Thí sinh và phụ huynh cần nắm rõ các quy định này để không mắc sai sót trong quá trình chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh, tham gia xét tuyển và đặc biệt là sắp xếp thứ tự các nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.
Học sinh thuộc vùng giáp ranh được đổi khu vực tuyển sinh
Để được đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024, học sinh (hoặc bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của thí sinh) phải có nơi thường trú tại Hà Nội. Riêng Trường THPT Chu Văn An, ngoài những học sinh (hoặc bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của thí sinh) có nơi thường trú tại Hà Nội, những học sinh ở các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra có xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực giỏi năm học lớp 9 và đoạt giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh được đăng ký dự tuyển. Học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022 - 2023 tại các cơ sở giáo dục nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại cơ sở giáo dục nơi học sinh đang học. Thí sinh tự do, thí sinh học tập ở tỉnh ngoài nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Phòng GD&ĐT nơi thí sinh (hoặc cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của thí sinh) cư trú.
Năm học 2023-2024, Hà Nội tiếp tục chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Thí sinh căn cứ bảng phân chia khu vực tuyển sinh để đăng ký dự tuyển theo quy định. Việc phân chia khu vực tuyển sinh bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp học sinh không phải di chuyển quá xa để đi học. Trong đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tính toán, sắp xếp để bảo đảm ở mỗi khu vực tuyển sinh cơ bản đều có các trường ở các nhóm khác nhau, đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể về vị trí địa lý và năng lực học tập, học sinh lựa chọn trường để đăng ký nguyện vọng dự tuyển phù hợp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội sẽ diễn ra vào đầu tháng 6. (Ảnh minh họa) |
Sở GD&ĐT cũng lưu ý, thí sinh được đổi khu vực tuyển sinh là những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi thường trú được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: Nguyện vọng 1 (NV) và NV2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, NV3 (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu có nguyện vọng đổi khu vực tuyển sinh, học sinh có đơn (theo mẫu), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được Thủ trưởng đơn vị nơi tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển xác nhận. Ngoài ra, hướng dẫn tuyển sinh cũng nêu rõ các trường hợp không quy định về khu vực tuyển sinh gồm: Học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên tại các trường THPT chuyên và các trường THPT có lớp chuyên; học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT tư thục; học sinh đăng ký dự tuyển học chương trình song ngữ tiếng Pháp hoặc chương trình tăng cường tiếng Pháp và một số trường hợp đặc biệt khác.
Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1 và NV2 phải vào trường THPT thuộc cùng một khu vực tuyển sinh mà học sinh (hoặc bố, hoặc mẹ, hoặc người giám hộ của thí sinh) có nơi thường trú; NV3 có thể thuộc một trường THPT thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào 2 trường THPT công lập thì phải đăng ký NV1 vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV2 vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu học sinh chỉ đăng ký 1 NV vào 1 trường THPT công lập, thì có thể đăng ký vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sẽ làm 3 bài thi. Trong đó, bài thi môn Toán và bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút, có nhiều mã đề trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề. Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập được tính bằng tổng điểm bài thi môn Toán và điểm bài thi môn Ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Nếu học sinh trúng tuyển NV1 không được xét NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Học sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học vào trường theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp từ ngày 10/7 đến ngày 12/7; các trường THPT tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu (nếu có) từ ngày 19/7 đến ngày 22/7.
Chỉ có khoảng 55,7% học sinh lớp 9 có suất vào lớp 10 THPT công lập Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 tại Hà Nội diễn ra các ngày 10 và 11/6 với ba môn thi gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Năm học 2023-2024, dự kiến toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường THPT khoảng 102.000 học sinh. Trong đó, tuyển vào lớp 10 trường công lập khoảng 72.000 học sinh, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023, chiếm tỷ lệ 55,7% tổng số học sinh đăng ký dự tuyển. Tuyển vào lớp 10 trường công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh. Tuyển vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên. Tuyển vào các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 học sinh. |
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân