Do khu TĐC dang dở hơn 10 năm nay nên người dân đã tự ý chiếm đất để gieo trồng. |
Chiếm đất tái định cư
Theo quan sát của chúng tôi, hai bên con đường chính dẫn vào khu TĐC là những khoảnh keo xanh tốt, có những vườn cây chuẩn bị cho thu hoạch. Những khoảnh chè được đóng cọc căng thép gai bảo vệ… Đi sâu vào khu TĐC Khe Mừ, cách nhà sinh hoạt cộng đồng chừng 70m, chúng tôi thấy cả một đồi rộng mới được san ủi để trồng keo, những cây keo cũng vừa mới kịp bén rễ, cao chừng 20-30cm. Cách đó không xa, để có chỗ trú tạm, người dân đã tự ý dựng lán trại…
Ông Trần Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương thừa nhận: “Có nhiều diện tích đất đã thu hồi, đền bù để xây dựng dự án TĐC Khe Mừ đang bị tái lấn chiếm trở lại để trồng keo, khoanh nuôi chè, dựng lán trại”. Theo ông Trinh, toàn bộ diện tích đất đã thu hồi, đền bù và bàn giao cho Ban quản lý dự án thực hiện xây dựng dự án TĐC Khe Mừ rộng khoảng 300ha. Song do dự án này dang dở nhiều năm nay, đất không sử dụng, dân thấy tiếc nên trồng keo, khoanh chè. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhưng không mang lại hiệu quả.
Hỏi về danh tính những ai vào trồng keo, khoanh nuôi chè, ông Trinh không nắm được, song ông cũng thừa nhận trách nhiệm quản lý nhà nước là của địa phương. Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hùng – cán bộ địa chính xã Thanh Thủy cho hay: “Có khoảng 5ha keo người dân tự lấn chiếm đất TĐC để trồng. Riêng khoảng 2ha chè là do khi thu hồi dự án chưa phá bỏ nên dân khoanh lại chăm sóc. Còn lán trại dựng trái phép trên đất TĐC Khe Mừ có diện tích không lớn lắm. Do địa bàn xa, khó quản lý, khi dân làm xong xã mới biết. Lán trại trái phép là của hộ ông Nguyễn Hữu Nhàn ở thôn 6, xã Thanh Thủy”.
Dân xây nhà trái phép vì dự án treo
Được biết, khu TĐC Khe Mừ nói trên được xây dựng nhằm mục đích để di dời hàng chục hộ dân sống trên sông Lam thuộc xóm Vận Tải, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đã hơn chục năm nay, do thiếu vốn, dự án bị đình trệ, khiến hàng chục hộ dân vạn chài nằm trong diện di dời phải sống ngay cạnh “miệng Hà bá”, thậm chí vì an toàn cho cả gia đình nên nhiều hộ đã bất chấp quy định, xây nhà trái phép bên mép sông.
Thời gian cứ trôi, cuộc sống bấp bênh trên sông nước với bao nhọc nhằn, vất vả khiến người dân xóm Vận Tải rất thất vọng. Những con thuyền từng là nơi trú thân sau một ngày vất vả mưu sinh đang ngày càng ọp ẹp. Không chỗ ở, không ai bảo ai, nhiều hộ dân nơi đây chấp nhận vi phạm, vay mượn tiền bạc mua sắt thép, cát, đá… về dựng nhà ở tạm ven sông. Tâm sự với chúng tôi, nhiều hộ dân chua chát: “Không biết đến bao giờ chúng tôi mới được an cư. Biết dựng nhà kiên cố ven sông để ở là vi phạm nhưng chúng tôi không có cách nào khác”- một người dân nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Minh - Bí thư, xóm trưởng xóm Vận Tải, xã Võ Liệt thành thật: “Đời sống người dân quá bức bách về chỗ ở. Kế hoạch ban đầu là 97 hộ nhưng sau đó chỉ được phê duyệt 41 hộ di dời theo dự án TĐC. Nhiều hộ đã tự xây dựng nhà kiên cố theo mô hình nhà chống lũ để ở, chính quyền đã về lập biên bản nhưng dân không làm thế thì không biết ở đâu”. Theo thông báo số 17 ngày 25/4/2019 về việc đình chỉ công trình thi công trái phép của các hộ dân tại thôn Vận Tải, xã Võ Liệt cho thấy: Có 5 hộ dân tự ý xây dựng nhà trái phép dọc bãi bồi sông Lam thuộc diện tích đất chưa sử dụng do UBND xã Võ Liệt quản lý. Ông Bùi Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt thừa nhận: “Người dân xây dựng nhà trái phép, xã cũng đã lập biên bản đình chỉ, nhưng dân không biết ở mô, họ làm là sai, nhưng đó là bất khả kháng”.
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết