Tỉnh Nghệ An khen thưởng 4 học sinh giành huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực năm 2019 |
Những dấu ấn mới của đất học xứ Nghệ
Năm 2019 là năm ngành Giáo dục Nghệ An đạt được những thành tích, dấu ấn đáng ghi nhận và trân trọng trên nhiều lĩnh lực. Toàn tỉnh có 4 học sinh đạt giải ở các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực là các em: Vũ Đức Vinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế; Dương Tùng Lâm đoạt HCĐ Olympic Sinh học quốc tế; em Hoàng Phan Hữu Đức đoạt HCB Olympic Tin học châu Á và em Nguyễn Văn Bình đoạt HCĐ Olympic Vật lý châu Âu.
Với kết quả này, Nghệ An là tỉnh có số lượng tham dự và đạt giải học sinh giỏi quốc tế nằm trong top đầu cả nước. Đây cũng là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, đưa Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung ghi danh ở cuộc thi Olympic quốc tế, khu vực tất các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học.
Tại kỳ thi HSG quốc gia 2019, Nghệ An có số lượng học sinh đạt giải cao nhất từ trước đến nay với 90 em, trong đó có 3 giải Nhất, 38 giải Nhì, 30 giải Ba và 19 giải Khuyến khích, xếp thứ 2 toàn quốc. Có 6 học sinh đạt giải cuộc thi KHKT cấp quốc gia.
Tại Kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn tỉnh Nghệ An có 35 bài thi đạt điểm 10. Điểm trung bình chung, Nghệ An xếp vị trí thứ 36/63, tăng 6 bậc so với năm học trước. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên Nghệ An có học sinh giành quán quân Đường lên đỉnh Olympia, đó là em Trần Thế Trung. Nam sinh lớp 12A3 (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã xuất sắc lập kỷ lục đạt điểm cao nhất ở cuộc thi tuần, sau đó giành vòng nguyệt quế ở cuộc thi tháng, quý và chiến thắng thuyết phục ở vòng chung kết năm.
Bên cạnh đó, em Đậu Huy Minh (lớp 12A2, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã đạt giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ học tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Những kết quả trên khẳng định không chỉ chất lượng mũi nhọn được giữ vững, phát huy mà chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh cũng ngày càng nâng cao, được cả xã hội ghi nhận và ủng hộ. Hiện, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là đơn vị duy nhất được tỉnh Nghệ An giao nhiệm vụ phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, xây dựng chất lượng giáo dục mũi nhọn toàn tỉnh. Nhưng bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế chính sách, xây dựng 14 trường phổ thông gồm 5 trường THPT và 9 trường THCS là trường trọng điểm, chất lượng cao. Tổng kinh phí để đầu tư cho giai đoạn thí điểm là hơn 85 tỷ đồng.
Lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An nhấn mạnh: “Mô hình trường trọng điểm chất lượng cao được phát triển theo mô hình trường tiên tiến và hoàn toàn khác với mô hình trường chuyên lớp chọn. Ở mô hình trường tiên tiến, học sinh sẽ được giáo dục toàn diện, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Các mô hình nhà trường tiên tiến sẽ làm nòng cốt, đầu tàu dẫn dắt các trường phổ thông khác. Theo đó, không chỉ giới hạn trong số những đơn vị được chọn thí điểm, bất cứ trường nào tùy vào tình hình thực tiễn, đều có thể chủ động xây dựng chiến lược nhà trường, đội ngũ giáo viên, văn hóa nhà trường, môi trường giáo dục, và chất lượng học sinh… theo tiêu chí của trường trọng điểm chất lượng cao.
Ảnh minh họa/ INT |
Phát triển giáo dục đại trà, thúc đẩy giáo dục miền núi
Bên cạnh giữ vững, phát huy chất lượng mũi nhọn, thì phát triển chất lượng giáo dục đại trà, thúc đẩy giáo dục khu vực miền núi là mục tiêu trọng tâm của giáo dục Nghệ An. Thực hiện mục tiêu này, Nghệ An đã có nhiều kế hoạch, giải pháp mang tính chiến lược. Trong đó, năm 2019 là năm đầu tiên ngành Giáo dục đầu tư, tăng cường chương trình Giáo dục STEM trên toàn tỉnh và triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường cho 12 trường phổ thông.
Chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai vào năm học tới, Nghệ An đã có sự chủ động chuẩn bị cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến năm 2019 Nghệ An có 1.104 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 72,68% (vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra là đạt 70% vào năm 2020).
Nghệ An cũng là 1 trong những địa phương đi đầu trong tổ chức bồi dưỡng đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT 2018. Qua đó, đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 68 lãnh đạo, chuyên viên sở, phòng GD&ĐT, bồi dưỡng 1.067 giáo viên cốt cán, 101 tổ trưởng chuyên môn cốt cán, 545 hiệu trưởng trường tiểu học. Đồng thời, sở đang tiếp tục bồi dưỡng cho 2.344 giáo viên tiểu học dự kiến dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2020.
Thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng năng lực chuyên môn, sư phạm cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Hợp tác với Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam xây dựng đề án thành lập Trung tâm Khảo thí và Đào tạo quốc tế tại thành phố Vinh, Nghệ An (hiện nay chỉ có các trung tâm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng).
Ngành cũng quan tâm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó quan tâm đầu tư bảo đảm cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ, từng bước hiện đại. Trong 2019, các địa phương đã quan tâm đầu tư bổ sung, cải tạo, nâng cấp các công trình bảo đảm phục vụ năm học mới chủ yếu từ nguồn lực địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đồng tình với dự thảo Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025 với tổng kinh phí thực hiên đề án là hơn 8.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã ký kết chương trình hợp tác với Đài VOH TP Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch xóa hết nhà học tạm tại các điểm trường lẻ của huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2019 - 2025.
Cùng với đó, ngành Giáo dục phát động phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”. Các đơn vị giáo dục vùng thuận lợi không chỉ hỗ trợ về vật chất, mà quan trọng hơn là giúp đỡ về công tác quản lý giáo dục, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông... nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục miền núi hiệu quả.
Những năm qua, cũng như nhiều địa phương khác, Nghệ An vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, gây khó khăn trong dạy học tại các nhà trường. Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa giải quyết dôi dư giáo viên THCS, vừa từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non và tiểu học.
Năm học 2019 -2020, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND giao tăng 670 chỉ tiêu số người làm việc giáo viên tiểu học. Nhằm đạt 1,4 GV/lớp để các trường dần đảm bảo kinh phí chi trả cho giáo viên theo quy đinh. Đồng thời tham mưu với tỉnh để kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét tăng chỉ tiêu số người làm việc vị trí giáo viên mầm non, tiểu học để bảo đảm số người làm việc các cấp học, từng bước đạt định mức theo quy định.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định:Trong giai đoạn sắp tới có những thời cơ và cũng không ít thách thức để thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018 và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục Nghệ An sẽ tiếp tục tích cực đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt - học tốt; xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, thân thiện và an toàn; tạo điều kiện và quyền lợi cho học sinh khám phá, sáng tạo, tất cả vì học sinh thân yêu. |
Tác giả: Ngọc Sơn
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại