Chiều 5-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lam (nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tại TP Vinh và 15 bị cáo khác trong vụ “rút ruột” hơn 50 tỉ đồng tiếp tục phần tranh luận.
Bị cáo Đặng Đình Hồng đứng lên bảo vệ cho bản thân tại phiên tòa. |
Trong vụ án này, bị cáo Đặng Đình Hồng (45 tuổi, nguyên giám đốc Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương) bị đại diện VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị phạt từ 36 đến 39 tháng tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài bị cáo Lam bị đề nghị phạt án tù chung thân cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì bị cáo Hồng là bị cáo bị đề nghị mức án nặng nhất trong 15 bị cáo bị truy tố về tội danh nêu trên.
Bị cáo Hồng bào chữa cho mình không chối tội và khẳng định trước tòa rằng: “Bản thân tôi không có ý thức và động cơ phạm tội, không được lợi gì trong vụ việc này kể cả trong nhận thức trong suy nghĩ và trong việc làm thực tế. Mục đích cuối cùng chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận cho Ngân hàng Eximbank - nơi tôi cống hiến, làm việc. Trong việc làm của tôi đó, bản thân tôi không ý thức được hành vi việc làm của mình gây nguy hiểm cho xã hội và gây ra hậu quả cho khách hàng”.
Bị cáo Đặng Đình Hồng bào chữa cho mình tại phiên tòa.
Bị cáo Hồng cũng nói lên thực trạng khó khăn của chi nhánh ngân hàng Eximbank Vinh khi Hồng làm giám đốc chi nhánh, như nhân sự phòng giao dịch Đô Lương ít không đủ số lượng, lợi nhuận ít, sức ép huy động vốn…
Bị cáo Hồng nói: “Bản thân tôi là giám đốc phòng giao dịch, nhưng khi không có người thay thế tôi phải làm cả kiểm sát viên. Tôi không trực tiếp giao dịch với khách hàng mà chỉ gián tiếp trên giấy tờ, sổ sách. Bỏ qua yếu tố lừa đảo của bị cáo Lam, thực sự chúng tôi lúc đó được cấp trên khen ngợi tăng trưởng nguồn vốn, tăng trưởng dư nợ. Bản thân tôi về làm giám đốc chi nhánh mới ba năm mà dẫn đến bị bước vào vòng lao lý hôm nay rất đau đớn. Tôi đã cống hiến hết sức mình vì sự phát triển của ngân hàng. Bản thân các khách hàng cũng phải có trách nhiệm trong vụ việc này… Tôi và 15 nhân viên là bị cáo hôm nay không tư lợi một đồng nào. Tôi mong HĐXX xem xét cho tôi được hưởng án tù treo”. Bị cáo Hồng mong sự việc rút ra bài học cho các ngân hàng và không để lặp lại sai sót.
Quang cảnh phiên tòa. |
Tại phiên tranh luận, có hai nữ bị cáo khách kêu oan cho rằng bản thân không phạm tội và đề nghị xử lý cả trách nhiệm của khách hàng để Lam chiếm đoạt tiền.
Luật sư bào chữa cho tám bị cáo là nhân viên, kiểm sát viên ngân hàng bị truy tố và bị đề nghị phạt tù về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cho rằng hành vi của các kiểm sát viên và nhân viên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho tám giao dịch viên, nhân viên và thủ quỹ có liên đới trong vụ án này.
Như đã đưa tin, từ năm 2012 đến 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền.
Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như: Lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống. Sau đó, Lam cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền...
Do tin tưởng Lam và với sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Hồng và các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt.
Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Ngày mai (6-7), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Tác giả: Đ.LAM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM