Giáo dục

Cha mẹ nuông chiều, trẻ Việt 'chẳng dại' tự đứng trên đôi chân của mình

Con trẻ đã bị tác động rất nhiều bởi sự nuông chiều, bảo bọc quá mức của cha mẹ, khiến chúng nghĩ rằng “dại gì mà tự đứng trên đôi chân của mình”.

Tại chương trình Đối thoại Trẻ diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề “Tự lập và tự chủ”.

Có rất nhiều người đến sớm chờ nghe chia sẻ từ bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh: Thúy Vy


Phải biết đặt câu hỏi “Tôi là ai?”

Với nụ cười thân thiện và chất giọng truyền cảm của một người Huế, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ rằng tự chủ không còn là xu hướng chủ yếu trong xã hội Việt Nam hiện nay. Xã hội hiện nay đang theo kiểu giáo dục thụ động, khiến cho người trẻ cứ nghĩ rằng mình không có vấn đề, nhưng thật ra không phải. Bà cho rằng việc cho con trẻ sống như thế nào là một bài toán kép mà ta phải ý thức.

“Lấy ví dụ như ở Việt Nam, có nhiều đại gia khi con còn bé đã có sẵn ý định cho con đi qua California, Texas để du học, sau đó còn mua sẵn biệt thự, có người hầu hạ, chăm sóc tận nơi, đó là một sự bảo bọc quá mức, chẳng khác nào nhốt con vào trong hầm vàng. Trong khi ở Mỹ khuyến khích trẻ từ 15 đến 16 tuổi tự lập, thậm chí là ra ở riêng.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng “con ông cháu cha”, những đứa trẻ ăn theo thế lực của cha mẹ mà không tự đứng trên đôi chân của mình. Vấn đề là nằm ở cha mẹ, họ đã lợi dụng quyền lực không đúng lúc cho con của mình, như việc liên hệ sửa điểm thi đại học ở Hà Giang, cả quan chức Nhà nước và cả phụ huynh đều nhúng tay vào, đó là sự thiếu bản lĩnh của họ” - bà Ninh nói.

Bà Ninh và nhạc sĩ Dương Thụ tại buổi nói chuyện. Ảnh: Thúy Vy

Từ đó, bà cho rằng con trẻ đã bị tác động rất nhiều bởi sự nuông chiều, bảo bọc quá mức của cha mẹ, khiến chúng nghĩ rằng “dại gì mà tự đứng trên đôi bàn chân của mình”.

Có nhiều người đặt câu hỏi rằng thế hệ trẻ Việt Nam rất thông minh, nhưng tại sao lại không thể tỏa sáng và chiến thắng? Bà Ninh khẳng định đó là do tư duy chưa vững vàng, chưa được khơi dậy và phát huy theo đúng hướng. Bà nói: “Một vật phải mài dũa, được đánh đánh bóng thật kỹ thì mới thành viên ngọc được”.

Bà Ninh còn cho rằng thanh niên Việt Nam chỉ chăm chăm trả lời vấn đề mà không biết đặt câu hỏi. Những câu hỏi mà một số người trẻ dành cho bà phần lớn rất ngô nghê và “bằng phẳng”, không có chiều sâu hay góc cạnh nào sâu sắc.

Nhưng để đánh giá một thanh niên có đầu óc tư duy hay phản biện, bà thấy trước hết là phải biết hỏi. Người nước ngoài hỏi rất nhiều. Bởi vì họ luôn có tư duy không cho những lời thầy cô nói là đương nhiên, là chân lý, là đúng, mà phải qua bộ lọc của chính mình. Làm được điều đó sẽ cho thấy bạn có sự trưởng thành của tư duy.

Và bà muốn tất cả mọi người giành một vài giây tự suy ngẫm câu hỏi quan trọng nhất: “Tôi là ai?”.

Cuộc đời mỗi người là mỗi con đường khác nhau, có con đường bằng phẳng, cũng sẽ có con đường gập ghềnh, nhưng dù là con đường như thế nào đi nữa thì họ phải biết bản thân là ai. Đó là kim chỉ nam trong cuộc sống. Hiểu rõ về bản sắc riêng của mình là một trong những nền tảng cơ bản giúp cho giới trẻ biết cách tự chủ. Người trẻ muốn tự chủ trước tiên phải tìm ra chân dung của mình, văn hóa, bản sắc, ngôn ngữ của mình.

Tự chủ là sống thật và tự tin

Sau khi được hỏi những nhân tố để trở thành người tự chủ, bà Ninh cho rằng đó là sống thật, thực tế, đúng với bản chất chứ không ngụy tạo bởi bất kỳ vỏ bọc nào.

“Hiện nay, người ta thường đổ lỗi cho xã hội hiện đại làm tha hóa bản chất con người. Nhưng thực chất, cuộc sống hiện đại là một lợi thế chứ nó không có lỗi, tất cả tùy thuộc vào con người. Có những người cách họ thể hiện trên mạng xã hội và ngoài đời thật rất chênh lệch nhau, vì nói dối trực tiếp với một người nó sẽ khó hơn là nói dối với một cái laptop.

Sống thật quyết định nên bản lĩnh của một con người, có bản lĩnh thì mới dám tự chủ” - bà Ninh khẳng định.

“Người nước ngoài thường đặt rất nhiều câu hỏi, thậm chí họ còn hỏi một cách dồn dập như muốn làm khó mình, vậy theo bà, trong trường hợp đó thì nên ứng xử như thế nào?” - một khán giả đặt câu hỏi.

“Họ muốn hỏi bao nhiêu thì hỏi, mình vẫn phải bình tĩnh và lựa 3 trong 10 câu hỏi để trả lời, thậm chí có thể hỏi ngược lại họ. Điều này khiến cho người khác cảm thấy mình là một người tự tin và nắm rõ vấn đề thì mới có thể đặt ra câu hỏi cho họ được” - bà Ninh hồi đáp.

Theo bà Ninh, người nước ngoài thường nói với bà sau chuyến du lịch rằng tuy chất lượng phục vụ ở Thái Lan có phần hơn nhưng họ vẫn cảm thấy thích con người Việt Nam hơn bởi không rụt rè và khúm núm.

"Phong thái vững vàng rất có lợi cho giao tiếp xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết nêu lên chính kiến của mình, phải biết nói “không”, đó cũng là một trong những nhân tố khiến chúng ta trở nên tự chủ hơn. Nhưng không nên hiểu tự chủ, tự lập là tỏ ra không ai có thể làm gì được mình mà phải biết học cách lắng nghe. Giới trẻ nên là một người đa chiều, đa dạng, tự tin thì mới không bị chèn ép".

Khán giả đặt câu hỏi tại buổi nói chuyện. Ảnh: Thúy Vy

Bà Ninh còn nói rằng có bốn điều mà người trẻ cần phải rèn luyện để có thể trở nên tự chủ và tự lập.

“Thứ nhất, người trẻ phải phấn đấu để giỏi trong bất cứ chuyên môn nào mà mình mong muốn. Thứ hai, phải luôn luôn tịnh, có nghĩa là giữ một cái đầu lạnh, một trái tim ấm áp. Thứ ba, luôn quan sát, suy ngẫm học hỏi từ trường học, sách vở, học từ cuộc đời và hơn hết là phải biết lắng nghe. Và thứ tư, cần phải lãnh đạo bản thân trước khi lãnh đạo thiên hạ”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh bắt đầu sự nghiệp với vai trò giảng viên đại học tại Trường ĐH Sorbonne (Paris) và Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, bà hoạt động ngoại giao hơn 20 năm, chuyên trách về các vấn đề toàn cầu và các tổ chức đa phương.

Bà hiện là thành viên hoặc chủ tịch của một số tổ chức và mạng lưới Việt Nam và quốc tế. Ngoài việc gắn bó với các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh, bà còn tích cực hoạt động trong các lĩnh vực phát triển bền vững, bình đẳng giới, sự vươn lên của thanh niên, và thương hiệu quốc gia – với vai trò Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM và Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam.

Tác giả: Thúy Vy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP