Xã hội

Quê hương khắc mãi ơn Người

Từ trong từng ngôi nhà, trên mỗi bàn thờ, mùi hương thơm lan tỏa. Không khí bỗng linh thiêng đến lạ thường. Như thể Bác vẫn hiện hữu đâu đây, vẫn dõi theo từng bước đi, từng bước phát triển, đổi thay của quê hương, đất nước.


quehuongkhacmaionnguoi
Du khách thập phương về thăm Làng Sen quê Bác.

Ngày 2/9/1969, nhằm ngày 21/7 âm lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi đi xa. Kể từ ngày đau thương đó, người dân Kim Liên quê Bác để tang, thờ cúng Bác như những người thân trong nhà. Đó là cách mà người dân nơi đây thể hiện sự kính trọng, biết ơn với đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày đầu tiên của tháng 9, nắng trải vàng khắp các cánh đồng đang chuẩn bị cho mùa gặt mới. Làng Sen nói riêng, Kim Liên nói chung rực rỡ trong sắc đỏ của cờ hoa mừng Tết Độc lập. Trong không khí thiêng liêng ấy, dòng người từ muôn phương đã về với Làng Sen, thăm nơi Người đã sinh ra và lớn lên trong thân phận của người dân nô lệ. Và từ mảnh đất này, Người đã ra đi, tìm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân cần lao khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến.

Để rồi, ngày 2/9/1945, từ quảng trường Ba Đình lịch sử, người con xứ Nghệ đã đứng trên đài cao, hùng hồn tuyên bố với toàn thể thế giới: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập! Từ thân phận người dân nô lệ, nhân dân cần lao đã bước sang một cuộc đời mới: làm chủ chính mình, làm chủ chính đất nước mình.

2quehuongkhacmaionnguoi
Lễ giỗ Bác Hồ được tổ chức trọng thể tại Nhà tưởng niệm Bâc Hồ - Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Và như một định mệnh, 24 năm sau, cũng vào ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với thế giới người hiền. Trong niềm vui sướng của ngày lễ Độc lập là nỗi đau đớn của toàn thể dân tộc Việt Nam, của người dân quê hương Kim Liên quê Bác. Và cũng chính từ ngày đó, các thế hệ người dân Kim Kiên đã có chung một ngày đặc biệt – ngày giỗ Bác Hồ.

Sáng ngày 2/9, cụ Nguyễn Danh Châu (83 tuổi, xóm Sen 3, Kim Liên, Nam Đàn) quần áo chỉnh tề, lau dọn bàn thờ Bác Hồ. Hai ông bà sống dựa vào quán tạp hóa nhỏ nơi đầu làng. Trong quán, ông Châu đặt bàn thờ Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất. “Từ giỗ đầu tiên của Bác, tính ra từ năm 1970 đến giờ, năm mô tui cũng làm giỗ. Giỗ theo ngày âm nhưng ngày 2/9 là ngày đặc biệt nên thắp hương tưởng nhớ Bác. Lễ lạt cũng không nhất thiết phải cầu kỳ, sinh thời Bác cũng không ủng hộ việc bày vẽ tốn kém, bởi vậy có gì thì thắp hương thôi. Chủ yếu là hoa quả trong vườn nhà”, cụ Châu cho hay.

Những quả na, quả thanh long hái trong vườn được bày biện lên bàn thờ. Ông Châu kính cẩn thắp hương, lầm rầm khấn vái. “Với người dân làng Sen, nhân dân Kim Liên thì Bác giống như một vị ông tổ, là người thân trong gia đình”, ông nói.

3quehuongkhacmaionnguoi
Trong mỗi ngôi nhà ở Làng Sen, người dân lập bàn thờ riêng để thờ Bác Hồ.

Nhà ông Nguyễn Văn Hạ (SN 1954) cũng lập bàn thờ thờ Bác Hồ. “Bàn thờ của Bác lập riêng, ảnh Bác được bố trí cao nhất. Không chỉ ngày giỗ, Tết mà ngày rằm, mùng 1 gia đình tôi đều thắp hương tưởng nhớ. Lễ lạt thì nhà có gì cúng nấy thôi, quan trọng là tấm lòng của mình, mà trong tâm trí của bất kỳ người dân Kim Liên nào thì Bác luôn ở vị trí quan trọng nhất. Mỗi lần giỗ Tết, tôi cũng bày biện bàn thờ, thắp hương tưởng nhớ Bác, cũng là một cách để giáo dục con cháu trong nhà về công lao của Người đối với tự do, độc lập mà hiện nay các con, các cháu đang được hưởng”.

Câu chuyện về Bác Hồ bỗng ngược về 55 năm trước, lần thứ 2 Bác Hồ về thăm quê hương Kim Liên. “Hồi đó tôi mới 7 tuổi, ở trong đội thiếu nhi của xóm. Được thông báo trước, sáng ngày 8/12/1961, chúng tôi quần áo chỉnh tề, tập trung ở sân vận động xã để chờ đón Bác Hồ, ai cũng nóng lòng được gặp Bác, bằng da, bằng thịt.

Khoảng 8h30, Bác Hồ xuất hiện, cả sân vận động như vỡ òa, mọi người đều có gắng chen để được lại gần Bác hơn. Tôi được ngồi với đoàn đại biểu ủy ban xã, gần Bác nhất.

4quehuongkhacmaionnguoi
Ông Nguyễn Văn Hạ bồi hồi kể lại kỉ niệm lần duy nhất được gặp Bác Hồ ngay tại quê nhà.

Bác trò chuyện với mọi người, dặn dò các cháu thiếu niên, nhi đồng cố gắng học tập. Bác tặng kẹo cho chúng tôi, mỗi đội viên được 2 chiếc kẹo. Chưa bao giờ tôi thấy có chiếc kẹo nào thơm, ngon như thế. Đến giờ vẫn mường tượng ra vị ngọt của kẹo Bác Hồ”, đôi mắt ông Hạ lấp lánh khi kể về kỷ niệm đặc biệt nhất của mình.

Trong sắc nắng vàng của mùa Thu, từng dòng người cầm những bó hoa thơm và lòng thành kính đổ về Khu di tích Kim Liên, dâng lên anh linh vị Cha già dân tộc với niềm tin yêu vô hạn. Từ trong từng ngôi nhà, trên mỗi bàn thờ, mùi hương thơm lan tỏa. Không khí bỗng linh thiêng đến lạ thường. Như thể Bác vẫn hiện hữu đâu đây, vẫn dõi theo từng bước đi, từng bước phát triển, đổi thay của quê hương, đất nước.

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP