Theo báo Người Đưa Tin nạn nhân H.T. (Hà Đông, Hà Nội), cách đây 2 năm anh từng bị một đối tượng giả danh nhà sư lừa 50 triệu đồng. Sáng ngày 10/8, trên đường cao tốc gần Sân bay Nội Bài, anh T. bất ngờ bắt gặp đối tượng đang đi hành khất xin tiền. Anh T. đã nhanh chóng vạch trần đối tượng lừa đảo này và đưa đến đồn công an (xã Kim Anh, Sóc Sơn, Hà Nội) để giải quyết.
Theo lời anh T., cách đây 2 năm, anh T. gặp đối tượng Việt đi khất thực lần đầu tiên tại đường Láng- Hoà Lạc, anh cúng dường 100 nghìn đồng. Khoảng 3,4 ngày sau anh tiếp tục bắt gặp Việt đi khất thực, động lòng thương anh T. có mời nhà sư về nhà chơi và cúng dường 10 triệu đồng nhằm công đức nhà chùa.
Sau vài lần trao đổi, đối tượng Việt ngỏ lời vay tiền đúc đồng cho chùa vì chùa sắp có Khoá lễ dược sư, cần phải thỉnh 3 bức tượng đồng và 3 chuông đồng, sau đó sẽ trả lại.
Gia đình anh T. cũng ngỏ ý muốn công đức về việc đúc chuông cho chùa, sau đó đã chuyển 35 triệu đồng vào số tài khoản của một người tên Diệu Hoa.
“Sau khi chuyển tiền để thỉnh chuông vào trước và gia đình chúng tôi được mời về chùa dự lễ, cả nhà 6 người đã đặt vé máy bay vào ngày 2/3/2018 để vào Nam, nhưng khi đến sân bay Nội Bài tôi gọi điện cho nhà sư này thì thuê bao, gia đình chúng tôi buộc phải huỷ vé máy bay”, anh T. bức xúc.
Việt giả làm nhà sư tại cơ quan công an. Ảnh: Người đưa tin |
Ngày 10/8/2019, khi đang đi ngang qua đường Quốc lộ 2 gần Sân bay quốc tế Nội Bài, anh T. vô tình nhìn thấy đối tượng này đang tiếp tục giả danh nhà sư để lừa tiền những người đi đường khác anh liền xuống xe và đưa đối tượng về đồn công an giải quyết.
Đại điện Công an huyện Sóc Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận đối tượng, công an đã lấy lời khai các bên cũng như lập hồ sơ, ban đầu đối tượng Phạm Duy Việt đã thừa nhận hành vi của mình và xác nhận không phải nhà sư thật, mục đích lừa gạt nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Quần áo được đối tượng mua tại cổng chùa Quán Sứ, Hà Nội, giấy xác nhận của giáo hội Phật giáo được đối tượng nhờ người làm giả, đối tượng cũng thừa nhận từng có 2 tiền án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.
Liên quan đến tình trạng giả danh nhà sư để lùa đảo, báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 17/4 tại Thừa Thiên Huế, đối tượng Tính mặc bộ áo nâu sòng, đeo chuỗi hạt, đội mũ len đóng giả nhà sư khất thực đến nhà bà Nguyễn Thị T. (xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) bán hương và bùa bình an. Tại đây Tính biết được bà T. vừa vay tiền để mua xe tải cho con trai nên quyết định lừa đảo. Tính xin số điện thoại của bà T. và gọi điện bảo rằng bà này phải lập đàn cúng giải hạn, nếu không con trai bà sẽ bị tai nạn.
Ngày 15/5, Tính đến nhà bà T. lập đàn cúng giải hạn. Trong lúc cúng, Tính yêu cầu bà T. bỏ số tiền 119 triệu đồng lên bàn lễ để cúng nhưng bà T. chỉ để vào 118 triệu đồng. Sau lễ cúng, Tính nói phải đem tiền về một ngôi chùa ở TP Huế làm lễ và sẽ trả lại sau.
Lấy được tiền, Tính bỏ trốn về Tiền Giang ngay sau đó. Không thấy Tính mang tiền trở lại, bà T. mới biết mình bị lừa và trình báo công an.
Sau một tuần điều tra, truy xét, Công an huyện Nam Đông xác định Tính đã đóng giả sư thầy để lừa gạt bà Thủy. Công an huyện Nam Đông đã tạm giữ Tính và mở rộng vụ án.
Tác giả: Kiều Trang (T/h)
Nguồn tin: Báo ĐS&PL