Kinh tế

‘Hoãn tăng lương thì đừng tăng giá xăng, điện, nước’

Ủng hộ đề xuất của Chính phủ trong việc không tăng lương cơ sở từ 1/7, song đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng Chính phủ cần kiềm chế giá tốt, không để người lao động bị “thiệt kép”.

Trao đổi với Zing, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, chia sẻ quan điểm trước các đề nghị mà Chính phủ đưa ra về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trong đó có đề xuất hoãn tăng lương cơ sở và lương hưu từ 1/7/2020.

Theo Nghị quyết 86 năm 2019 của Quốc hội về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2020, từ 1/7, lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng/tháng. Do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cân nhắc việc này.

Không tăng lương mà tăng giá, người lao động “thiệt đơn thiệt kép”

- Theo ông, vì sao Chính phủ đưa ra đề xuất hoãn tăng lương cơ sở vào thời điểm này khi mà giá một số mặt hàng đã rục rịch tăng “đón đầu” Nghị quyết 86?

- Trong các đề xuất gửi tới Quốc hội lần này, Chính phủ đề nghị xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi ủng hộ các đề xuất của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Ảnh: Hải Quân.

Chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động, thiệt hại rất nặng nề tới kinh tế, xã hội và tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực.

Chính phủ cũng vừa phải chi 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội để hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do và các đối tượng bị tác động bởi dịch. Cùng với đó, huy động nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như gói tín dụng 300.000 tỷ, gói tài khóa 180.000 tỷ...

Vì vậy, ngân sách hiện rất khó khăn. Nếu tiếp tục tăng lương vào dịp này sẽ khó cân đối ngân sách. Đó là lý do Chính phủ muốn đề nghị Quốc hội xem xét lùi thời gian điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, để đến 1/1/2021 mới thực hiện.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta nên chia sẻ với Chính phủ. Bởi ngân sách phải chi ra cũng đang để cứu trợ cho các đối tượng đang hết sức khó khăn do dịch bệnh, trong đó có số lượng lớn người lao động.

Nếu tạm hoãn tăng lương vào lúc này tức là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhường bớt phần nào đó để cùng chia sẻ với Nhà nước, với Chính phủ và những người lao động còn khó khăn khác. Đó là ý nghĩa lớn nhất.

- Việc tạm hoãn tăng lương lúc này tác động thế nào đến đời sống người lao động cũng như đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, thưa ông?

- Tạm hoãn tăng lương cơ sở sẽ giúp Chính phủ giải quyết khó khăn trước mắt, việc này chắc chắn sẽ có tác động, nhưng nếu thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp thì tác động này không lớn, hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nằm ở ngưỡng trên dưới 4% thì không đáng lo. Nhưng nếu chỉ số này tăng cao sẽ tác động đến người lao động.

Chính phủ vừa qua đã có các giải pháp kiềm chế việc tăng giá xăng, giá điện nên cũng góp phầm kiềm chế chỉ số CPI.

Một tác động nữa, tôi dự đoán không chỉ có tạm hoãn tăng lương cơ sở, mà chính sách cải cách tiền lương 2021 cũng có thể phải tính toán lại theo hướng lùi lộ trình thực hiện từ 2021 sang 2022 vì nguồn khó khăn.

Nhưng quan trọng nhất không phải là nâng lương hay không, mà là giải pháp để kiềm chế, điều hành chính sách giá, thúc đẩy kinh tế xã hội và chăm lo cho an sinh xã hội.

Tăng lương cho người lao động mà không giữ được các điều kiện khác, để giá cả leo thang thì không có ý nghĩa gì.

Vì vậy, Chính phủ phải tích cực kiềm chế, điều chỉnh giá xăng, giá điện và giá các mặt hàng tiêu dùng, làm sao để chính sách tạm hoãn tăng lương cơ sở không gây tác động gì tới người lao động.

Nếu vừa không tăng lương cơ sở, vừa để giá tăng thì người lao động sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là phải kiềm chế được tăng giá, không để khoảng cách giữa giá và lương chênh lệch quá lớn.

Trước mắt, đã hoãn tăng lương thì đừng tăng giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu, giá điện nước…

Muốn phục hồi kinh tế, không được để dịch quay trở lại

- Với việc nhìn thẳng vào thực trạng, Chính phủ cũng xin điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Cùng với giải pháp này, theo ông Chính phủ cần làm gì để sớm phục hồi được kinh tế sau đại dịch?

- Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng gần như là chắc chắn, bởi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn trên cả toàn cầu, Việt Nam không phải ngoại lệ. Các nước trên thế giới và trong khu vực cũng đều có điều chỉnh.

Dù Chính phủ luôn quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, dịch Covid-19 vẫn đang biến động rất khó lường, ca nhiễm ở nhiều nước trên thế giới vẫn tăng.

Nếu vừa không điều chỉnh tăng lương cơ sở, vừa để giá tăng thì người lao động sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”. Ảnh: Việt Linh.

Bởi vậy, cùng với việc đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ hiện nay là kiềm chế, ngăn chặn không cho dịch bệnh quay trở lại.

Muốn vậy, phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam.

Đồng thời, phải nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phòng chống dịch bệnh, bảo đảm bền vững về kinh tế.

- Chính phủ đề xuất được chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương. Nếu Quốc hội đồng ý với chủ trương này, có vấn đề gì cần lưu ý, thưa ông?

- Việc này cũng không có gì đáng lo ngại cả. Chúng ta đang muốn đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nên cần có sự linh hoạt. Nhưng cùng với đó, phải kiểm soát, giám sát cho chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng chính sách để tiêu cực, trục lợi.

Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, cần tính toán, cân đối cho hợp lý vì tình trạng bây giờ đang rất khó khăn, có tiền không giải ngân được. Vốn nằm đó mà không tiêu được thì ta vừa phải chịu lãi, mà "tiền không đẻ ra tiền".

Với những giải pháp Chính phủ đề ra, tôi cho rằng Quốc hội nên ủng hộ để Chính phủ điều hành linh hoạt, thúc đẩy giải ngân vốn, vì chỉ khi tiền giải ngân được mới có điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Tác giả: Hoài Thu thực hiện

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP