Trao đổi với Zing chiều 1/4, ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin sáng nay, lãnh đạo bộ vừa họp các bên liên quan. Trong chiều nay, bộ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về hướng xử lý việc hơn 300 học viên Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng.
Phụ huynh Học viện Múa Việt Nam "kêu cứu" khi con họ học xong nhưng không có bằng. Ảnh: H.C. |
Theo ông Tuấn, hướng xử lý trước mắt là cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp cho các em. Bằng này sẽ giải quyết nhiều vấn đề như đảm bảo việc cấp bằng cao đẳng cho những học viên này, đồng thời cho phép các em thi lên bậc học cao hơn ở khối nghệ thuật, cùng ngành học đã học tại Học viện Múa, kể cả Sân khấu Điện ảnh.
Bộ này cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét cho Học viện Múa Việt Nam cấp Giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT trong chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp nhóm ngành múa cho học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo của học viện.
"Chúng tôi cũng rất nóng ruột. Từ năm 2020, khi phát hiện vấn đề, lãnh đạo bộ nhiều lần họp các bên liên quan để tìm các văn bản liên quan, xác định hướng giải quyết. Bộ xác định đặt vấn đề đảm bảo quyền lợi người học lên đầu tiên", ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn thông tin thêm ngày 4/2, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với thứ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Bộ cũng yêu cầu Học viện Múa Việt Nam giải trình các vấn đề liên quan.
Về việc liệu học viên có được cấp bằng THCS, THPT không, ông Tuấn cho biết học viện đào tạo theo chương trình đặc thù của diễn viên múa, chỉ học một số môn văn hóa theo quy định, không như các trường phổ thông.
Trước đây, Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thống nhất xây dựng chương trình giáo dục trung học chuyên nghiệp cho nhóm ngành múa.
Từ năm 2012, Cao đẳng Múa Việt Nam (hiện tại là Học viện Múa Việt Nam) dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS cho học sinh theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Sau khi học xong, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, không phải bằng THCS, THPT.
Do đó, ông Tuấn cho biết Học viện Múa Việt Nam đào tạo bám theo chương trình đã được phê duyệt, không có thẩm quyền cấp hai loại bằng này. Nếu muốn thi lên ở lĩnh vực khác, từ khi vào trường, người học phải xác định học thêm bên ngoài để được cấp bằng THCS, THPT.
Trước những bức xúc của phụ huynh trường múa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Học viện Múa Việt Nam ngay trong chiều 1/4 phải tổ chức họp với phụ huynh, trao đổi để họ nắm thông tin thêm.
Ngày 31/3, 325 phụ huynh, học sinh từ K40 đến K43 học hệ trung cấp và sinh viên từ K2 đến K6 học hệ cao đẳng của HV Múa Việt Nam, gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, báo chí về vấn đề bằng cấp của trường. Nhiều học viên đã học được 4, 5 năm, thậm chí tốt nghiệp nhưng đứng trước nguy cơ không có bằng cấp. Trình độ văn hóa của các em vẫn ở mức 6/12. |
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zingnews.vn