Vụ việc có dấu hiệu tội phạm Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó giám đốc Công an Hà Tĩnh cho biết, ngày 24/4.
Theo tài liệu điều tra, tháng 6/2007, nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi được xây dựng trên diện tích đất gần 26 ha tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh với tổng vốn công bố hơn 1.700 tỷ đồng (gồm vốn của doanh nghiệp và vốn vay).
Dự án do Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với Mục tiêu đến tháng 8/2010 sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên, công suất 250.000 tấn một năm.
Bên trong nhà máy thép Vạn Lợi. Ảnh: Đức Hùng |
Giai đoạn 2007-2010, dự án thi công dở dang một số hạng mục thì đình trệ; cơ sở hạ tầng, máy móc bị "bỏ quên" với lý do thiếu vốn. Doanh nghiệp sau đó làm việc với ba ngân hàng có chi nhánh tại địa phương, vay hơn 700 tỷ đồng. Khi được các ngân hàng rót vốn, dự án vẫn không có thêm tiến triển đáng kể, nhà chức trách cáo buộc.
Ngày 19/5/2015, tỉnh Hà Tĩnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Công trình để không trên khu đất ngã ba Vũng Áng. Máy móc, thiết bị gỉ sét, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Công an xác định, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có nhiều sai phạm về tài chính, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều điện. Việc làm này gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh hơn 1.500 tỷ đồng và gần 165.000 USD.
Do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, cuối năm 2018, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phối hợp với các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thép để phát mại, trả lại tiền cho các ngân hàng. Toàn bộ tài sản được định giá gần 109 tỷ đồng và trong buổi đấu giá có người mua với mức 205 tỷ đồng.
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress