 của năm 2 và sinh viên chỉ phải học tiếng Pháp 1, tiếng Pháp 2 trong kỳ 3 và 4. Thế nên, đến thời điểm thi lấy bằng B1 tiếng Pháp vào năm 4, do kiến thức “rơi rớt” nhiều nên Linh không đạt được 50/100 điểm và phải chờ thi lại lần sau.
Cần sự chủ động của sinh viên
Theo PGS.TS Ngô Đình Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, bắt đầu từ khóa 54 trở đi, tất cả sinh viên của Trường Đại học Vinh khi tốt nghiệp đều phải chuẩn đầu ra, ít nhất là có bằng ngoại ngữ trình độ bậc 3/6 (tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu). Cụ thể, hiện nhà trường đang đặt ra 2 mức độ yêu cầu với sinh viên: Các sinh viên học hệ không chuyên ngành tiếng Anh thì chỉ cần đạt trình độ bậc 3/6; Các sinh viên học hệ tiếng Anh chính quy thì phải đạt được tối thiểu bậc 5/6 (tương đương trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu) và có bằng B1 tiếng Pháp. Trên thực tế, ở Trường Đại học Vinh đã có trường hợp sinh viên phải thi đến lần thứ 5 mới có được bằng tiếng Anh và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp ra trường.
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho sinh viên ra trường, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra, Trường Đại học Vinh chia làm 3 đợt xét tốt nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, đợt xét tốt nghiệp lần 1 cũng chỉ đạt tỷ lệ 65 -70%. Số còn lại chưa được xét tốt nghiệp, theo PGS.TS Ngô Đình Phương, ngoài các sinh viên bị thiếu môn, nợ môn và một số lý do khác thì số lượng không nhỏ là sinh viên thiếu chứng chỉ ngoại ngữ.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng, các sinh viên đến từ vùng nông thôn, vùng khó khăn thường gặp khó khăn trong việc học, thi ngoại ngữ mà trong trường hợp này là học tiếng Anh. Nguyên nhân là do việc học tiếng Anh của các sinh viên khi còn đang theo học các trường THPT chưa bài bản, hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã cho tổ chức các không gian học tiếng Anh; các CLB sinh hoạt tiếng Anh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ liên chi đoàn, liên chi hội của trường... Song song với đó, Trường Đại học Vinh cũng đã lập Ban chỉ đạo với nòng cốt là khoa Ngoại ngữ, xác định chiến lược phát triển cụ thể xem tiếng Anh là công cụ giúp mở rộng cánh cửa tri thức cho sinh viên, giảng viên của trường. Đồng thời tin rằng, việc quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ bậc 3/6 trở lên đã tác động tích cực đến sinh viên, giúp các sinh viên ý thức được tầm quan trọng của việc học thêm tiếng Anh, từ đó chủ động hơn trong việc học tập.
Tiếng Anh trong trường Đại học đang được đẩy mạnh. Ảnh: Chu Thanh |
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu về ngoại ngữ đang ngày càng trở nên thiết yếu, mở ra nhiều cánh cửa tương lai cho giới trẻ. Với xu thế này, việc quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ là một điều tất yếu, thiết thực.
Thế nhưng, để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường đại học không phải là điều dễ dàng, khi mà quá trình đổi mới phương pháp đào tạo vẫn là điều nan giải. Đó là chưa tính đến việc giảng dạy trong các trường đại học, các khoa không chuyên ngữ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; không ít bạn sinh viên trẻ vẫn còn thờ ơ, ý thức chưa cao trong việc tự rèn luyện khả năng ngoại ngữ cho bản thân… Và trong lúc chờ tìm ra giải pháp thì câu chuyện sinh viên chật vật ra trường vì thiếu bằng ngoại ngữ, chắc vẫn sẽ được xướng lên thường xuyên hơn trong thời gian tới.
* Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu.
Tác giả: Chu Thanh
Nguồn tin: Báo Nghệ An