Giáo dục

Hơn 300 học viên trường Múa kêu cứu

Sau 4-6 năm học tập tại Học viện Múa Việt Nam, hàng trăm học viên các khoá ra trường theo kiểu “3 không”: không bằng tốt nghiệp THCS, THPT, trung cấp hoặc cao đẳng.

Sáng 31/3, phụ huynh học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam gặp gỡ báo chí để phản ảnh bức xúc. Ảnh: Nghiêm Huê

“Sau 12 năm học lại thất học”

Sáng 31/3, Hội phụ huynh của 325 học sinh từ K40 đến K43 đang học hệ trung cấp (TC) và sinh viên từ K2 đến K6 đang học hệ cao đẳng (CĐ) của Học viện Múa Việt Nam (HVMVN) kêu cứu về vấn đề bằng cấp. Hội phụ huynh khẳng định, những học sinh, sinh viên đã thi và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là HVMVN) từ năm 2013 đến nay đúng quy trình, quy định.

Anh Hoàng Mạnh Cường, phụ huynh của em H.N.V (sinh năm 2001), cho biết, sau hơn 6 năm học (năm 2013 - 2020) tại HVMVN, con anh đã ra trường, thi đỗ vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, nhưng học 1 tháng thì không được học nữa với lý do không có bằng tốt nghiệp THCS và THPT. Anh Cường quay lại HVMVN để hỏi về bằng thì được trả lời do trường không liên kết đào tạo văn hóa với trung tâm giáo dục thường xuyên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nên học sinh không có mã định danh.

Vì vậy, học sinh không được xét tốt nghiệp THCS và thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT. “Khi tôi chất vấn nhà trường, lãnh đạo nhà trường khá ngỡ ngàng, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề. Lý do được đưa ra là lâu nay trường vẫn giảng dạy và cấp bằng như vậy, không có việc gì xảy ra”, anh kể. Sau rất nhiều lần gặp gỡ giữa Ban phụ huynh với Ban giám hiệu HVMVN, lãnh đạo nhà trường vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. “Câu trả lời duy nhất mà chúng tôi nhận được là chờ đợi. Trong khi đó, có con đã ra trường 2-3 năm”, anh Cường bức xúc nói.

Giáo viên Phạm Thị Thanh Thủy có con học CĐ múa hệ 6,5 năm tại HVMVN. Bà cho biết, khi trúng tuyển vào HVMVN, con đã hoàn thành chương trình lớp 6 tại Trường THCS Trung Văn, Hà Nội. Nhập học, HVMVN yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có học bạ. Vào học, học sinh được học đầy đủ các môn văn hoá song song với chuyên môn. Bà Thủy nhận xét, việc tổ chức học khá quy củ, có thời khóa biểu, có kiểm tra, có thi học kỳ, có báo điểm đầy đủ về cho phụ huynh học sinh. Với những em có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu, HVMVN đều cho ôn thi lại và xét duyệt lên lớp hằng năm.

Cuối năm lớp 9, khi kết thúc bậc học THCS, HVMVN đều tổ chức cho học sinh thi chuyển cấp với hai môn Văn và Toán. Những học sinh đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được học lớp 10. Sau khi học sinh học hết lớp 12, HVMVN tổ chức các kì thi tốt nghiệp THPT với ba môn Văn, Sử, Địa. “Hơn 30 năm trong nghề giáo dục, tôi đi dạy mà chính tôi cũng không ngờ con tôi sau 12 năm học lại thất học”, bà Thủy cay đắng nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2019 đến nay, toàn bộ học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo vẫn chưa được cấp bằng TC và CĐ. Lý do là các em đều chưa được cấp bằng THCS và THPT. Hội phụ huynh ngày 16/1 nói rằng, HVMVN triệu tập toàn bộ phụ huynh học sinh đến trường để trao đổi về vấn đề văn hóa phổ thông. Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Giám đốc HVMVN, giải thích lý do học sinh, sinh viên không được cấp bằng; ngày 14/12/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) xác nhận HVMVN chỉ được đào tạo trình độ CĐ, TC, không được đào tạo văn hóa.

Dù vậy, do sơ suất từ năm 2017, HVMVN không liên kết với các cơ sở đào tạo văn hóa đủ điều kiện mà vẫn tự tiếp tục đào tạo bình thường như trước đây và không thông báo tới phụ huynh học sinh. Hậu quả, toàn bộ học sinh phổ thông học tại HVMVN không có mã định danh được theo dõi trong phần mềm quản lý giáo dục của Sở GD&ĐT Hà Nội, nên tất cả các học sinh này không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Do đó, không đủ điều kiện để được cấp bằng TC hoặc CĐ như đăng ký thi tuyển đầu vào của HVMVN.

Hội phụ huynh cho hay, giải pháp của HVMVN đưa ra là toàn bộ học sinh khi nhập học tại HVMVN chưa tốt nghiệp THCS, THPT đều phải học quay đầu về văn hóa, tức là học lại toàn bộ chương trình văn hóa từ khi học sinh bắt đầu vào học tại HVMVN với một đơn vị liên kết đủ điều kiện đào tạo về văn hóa.

“Là bố mẹ, chúng tôi vô cùng hoang mang và lo lắng. Chúng tôi không thể chấp nhận sự tắc trách này cũng như giải pháp mà HVMVN đưa ra. Không thể để chôn vùi cả một thế hệ học sinh bằng việc học lại toàn bộ chương trình văn hóa 5-6 năm nữa tại HVMVN do sai phạm của những người quản lý đã gây ra”, đại diện Hội phụ huynh bức xúc nói.

Trưa 31/3, có mặt tại HVMVN, trao đổi với phóng viên, N.T.H (sinh năm 2005) cho biết, em đã học tại đây 4 năm, hiện vẫn học song song chương trình lớp 10 THPT và chuyên môn. Thế nhưng qua nghe ngóng, đến nay nhiều anh chị khóa trước vẫn chưa được cấp bằng.

Vào một đằng, ra một nẻo

Một số phụ huynh còn bức xúc việc HVMVN đào tạo không nhất quán giữa quy định và chuẩn đầu ra. Bà Thuỷ nói rằng, giấy nhập học của con là hệ CĐ chính quy, nhưng cuối cùng nhà trường thông báo con tốt nghiệp hệ CĐ liên thông. Phụ huynh có con học CĐ các khoá từ K2 đến K6 “ngã ngửa” khi con đang học hệ CĐ phải quay đầu thi tốt nghiệp TC. Sau đó, các gia đình còn “choáng toàn tập” khi biết không những con không thể lấy được bằng TC, mà còn không có bằng THCS, không có bằng THPT. Hơn 300 học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng, không thể đi làm, không thể học lên cao... chỉ vì không có bằng.

Bà Thủy nói rằng, nhiều em đến từ các tỉnh xa như Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An...; các em và gia đình đã phải rất cố gắng mới có tiền cho con tới Hà Nội theo học. Không ngờ, sau gần 7 năm học, thứ họ nhận được lại là “3 không”.

Chị Vũ Minh Anh cho biết, con chị là học sinh khoá 40 hệ TC. Sau 1 năm học, trường nói con đủ tiêu chuẩn để vào lớp tài năng. Thế nhưng, sau một thời gian học, nhà trường lại giải thể hệ đào tạo này, con chị lại phải quay về học hệ thường. Để vào lớp tài năng, con chị phải học lùi sau các bạn một năm. Như vậy, dù trúng tuyển khoá 40, nhưng vì học lớp tài năng nên bây giờ, con chị lại là học sinh khoá 41.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP