Giáo dục

PTT Vũ Đức Đam: Bản chất dạy thêm, học thêm không xấu nhưng đang bị méo mó

Trong cuộc trò chuyện với các giáo viên bên lề lễ khai giảng năm học mới tại trường tiểu học Việt Nam-Cuba (Hà Nội), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bản chất dạy thêm, học thêm không xấu nhưng hiện nay đang bị méo mó đi nhiều.

Bất ngờ gặp gỡ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phụ huynh, giáo viên đã trực tiếp bày tỏ với Phó Thủ tướng về những thắc mắc băn khoăn trong ngành giáo dục. Vấn đề dạy thêm, học thêm là nội dung mà phụ huynh, giáo viên quan tâm và có bày tỏ nhiều nhất.

PTT Vũ Đức Đam đang trò chuyện với phụ huynh


Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng: “Học thêm, dạy thêm từ xưa đã có. Tuy nhiên trước đây, dạy – học thêm trong sáng, không phải vì tiền. Bản chất dạy thêm, học thêm không xấu nhưng hiện nay đang bị méo mó đi nhiều. Để giải quyết tình trạng dạy thêm biến tướng cần rất nhiều giải pháp: đảm bảo đủ trường lớp cho các cháu học 2 buổi, chương trình học giảm bớt nội dung không cần thiết, đổi mới phương án thi cử…”

“Nhưng trước hết, cần tập trung giải quyết, xử lý triệt để dạy thêm theo hướng tiêu cực như cắt bớt nội dung chính khóa để đưa ra dạy thêm, trực tiếp hoặc gián tiếp ép học sinh đi học thêm, “trù úm” học sinh không đi học thêm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, trong buổi họp báo khai giảng năm học mới 2016-2017, trả lời câu hỏi quan điểm của Bộ GD&ĐT về “lệnh cấm” dạy thêm, học thêm tại TP.HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “học thêm là một nhu cầu có thực” của xã hội.

Theo đó, ngành giáo dục đã có hướng dẫn việc dạy thêm đáp ứng nhu cầu chính đáng, như phụ đạo học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh giỏi. Còn chuyện “cấm dạy thêm” phải hiểu là cấm dạy thêm tràn lan, học thêm không đúng mức hay những hành vi dạy thêm trái quy định, đơn cử như giáo viên cố ý đưa nội dung học chính khoá vào giờ dạy thêm.

Người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận những nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhu cầu học thêm là nội dung chương trình học nặng, thi cử căng thẳng. Vì thế, theo Bộ trưởng Nhạ: “Cần nhìn học thêm, dạy thêm trong cả một quá trình chứ không phải chỉ với một lát cắt. Muốn giảm tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định như hiện nay, cần phải có lộ trình; trong đó, việc quan trọng nhất là chỉnh sửa nội dung, chương trình sách giáo khoa”.

Trước đó, UBND TP.HCM có công văn gửi Sở GD&ĐT, Sở Văn hóa - Thể thao và 24 quận huyện về việc quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm và công tác tuyển sinh tại các trường. Theo đó, kể từ năm học 2016–2017 sẽ chấm dứt việc tổ chức học, dạy thêm tại các trường trên địa bàn. Hoạt động này chỉ diễn ra tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.

Vào cuối tháng 8, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM một lần nữa khẳng định, Sở sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về ngưng dạy thêm trong trường. Đơn vị này cũng đang tham mưu cho UBND TP.HCM điều chỉnh Quyết định 21 về quản lý dạy thêm, học thêm đúng theo quy phạm pháp luật.

Trong thời gian chờ điều chỉnh, Sở Giáo dục không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường. Giáo viên vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc.

Đây là lần đầu tiên một địa phương đưa ra quyết định cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngay lập tức đã tạo nên nhiều luồng ý kiến tranh luận trong xã hội.

Tác giả bài viết: Lệ Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP