SLNA có một mùa bóng rất lạ, không thông báo danh tính nhà tài trợ, không tập huấn và cũng không có mục tiêu của mùa giải. Gần đến ngày khai mạc giải thì Quang Trường mới từ Hải Phòng lật đật trở về sân Vinh để đảm nhận chức HLV trưởng.
Những ngày đáng quên
Đến giờ, người ta cũng không hiểu vì sao SLNA lại thắng được nhà vô địch Hà Nội trên sân khách. Lại càng không hiểu sao lại để thua cả 2 đội đang đứng chót bảng xếp hạng như Nam Định, Quảng Nam. Hai đội bóng này 4 trận toàn thua, may sao gặp được SLNA kiếm 3 điểm giắt lưng.
Hơn 4 thập kỷ qua, người xứ Nghệ luôn nặng lòng vơi đội bóng. Ảnh SLFC |
Nhưng người ta hiểu được những điều căn cơ của đội bóng, những yếu kém của ngoại binh, của hàng công đội bóng xứ Nghệ. Nhưng số bàn thắng đến giờ này thua cả tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, thua cả đội láng giếng Thanh Hóa thì tệ thật.
Cách hành xử với cổ động viên cũng không khăng khít như CLB Nam Định. Và quan ngại nhất là lực lượng kế cận của đội bóng xứ Nghệ chưa thấy xuất hiện, nên khi cả chủ tịch CLB Hồng Thanh lẫn Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm đã vào tuổi “xưa nay hiếm” vẫn chưa được nghỉ ngơi.
Giận thì giận mà thương lại càng thương
Hiếm nơi đâu mà cổ động viên hiểu tình cảnh đội bóng như SLNA, lá tâm thư như đã thấu tâm can các góc cạnh của CLB, có tình, có lý và đầy ý thức xây dựng. Trước trận derby xứ Nghệ, lá tâm thư viết:
“Thứ nhất, lịch sử đã chứng minh, trong 41 năm hình thành và phát triển, dù khó khăn, bết bát, chật vật như thế nào thì CĐV xứ Nghệ cũng không bao giờ quay lưng với đội bóng. Đúng như câu hát “Giận mà thương”. Bóng đá, quê hương, SLNA đã ăn vào máu của chúng tôi.
Thứ hai, trong tình cảnh này, đội bóng thường bị xử ép trong các trận đấu, trách trọng tài một phần, phản ứng và phản đối cái sai trái, bảo vệ, bênh vực đội bóng nhưng chúng tôi thấy nó sẽ xứng đáng hơn nếu đội bóng quan tâm, lắng nghe tiếng nói của người hâm mộ.
Cần phải chắt chiu nhiều nguồn tài trợ, tận dụng tài nguyên về mặt thương hiệu, hình ảnh để từng bước lấy bóng đá nuôi bóng đá, cũng giống như cách mà Nam Định đang làm. Chi tiêu hợp lý cho việc gia hạn cầu thủ trụ cột do chính chúng ta đào tạo ra. Trước mắt là các cầu thủ trụ cột như Văn Khánh, Tuấn Tài, Văn Đức, Xuân Mạnh, Đình Châu…
Mặt khác, việc tuyển chọn hay giữ lại những ngoại binh chất lượng cũng cần phải có kế hoạch. Không để những trường hợp ra đi đáng tiếc như Hector Kerin, Michael Olaha, Jeremie Lynch… Họ là những cầu thủ có nguyện vọng ở lại SLNA nhưng đều phải ra đi.
Một thời để nhớ. Ảnh SLFC |
Về công tác tổ chức trận đấu, sớm tìm phương án thay mới dàn đèn, đề xuất thi đấu vào lúc 18h00 hoặc 19h00 trong điều kiện nắng nóng, khán đài B không có mái che… Công tác bán vé cần phải chuyên nghiệp hơn, phối hợp với lực lượng an ninh để ngăn chặn tối thiểu tình trạng phe vé mỗi khi có trận đấu hấp dẫn.
Đối với Hội CĐV SLNA, cần kết nối, họp hành bàn bạc tìm ra một người đứng đầu để gây dựng lại phong trào cổ vũ ngay tại sân Vinh – sân nhà vốn là điểm tựa của một đội bóng. Từng bước tạo điều kiện chuyên nghiệp hoá, văn minh hoá hình ảnh đội bóng, Hội CĐV SLNA.
Trong quá khứ, CĐV SLNA đã từng nhịn ăn, nhịn tiêu góp tiền, góp gạo giữ chân các trụ cột. Đó là việc mà chúng tôi sẵn sàng làm nếu đội bóng có chiến lược, kế hoạch và một cách làm bóng đá nghiêm túc, quy củ, bài bản và đặc biệt là phải thượng tôn bóng đá, thượng tôn khán giả.
Qua đây, trong một thời điểm thích hợp nào đó, cũng kính mong lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân xứ Nghệ yêu bóng đá, vì nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đông đảo người hâm mộ hãy cùng đồng hành để chung tay vì diện mạo, hình ảnh quê hương.
Chúng tôi không ngại nắng rát, gió Lào, chúng tôi không quay lưng vì một vài trận thua. Chúng tôi chỉ buồn khi đội bóng chưa thể có một hướng đi đúng đắn, chưa xứng đáng với bề dày truyền thống, tiềm năng, thế mạnh, tình yêu mãnh liệt và cháy bỏng của người hâm mộ”.
Điều quan trọng nhất, những người có tiếng nói quyết định có chịu hiểu nguyện vọng của hàng vạn cổ động viên trên toàn quốc hay không?
Tác giả: Đông Hùng
Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị