Pháp luật

Út 'trọc' lừa hơn 500 tỷ đồng của Quân chủng Hải quân thế nào?

Cáo trạng nhận định tài sản Út "trọc" và đồng phạm chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân là quyền sử dụng khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng có giá trị hơn 500 tỷ đồng.

Sáng 18/5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) mở phiên toà xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) Nguyễn Văn Hiến, cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") và các bị cáo liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Theo cáo buộc, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu), sinh viên năm thứ nhất hệ cao đẳng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đứng tên giám đốc, là người đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh đăng ký kinh doanh ngày 29/7/2005 với vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng.

Công ty gồm 2 thành viên đứng tên góp vốn là Vũ Thị Hoan và Đỗ Văn Trưởng (Trưởng là bảo vệ của Công ty Đức Bình). Năm 2007, Đinh Thị Hiên là thành viên góp vốn thay Đỗ Văn Trưởng (thực chất Hoan, Trưởng, Hiên không có vốn góp). Trụ sở công ty là nhà riêng của Đinh Ngọc Hệ tại số 72 đường số 3, phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM.

Vũ Thị Hoan làm giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc Hoan đều làm theo chỉ đạo, điều hành của Hệ. Theo chỉ đạo của Hệ, ngày 2/1/2009, Hoan ký Quyết định số 01/QĐ-CT bổ nhiệm Phạm Văn Diệt làm Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh và ngày 19/12/2012 ký Quyết định số 01/QD-HDTV bổ nhiệm Diệt làm Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh.

Những năm đầu, công ty không có cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính, kinh nghiệm kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh theo đăng ký kinh doanh do Đặng Thái Hà làm Tổng giám đốc, vốn điều lệ của công ty là 1.250 tỷ đồng. Trong đó, Hoan 868,75 tỷ đồng, Đinh Thị Hiên 375 tỷ đồng, Đinh Ngọc Liên 6,25 tỷ đồng, thực chất những cá nhân này chỉ đứng tên trên danh nghĩa nhưng không có vốn góp.

Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc) tại phiên toà sáng 18/5.

Đinh Ngọc Hệ còn nhờ người thân, bạn bè đứng tên để thành lập một số công ty như: Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình (Tập đoàn Đức Bình), Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép, Công ty cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P,...

Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa pháp luật là độc lập nhưng thực tế hoạt động hoàn toàn dưới sự chỉ đạo và điều hành của Hệ.

Phạm Văn Diệt được Hệ bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Đức Bình, là “cánh tay nối dài” của cựu thượng tá quân đội.

Quá trình hoạt động, các công ty chịu sự điều hành của Tập đoàn Đức Bình. Các bên ký kết hợp đồng kinh tế, chuyển tiền lòng vòng cho nhau; tùy tiện giới thiệu, bổ nhiệm, ủy quyền để giúp nhau ký kết các văn bản, hợp đồng không đúng quy định…

Năm 2006, Hệ biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP.HCM sang làm kinh tế, Hệ đã chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký Tờ trình số 10/CV-YK ngày 8/3/2006 gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh tại khu đất số 7-9, diện tích 4.044m2 (sau điều chỉnh còn 3.531 m2) đường Tôn Đức Thăng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Nội dung Tờ trình phản ánh gian dối về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã thực hiện. Mục đích để Công ty Hải Thành và Quân chủng Hải quân tin tưởng Công ty Yên Khánh có đủ năng lực để thực hiện dự án, thực chất Công ty Yên Khánh không đủ năng lực thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng như đã đề nghị với Quân chủng Hải quân.

Trong buổi đàm phán đầu tiên, Hệ xuất hiện tại Công ty Hải Thành, tự giới thiệu là chủ của Công ty Yên Khánh, những người tham gia đàm phán là người của Hệ, sau đó Hệ xin vắng mặt, không tham gia đàm phán và đề nghị tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh sớm được ký hợp đồng với Công ty Hải Thành.

Sau khi đàm phán thành công, ngày 4/9/2006, Hệ chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án tại khu đất số 7-9.

Sau khi ký được họp đồng, Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan phối hợp Công ty Hải Thành và QCHQ cung cấp các văn bản để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 7-9 từ đất quốc phòng sang làm kinh tế.

Bị cáo Vũ Thị Hoan tại phiên xét xử.

Ngày 3/10/2010, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) khu đất số 7-9 cho Công ty Hải Thành, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Phạm Văn Diệt làm các thủ tục để Công ty Yên Khánh nhận và quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mặc dù Công ty Yên Khánh không góp 288 tỷ đồng theo đúng hợp đồng đã cam kết, nhưng Hệ đã chỉ đạo thực hiện trong việc lừa các cơ quan chức năng để được cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (sau này đổi thành Công ty cổ phần Yên Khánh Hải Thành).

Ngày 18/3/2010, sau khi có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 mang tên Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành, Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan sử dụng Biên bản họp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị Công ty Yên Khánh Hải Thành ký giả mạo chữ ký của Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) là người đại diện pháp luật phần vốn góp của Công ty Hải Thành trong liên doanh, đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 bảo lãnh thế chấp cho các công ty của Đinh Ngọc Hệ vay tiền tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô, thực hiện vào mục đích riêng không liên quan đến việc thực hiện dự án.

Tài sản Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân là quyền sử dụng khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, phường Ben Nghé, quận 1, TP.HCM có giá trị tại thời điểm tháng 2/2010 là 525.312.106.562 đồng.

Cáo trạng nhận định, hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò là người tổ chức và phải chịu trách nhiệm hình sự chính trong vụ án.

Tác giả: XUÂN TRƯỜNG - HỮU DÁNH

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP