Xã hội

Rùng mình với chuyến tàu đầu năm mới

Thời gian tàu dừng nhiều hơn chạy, khách hàng vất vưởng hành lang, nhà vệ sinh hôi thối… là những gì diễn ra trên chuyến tàu SE19 từ Bắc vào Nam.

Sau nhiều lần đắn đo về việc chọn phương tiện từ Quảng Bình vào TP.HCM, cuối cùng gia đình tôi quyết định chọn tàu hỏa dù giá vé không hề rẻ. Tuy nhiên…
Thời gian dừng nhiều hơn chạy

5 giờ sáng, cả nhà mắt nhắm mắt mở giục nhau ra ga Đồng Hới để kịp lên tàu SE19 lúc 7 giờ sáng 12-2 (tức mùng 8 Tết).

Tàu ngày Tết đông đúc, xô bồ vốn thường thấy trên hành trình thiên lý Bắc-Nam. Bốn thành viên gia đình yên vị trên hai giường nằm tầng một với suy nghĩ sẽ có một đêm một ngày trải nghiệm thú vị cuộc hành trình.

Thế nhưng suy nghĩ của chúng tôi không như nhà tàu tính. Cứ rời ga chừng 15 phút thì bắt đầu nghe tiếng rít hãm phanh dừng tàu ở ga phụ, dù ga này không có khách xuống tàu. Tiếng loa đâu đó trong toa rọt rẹt vang lên “đoàn tàu đang dừng lại để tránh đoàn tàu đi ngược chiều”. Đây cũng là chuyện hết sức bình thường của ngành hỏa xa. Thế nhưng điều bình thường ấy cứ lặp đi lặp lại suốt hành trình ở những đường tránh khiến nhiều khách có con mọn luôn thở dài khi con đang ngủ phải tỉnh giấc.

Nhiều vị khách than thở đoàn tàu này thời gian dừng còn nhiều hơn chạy. Mà cũng đúng, đoàn tàu SE19 luôn chủ động dừng trước để nhường đường cho các đoàn tàu chạy rỗng ngược chiều. Nhưng lạ ở chỗ, chiều ngược, nhiều đoàn tàu rỗng nối nhau, lèo tèo vài ba khách lại có vẻ khẩn trương, hối hả hơn.

Gia đình chị H. phải ngồi khu vực hành lang toa tàu. Ảnh: P.ĐIỀN

Vất vưởng hành lang

Tàu vượt qua đèo Hải Vân, chênh vênh vách núi, tôi dắt con đi khám phá đoàn tàu này và thầm mừng vì gia đình mình dù nằm co quắp trong khoang còn hơn ối người nằm la liệt trên sàn tàu ở khoang ngồi cứng và ngồi mềm. Rồi khu vực rửa mặt, toilet, nhiều vị khách mang khẩu trang ngồi ghế súp ngủ lơ mơ, lắc lư theo đoàn tàu. Có lẽ đó là sáng kiến nhiều năm nay của nhà tàu khi mỗi toa đều có ghế súp bố trí cho khách lỡ không mua được vé còn quá độ đường xa.

Gia đình chị H. gồm bốn thành viên đang nép mình tại khu vực hành lang toa số 6. Chị bảo do không mua được vé nên nhà chị được nhân viên hỏa xa hướng dẫn ngồi ở hành lang mà không cần mua vé cho hành trình Bắc-Nam.

Chị H. than ngồi gần toilet bốc mùi hôi khủng khiếp nhưng phải chịu thôi. “Con đang tuổi ăn tuổi ngủ, chỗ nằm không ra nằm, ngồi không ra ngồi nên các cháu phờ phạc, xuống sức nhanh” - chị H. thổ lộ.

3 Một thiếu nữ ngồi ghế xếp ở hành lang ngay bồn rửa mặt nom chừng khá mệt mỏi, liên tục lướt điện thoại để giết thời gian. Cách đó vài bước chân, một thanh niên ngồi góc tủ điện chống tay nhìn đăm chiêu ra cửa sổ, đây cũng là tình cảnh của rất nhiều khách không mua được vé trên chuyến tàu thiên lý hôm ấy.

Cất công bách bộ qua sáu toa, sau khi len chân qua nhiều người nằm dưới sàn tàu tôi cũng đến được phòng ăn ở phía đầu máy. Lúc đó tầm đứng bóng, nhân viên phục vụ hất hàm hỏi “ăn gì, mua gì?”. Tôi bảo mua cháo cho trẻ con, vị này gằn giọng trả lời “chỉ còn cơm thôi”. Tôi đành gật đầu đồng ý gọi cơm cho con qua bữa. Năm phút sau, một dĩa cơm thịt kho mặn khô khốc kèm vài cọng rau cải ngọt bày ra trước mặt. Con gái hăng hái xung phong tự ăn và sau năm thìa cơm thì buông thìa, bảo con không ăn nổi vì thịt quá khô.

Bán sức lấy 1 triệu đồng

Liếc sang bàn bên cạnh có bốn nhân viên phục vụ toa cũng đang dùng cơm trưa, nhâm nhi bia và tán chuyện oang oang bất chấp có nhiều vị khách đang dùng bữa. Một vị huỵch toẹt nói chẳng báu gì bán sức để lấy 1 triệu đồng, vị này đang nói về việc nhường buồng nghỉ của mình cho khách không mua được vé lên tàu. Một vị khác tán thêm: “Cái cha nào thiết kế toilet quá sức bậy, không biết có thử ngồi lần nào hay chưa, chứ nó vừa nhỏ hẹp thế lỡ khách mập mập chút mà vào rồi thì không biết xoay xở thế nào trong đó”. Nghe lỏm xong câu chuyện, tôi dắt con rời khỏi phòng ăn sau khi thanh toán suất cơm 40.000 đồng. Mà cái toilet đúng là hôi hám, chật chội thật. Con tôi và một, hai bé cùng phòng dù rất muốn đi vệ sinh nhưng dắt đến cửa toilet, các cháu bịt mũi nôn ọe và đòi thối lui vì quá nặng mùi, sàn toilet thì đầy giấy vệ sinh, vương vãi nhìn rất bẩn bựa.

Khâu ăn uống lâu nay trên tàu Bắc-Nam vẫn là nỗi ám ảnh, ngày Tết càng khủng khiếp hơn. Thực đơn vẫn lèo tèo thịt kho, gà kho ăn với cơm trắng. Thế nên nhiều vị khách đã chọn ăn mì hộp cho qua bữa. May thay nhà tàu mấy năm nay có đầu tư bình nước nóng trên các toa nên cứ đến bữa, khách lại xếp hàng chờ đến lượt lấy nước pha mì.

Trên hành trình vạn dặm đầu xuân, vượt hơn 1.200 km để vào ga Sài Gòn, tôi đã chứng kiến những ga cũ mèm, xuống cấp, rêu phong, các đoàn tàu vẫn vào ga để trả khách và đón khách lên tàu. Nhưng ngần ấy năm vẫn không có sự đổi mới về phong cách và thái độ phục vụ khách hàng. Nhân viên ngành hỏa xa vẫn làm những công việc chân tay, thủ công và vẫn văng vẳng những câu chuyện như “bán sức lấy 1 triệu đồng”.

Sẽ chấn chỉnh nhưng cần có thời gian

Đem những điều tai nghe mắt thấy này giãi bày với ông Đỗ Hồng Lâm, Phó Chánh Văn phòng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông bảo rằng thời gian qua ngành đường sắt đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục hết tình trạng khách nằm vật vạ hành lang, chất lượng suất ăn và cả sự phàn nàn của khách về vấn đề hôi hám, mất vệ sinh ở toilet. Nhất là những ngày Tết, ba vấn đề nêu ra càng ít nhận được sự hài lòng của khách hơn.

Rồi ông Lâm cũng chia sẻ ngành sẽ tiếp tục có sự chấn chỉnh những hình ảnh không tốt đó. Tuy nhiên, cũng sẽ mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư.

Tác giả: An Nhiên

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP