Kinh tế

Siêu thị Big C miền Đông đóng cửa: Dấu hiệu “thoái” của Central Group ở VN?

Siêu thị Big C Miền Đông vừa thông báo sẽ ngưng hoạt động trong 20 ngày tới vì không đạt được thỏa thuận về giá thuê mới từ bên cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn đây đã phải lý do chính thức hay là dấu hiệu “thoái” của Central Group ở Việt Nam?

Chiến thuật kinh doanh hay dấu hiệu suy thoái?

Ngày 2/6, thông tin siêu thị Big C Miền Đông bất ngờ dán thông báo với nội dung sẽ ngưng hoạt động trong 20 ngày tới không khỏi làm dư luận xôn xao.

Nguyên nhân của việc này được đại diện Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành Big C) cho biết, do không đạt được thỏa thuận về giá thuê mới từ bên cho thuê mặt bằng.

Big C Miền Đông sẽ ngưng hoạt động trong 20 ngày tới. (Ảnh: VTV)

Tuy nhiên, trước vấn đề trên dư luận còn đặt nhiều dấu hỏi: Liệu nguyên nhân mà đại diện Central Retail Việt Nam đưa ra cho việc đóng cửa Big C Miền Đông đã là thực sự? Hay việc làm ăn của Big C tại Việt Nam ngày càng gặp khó khăn? Đây có phải là dấu hiệu suy thoái của Central Group ở Việt Nam?

Đánh giá về việc siêu thị Big C Miền Đông sẽ đóng cửa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lý do đã được Central Retail Việt Nam đưa ra chúng ta không có bằng chứng gì để chứng minh điều đó là đúng hay không đúng. Nhưng phải nhận đây là một siêu thị được đầu tư nước ngoài nên có thể đó chỉ đang là chiến thuật kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, trong kinh doanh, nếu một siêu thị bán lẻ như Big C Miền Đông mà có lãi, nhìn thấy dấu hiệu tăng trưởng tốt thì không có lý do gì để họ rời khỏi thị trường? Ngoại trừ, kinh doanh không có lãi và thị phần bị nhỏ hẹp lại do sự cạnh tranh.

Các ngày lễ, ngày cuối tuần lượng khách hàng đến mua sắm, tham quan tại Big C Miền Đông rất đông. (Ảnh: Zing.vn)

Theo tìm hiểu của PV, siêu thị Big C Miền Đông nằm trên đường Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10, TP HCM) là một trong những siêu thị Big C đầu tiên của Tập đoàn Casino vào thị trường Việt Nam hồi năm 2003. Big C Miền Đông được đổi tên từ siêu thị Cora sau thương vụ mua lại giữa hai Tập đoàn bán lẻ của Pháp.

Năm 2016, hệ thống Big C Việt Nam thuộc về Tập đoàn Central Group, là một trong những Tập đoàn mẹ lớn nhất tại Thái Lan, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuỗi cửa hàng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng.

Thị phần bán lẻ của Big C tại Việt Nam “teo tóp” thế nào?

Trong tuyên bố hồi giữa năm 2018, ông Philippe Broianigo - CEO Central Group Việt Nam - cho biết, trong 3 năm qua (2016-2018) Tập đoàn này đã chi khoảng 5,5 tỷ USD thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ. Dự kiến, Tập đoàn này sẽ chi thêm khoảng 17 tỷ baht (tương đương 11.600 tỷ đồng) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Doanh thu sụt giảm hoặc đi ngang của các doanh nghiệp chủ chốt của hệ thống Big C Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. (Ảnh: Cafef)

Tuy vậy, một số cơ quan truyền thông cho biết, nhiều năm trở lại đây các doanh nghiệp chủ chốt của hệ thống Big C Việt Nam như: Big C Thăng Long (bao gồm các siêu thị Big C tại khu vực Hà Nội), Big C An Lạc (quản lý một số siêu thị tại TP HCM), Big C Hải Phòng (quản lý cả Big C Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Big C Bình Dương, Big C Đồng Nai đều sụt giảm doanh thu hoặc đi ngang.

Trong đó, Big C Thăng Long, là siêu thị Big C lớn nhất Việt Nam báo cáo doanh thu 2.698 tỷ đồng và lợi nhuận 150 tỷ đồng trong năm 2017, thua kết quả kinh doanh 2015 khi doanh thu đạt 2.811 tỷ đồng và lợi nhuận 167 tỷ đồng. Còn Big C An Lạc, lợi nhuận trước thuế 2015 đạt 184 tỷ đồng nhưng đến 2017 còn 92 tỷ đồng.

Thời điểm Big C đang gặp khó khăn thì những đối thủ cùng ngành bán lẻ khác tại Việt Nam như: Lotte Mart, Aeon, Vinmart, Lanchi Mart, Metro hay còn gọi là Mega Market Việt Nam, Co.opmart hay Co.op Mart/Coopmart,… dù mới xuất hiện nhưng đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường này với doanh thu tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm.

Ngoài ra, với sự xuất hiện thêm các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7Eleven,… đã khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam thêm phần khốc liệt.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các siêu thị sau Big C ngày càng hiện đại hơn, có những hàng hóa giá cả phù hợp hơn với tầng lớp trung lưu và giàu có nên càng khiến thị phần của Big C bị “teo tóp”.

Về vấn đề lợi nhuận ở thị trường bán lẻ, ông đánh giá chung các siêu thị bán lẻ ở Việt Nam không có lãi nhiều. Phân tích sâu hơn về nguyên nhân này, vị chuyên gia dẫn chứng do vì thu nhập đầu người ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước phát triển, khoảng 3.000 USD/người/năm (ở các thành phố lớn có thể cao hơn lên khoảng 5.000 USD/người/năm).

“Với thị trường bán lẻ ở Việt Nam dù có tiềm năng lớn nhưng không ổn định do bên cạnh hệ thống siêu thị bán lẻ còn có rất nhiều chợ truyền thống lớn, rất nhiều người ở thành phố lớn vẫn giữ thói quen đi các chợ này”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Tác giả: Đoàn Khang

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP