Xã hội

Vì sao khách mang được chuột lên làm loạn máy bay?

Một hành khách đã mang trót lọt một con chuột cảnh lên máy bay. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi chú chuột lọt khỏi túi xách và làm náo loạn........

Động vật cảnh (chó, mèo) vận chuyển qua đường hàng không phải tuân theo những quy định cực kỳ nghiêm ngặt và được giám sát chặt chẽ

Cả chuyến bay bị dừng nếu phát hiện có chuột

Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, trên một chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Thọ Xuân mới đây, nhân viên an ninh hàng không đã để lọt một chú chuột cảnh được hành khách giấu trong túi xách tay. Vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi máy bay hạ cánh, chú chuột bất ngờ thoát ra khỏi túi và chạy trên khoang khách khiến cả máy bay hỗn loạn. Hãng hàng không và các cơ quan liên quan sau đó đã phải tìm bằng được chú chuột này trước khi cho máy bay hoạt động trở lại.

Báo Giao thông trước đây đăng tải vụ việc tổ bay bất ngờ phát hiện có chuột trên máy bay sau khi hạ cánh tại sân bay Cát Bi. Máy bay này sau đó phải tạm dừng khai thác để phát hiện và diệt chuột theo quy định. Vụ việc khiến hai chuyến bay sau đó bị ảnh hưởng dây chuyền.

Việc phát hiện chuột trên máy bay không phải là hiếm. Nhiều chuyến bay trên thế giới cũng phải hoãn, huỷ vì nguyên nhân hy hữu này. Năm ngoái, CBS News - bộ phận tin tức của mạng lưới phát sóng truyền hình Mỹ NBC thông tin về việc chuyến bay 915 của Hãng hàng không Alaska từ Oakland, bang California đi Portland, bang Oregon, Mỹ bị hủy do một con chuột nhảy từ cầu hàng không vào trong máy bay.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không VN) cho biết, máy bay mà có chuột đương nhiên phải dừng khai thác và bắt bằng được chuột mới thôi.

Đa phần các trường hợp, động vật sống đi máy bay dù theo đường hành lý hay hàng hóa đều phải để dưới hầm hàng. Một số hãng vận chuyển cũng có quy định với trường hợp động vật cảnh vận chuyển trên cabin máy bay (khoang hành khách). Đơn cử, Vietnam Airlines quy định: Chó dẫn đường cho người khiếm thị được vận chuyển miễn phí theo đường cabin nhưng cũng phải tuân theo các điều kiện đáp ứng các yêu cầu vận chuyển."

“Trên máy bay có rất nhiều dây điện, trong khi chuột là động vật gặm nhấm nên tuyệt đối không được phép có mặt trong khoang khách. Trường hợp khách muốn mang chuột cảnh lên máy bay phải được cấp phép với những điều kiện ràng buộc cụ thể về quy trình xách và vận chuyển”, ông Tấn nói và cho biết thêm, việc vô tình phát hiện trên máy bay và cố tình mang chuột cảnh đi máy bay là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.

Đồng quan điểm, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không VN) Nguyễn Minh Đăng cho hay, trong điều lệ vận chuyển của hãng hàng không đều có những quy định cụ thể về vận chuyển động vật sống.

“Tùy từng loại sẽ có quy định tương ứng về điều kiện đóng gói bao bì. Các hãng có thể có nhưng quy định khác nhau trong điều lệ vận chuyển, tuy nhiên, đối với động vật sống, cơ bản giống nhau vì cũng theo khuyến cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Theo đó, động vật cảnh vận chuyển dạng hành lý ký gửi chỉ bao gồm: Chó, mèo, chim. Các vật nuôi khác không được coi là động vật cảnh và phải được vận chuyển theo đường hàng hóa”, ông Đăng nói và cho rằng, điều này cũng đồng nghĩa với việc chuột cảnh, nếu được sự cho phép của hãng vận chuyển phải gửi theo đường hàng hóa.

Cũng theo ông Đăng, các loại động vật sống nếu được chấp nhận vận chuyển (kể cả theo đường hàng hóa hay hành lý ký gửi) đều phải tuân theo những quy chuẩn về đóng gói (chuồng, cũi, lồng) rất nghiêm ngặt.

Ai kiểm soát?

Trở lại với trường hợp khách mang trót lọt chuột cảnh lên máy bay, theo thông tin của Báo Giao thông, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sau đó xác nhận có để lọt chuột trong hành lý xách tay của khách. Cụ thể, theo cảng hàng không này, do con chuột này có kích thước nhỏ, hình ảnh trên máy soi chiếu tương tự như chất hữu cơ thông thường nên khó xác định khi phân tích.

Cũng theo CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, theo quy định của Cục trưởng Cục Hàng không VN về “quyết định danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay”, chuột không thuộc danh mục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an ninh soi chiếu, khi phát hiện các trường hợp hành khách mang theo đồ vật liên quan đến quy định vận chuyển, an ninh hàng không sân bay sẽ phối hợp và thông báo cho hãng hàng không.

Phía Cảng vụ Hàng không miền Nam, Phó giám đốc Nguyễn Minh Tuấn cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của an ninh hàng không là kiểm tra phát hiện vũ khí, chất nổ, chất cháy và những vật phẩm nguy hiểm khác đưa trái phép vào khu vực hạn chế. Như vậy, không có nghĩa là an ninh hàng không chỉ phải phát hiện những thứ thuộc danh mục vật phẩm nguy hiểm bị cấm, hạn chế mang theo người lên máy bay. Nếu phát hiện hàng giả, hàng cấm, an ninh hàng không phải phối hợp với hải quan, quản lý thị trường, kiểm lâm. Khi có dịch bệnh phối hợp với y tế. Tương tự, khi phát hiện khách mang động vật sống, dù việc không được văn bản hóa thành quy định, an ninh không thể nói không có nhiệm vụ phát hiện.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia về hàng không cho rằng, việc phát hiện động vật có khả năng gây nguy hiểm mà không ngăn chặn từ đầu là bất cập. Tới đây, cần phải xem xét, rà soát và bổ sung quy định. “Trong trường hợp vận chuyển chuột cảnh nói trên, chỉ có cách phát hiện qua soi chiếu an ninh, không hãng hàng không nào có thể phát hiện ra được”, vị này khẳng định.

Tác giả: Thanh Bình

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP