Về chức năng nhiệm vụ, Ủy ban có vai trò giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước tại các DN; thực hiện các chủ trương về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Ngoài ra, Ủy ban sẽ đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn của Nhà nước tại các DN nhằm hợp lý hóa danh mục, tối đa hóa giá trị tài sản cho Nhà nước.
Sẽ có "siêu ủy ban" quản lý phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty và DNNN
Theo dự thảo, “siêu ủy ban” sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, trong đó bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Các DN, tập đoàn lớn như: Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may, Than - Khoáng sản, Bưu chính - Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty (TCT) gồm TCT Cà phê, TCT Đường sắt, TCT Hàng hải, TCT Hàng không, TCT Lương thực miền Bắc, TCT Lương thực miền Nam, TCT Thuốc lá, TCT Giấy, TCT Thép, TCT Dược, TCT Cảng hàng không, TCT Lâm nghiệp, TCT Sông Đà, Habeco và Sabeco… Các DNNN thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Về bộ máy tổ chức, các chức vụ Chủ tịch và các Phó Chủ tịch do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm đồng thời miễn nhiệm. Các ban tổ chức của các ban đầu tư tài chính; Ban phân tích, dự báo, kế hoạch và đầu tư chiến lược; Hội đồng tư vấn độc lập... cũng được Thủ tướng quyết định.
Về hoạt động, theo dự thảo, Ủy ban này hoạt động trên tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN để nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá về hiệu quả đầu tư theo hai nhóm: DNNN nắm giữ trên 50% vốn và nhóm nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.
Nếu các báo cáo của DN như báo cáo tài chính, báo cáo thẩm tra hiệu quả sử dụng vốn của DN có dấu hiệu không đầy đủ, không chính xác, Ủy ban được quyền yêu cầu thuê công ty kế toán, kiểm toán độc lập, đáp ứng điều kiện chuyên môn thực hiện việc soát xét lại số liệu để có cơ sở đưa ra đánh giá, nhận xét và kết luận giám sát.
Khi phát hiện tình hình hoạt động của DN có dấu hiệu rủi ro, Ủy ban phải cảnh báo DN, chỉ đạo đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém; đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm; báo cáo Thủ tướng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.
Nếu đi vào hoạt động, Ủy ban này sẽ quản lý phần vốn và tài sản rất lớn bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các DNNN và DN có trên 50% sở hữu Nhà nước hiện đạt 5,4 triệu tỷ đồng.
Trước đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), CIEM được Chính phủ giao xây dựng dự thảo nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu này.
Trong một hội nghị cuối tháng 5/2016, ông Cung khẳng định: “Việt Nam có nhiều thứ làm hao mòn tài sản công, làm nghèo quốc gia hơn là tăng thịnh vượng quốc gia. Nhưng chúng ta không tìm thấy ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý cả như: Dự án xơ sợi Đình Vũ, phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, nhà máy ethanol…. mất vốn Nhà nước rất lớn. Việc sử dụng bộ máy quản lý hành chính Nhà nước không phù hợp hoạt động kinh doanh. Đa số trường hợp đưa cán bộ quản lý nhà nước giỏi cấp vụ trưởng, vụ phó sang quản lý nhà nước đa số thất bại”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền