Nỗi đau mất con chưa nguôi còn phát hiện khối u nặng 4,5kg
Chị Lô Thị Sơn (1983) ở bản Nam Sơn xã Môn Sơn huyện Con Cuông (Nghệ An) còn nhớ rất rõ câu chuyện buồn đến với gia đình mình cách đây một năm. Gia đình dự tính vào giữa tháng 5/2018 chị Sơn mới sinh con, thế nhưng đầu tháng 5 chị Sơn đau bụng dữ dội nên gia đình lập tức đưa vào viện.
Chị Sơn kiệt sức vì mất đi đứa con chưa kịp chào đời lại còn mang trong mình khối u nặng 4,5kg. Ảnh: Xuân Thủy |
Khi đến bệnh viện cả gia đình hạnh phúc mong chờ một đứa con. Thế nhưng mọi niềm vui, sự hạnh phúc tan biến và trở nên lo lắng khi bác sỹ phát hiện thêm một khối u xơ tử cung có trọng lượng gần 4,5kg.
Chị Sơn nhớ lại, hôm đó là sáng ngày 4/5/2018, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam (Nghệ An) làm thủ tục cho chị chuyển viện. Một xe cứu thương được điều đển vận chuyển bệnh nhân nhằm hướng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cách huyện Con Cuông 120km. Dù đã rất cố gắng nhưng các y bác sỹ đi cùng xe cứu thương cũng không cứu được thai nhi 36 tuần tuổi. Đó là một bé trai nhưng đã chết lưu trên đường đến bệnh viện.
Sau 10 ngày điều trị ở Bệnh Viện Sản Nhi, chị Sơn trở về nhà và phải vật lộn với khối u trong người. Ảnh: Xuân Thủy |
Thai nhi sau đó được mổ lấy ra, còn khối u xơ do sức khỏe của sản phụ quá yếu nên không thể xử lý. Khối u xơ tử cung liên tục hành hạ khiến sức khỏe chị yếu hẳn. Không những vậy, chị Sơn còn bị bệnh bướu cổ nên thể trạng rất yếu đến mức không thể phẫu thuật khối u. Nằm viện hơn 10 ngày, chị Sơn phải xuất viện về tự chăm sóc.
Thương chồng con, mặc dù đau ốm triền miên nhưng chị Sơn vẫn cố gắng dậy nấu những bữa cơm cho gia đình. Nhiều lần đau quá chị ngất lịm tại bếp. Ảnh: Xuân Thủy |
Từ 2018, chị Lô Thị Sơn sống cùng khối u 4,5 kg. Thể trạng quá yếu, cơn đau nhức hành hạ mỗi ngày nhưng gia cảnh quá khó khăn, không có điều kiện phẫu thuật.Tình trạng bệnh khiến người phụ nữ 36 tuổi luôn trong tình trạng như đang mang bầu suốt một năm qua. “Hàng tháng, gia đình vẫn đưa mình đi khám nhưng sức khỏe vẫn yếu nên chưa mổ được. Ngoài ra hàng tháng vẫn phải uống thêm thuốc điều trị bướu cổ” – Chị Sơn thẫn thờ cho biết.
Gia cảnh khó khăn chăm bố chồng mù lòa
Năm 2006 anh Lương Văn Nghiệp (1978) cưới chị Lô Thị Sơn (1983) đến cuối năm thì sinh được cháu Lương Trọng An. Đến năm 2013 anh chị có thêm cháu Lương Minh Khang. Không phụ công bố mẹ, hai đứa con luôn chăm chỉ học tập và đạt học sinh tiên tiến.
Thương bố mẹ vất vả hai con nhỏ Trọng An và Minh Khang luôn cố gắng học tập và đạt học sinh tiên tiến nhiều năm liền. Ảnh: Xuân Thủy |
Hàng ngày hai vợ chồng đưa nhau đi làm trên chiếc xe máy "cà tàng", ai thuê gì làm nấy. Từ nhổ cỏ, phát quang vườn tược, cấy lúa thuê, phụ hồ….hai vợ chồng đều hăng hái làm. Cả gia đình sống cùng ông nội bị mù trong căn nhà dựng tạm từ những tấm ván cũ. Mùa nắng, nắng len qua sáng bừng khắp căn nhà; mùa mưa, nước chảy ròng, ông cháu, vợ chồng con cái không có chỗ nằm.
Giờ đây, chị Sơn đau ốm triền miên, khối u hành hạ khiến chị đi đứng không nổi. Lúc này, một mình anh Nghiệp phải làm lụng gấp đôi gấp ba những năm tháng trước để lo tiền thuốc men cho vợ, cáng đáng miếng ăn giấc ngủ của gia đình.
Thương chồng vất vả, nhiều lần chị Sơn cố gắng bò xuống nhà bếp nhóm lửa nấu cơm nhưng vì đau quá mà nằm ngất lịm cả buổi. Đến trưa anh Nghiệp đi làm về mới đưa lên giường nằm nghỉ mới tỉnh trở lại.
Ông Phúc sống trong cảnh mù lòa, buồn bã vì không giúp được con cháu - Ảnh: Xuân Thủy |
Trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ không có tàì sản gì quý giá ngoài chiếc xe máy “cà tàng” anh Nghiệp sử dụng để đi làm. Mái nhà tranh thủng lỗ chỗ, vách nhà được ghép tạm bởi những tấm ván gỗ lưa thưa.
Một tay anh Nghiệp làm lụng lo lắng từng miếng ăn cho cả gia đình. Nhiều lần anh cố gắng làm đến nửa đêm mới về nhà rồi ho sặc sụa vì cảm lạnh. Nghỉ một giấc, sáng hôm sau người đàn ông trụ cột của gia đình lại cố gắng đi làm, vì anh biết cả gia đình mong chờ vào anh.
"Hàng tháng mình vẫn đưa vơ đi bệnh viện cách nhà hơn 25km để khám và lấy thuốc. Thương vợ ốm đau, hai con đang học với bố già yếu mù lòa nên ai thuê gì mình cũng làm. Miễn sao có tiền thuốc men cho vợ, tiền cho con ăn học không kể ngày đêm mình cũng cố gắng làm" - Anh Nghiệp buồn rầu tâm sự.
Chị Hà Thị Hồng (1981) là một trong những người hàng xóm sát vách nhà anh Nghiệp, cho biết đã có rất nhiều lần trong đêm chị Sơn đau quá không chịu nổi phải đưa đi khám. Có những ngày thấy chị Sơn lom khom ôm bụng ra vườn hái rau dại nấu tạm bữa cơm cho gia đình. Tình cảnh thấy mà thương lắm nhưng hoàn cảnh ở xung quanh đây, nhà ai cũng nghèo khó, chỉ giúp được miếng cơm, miếng cá chứ không có khả năng giúp được nhiều hơn.
Ngôi nhà tranh cấp bốn thủng lỗ chỗ được ghép bởi những tấm ván gỗ lưa thưa. Tài sản quý gia nhất chỉ là chiếc xe máy "cà tàng" anh Nghiệp thường xuyên đưa đi làm. Ảnh: Xuân Thủy |
Ông Lương Văn Phúc (Bố anh Nghiệp) hơn 60 tuổi hướng đôi mắt mù lòa về phía chúng tôi, giọng nghẹn ngào: "Chỉ mong sao Sơn được chữa trị cho khỏe mạnh, còn chung tay với chồng nuôi hai đứa con ăn học. Nhà cửa bây giờ nắng mưa cũng không ở được, coi như che tạm ở đỡ tới đâu hay tới đó. Nếu cứ thế này thì tội nghiệp các con, các cháu lắm. Tôi làm ông, làm cha, tôi thương các con, các cháu lắm mà không giúp được gì cả".
Trao đổi về hoàn cảnh gia đình chị Sơn, ông Ngân Văn Trường- Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết "Gia đình chị Sơn thuộc diện khó khăn trên địa bàn xã. Rất mong sự quan tâm ủng hộ của các nhà hảo tâm để chị Sơn có thể chữa bệnh, sớm khỏe mạnh để phụ chồng làm việc nuôi các con ăn học trưởng thành và dựng lại cái nhà có thể che nắng che mưa".
Mọi đóng góp giúp đỡ chị Lô Thị Sơn có chi phí phẫu thuật khối u nặng 4,5kg, quý độc giả vui lòng gửi về: Anh Lương Văn Nghiệp (Chồng chị Sơn) địa chỉ bản Nam Sơn xã Môn Sơn huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Điện thoại: 0386.301.832 |
Tác giả: Xuân Thủy
Nguồn tin: phunusuckhoe.vn