Nhiều gia đình hội viên dân tộc Mông trong bản Lưu Thông nhờ chăn nuôi, trồng trọt các loại cây con đặc sản đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Còn bí thư chi bộ bản Kẹo Lực 1- Phó chủ tịch Hội LHPN xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn- Kha Thị Tảnh lại được chị em hội viên yêu mến bởi sự tận tâm nhiệt tình với phong trào công tác hội, luôn đi sâu sát, gần gũi với cơ sở. Chị còn được bà con dân bản Kẹo Lực 1 xem là người đã hồi sinh nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái Khăng. Nhờ năng động, nhanh nhạy, sản phẩm do chị em bản Kẹo Lực 1 làm ra đã được chị Kha Thị Tảnh tìm được thị trường tiêu thụ ổn định tại Lào. Chị Lô Thị Chắp- hội viên phụ nữ bản Kẹo Lực 1 chia sẻ: Trước đây sản phẩm của chúng tôi làm ra không tiêu thụ được, mà cũng không có ai thu mua. Bây giờ có nơi để bán, tranh thủ buổi tối, hoặc thời gian rảnh rỗi tôi dệt thổ cẩm, khoảng 3 ngày tôi dệt được một tấm, vừa có việc làm lại có thêm thu nhập ổn định cho gia đình...
Nghệ nhân Kha Thị Tảnh đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái.
Với bà Vi Thị Lợi ở bản Xốp Nhị xã Hữu Lập, không chỉ đảm đang với vai trò một người vợ, người mẹ, bà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương. Bà cũng là người đi tiên phong trong phát triển kinh tế bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp VAC. Hiện tại trong trang trại của gia đình bà Vi Thị Lợi có 10 con heo nái sinh sản, bình quân hàng năm xuất bán trên hàng trăm con lợn thịt, lợn giống thu lãi hơn 100 triệu đồng. Chưa kể, mỗi năm bà còn bán hơn 200 con gà đen và ngan, ngỗng, ba ba, cá..và vườn nhãn trĩu quả hàng trăm gốc.
Bà Vi Thị Lợi thu nhập từ trang trại chăn nuôi tổng hợp mỗi năm trên 100 triệu đồng
Bản Phiêng Phô giờ đây không còn là bản nghèo của xã Phà Đánh nữa. Hơn 90% hộ hội viên phụ nữ dân tộc Thái đã có cuộc sống ổn định, không còn cảnh thiếu ăn vào mùa giáp hạt. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của chị Lô Thị Hoa- Chi hội trưởng phụ nữ bản Phiêng Phô. Đến thời điểm này toàn chi hội đã có 38 hộ hội viên thoát nghèo. Chị Lô Thị Hoa- Chi hội trưởng phụ nữ bản Phiêng Phô- Phà Đánh- Kỳ Sơn- Nghệ An trao đổi: Được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn, chi hội bản Phiêng Phô đã tổ chức họp bàn bạc, bình xét những chị đủ điều kiện để cho vay vốn, đồng thời xây dựng các mô hình kinh tế làm điểm để cho chị em học tập và làm theo. Những mô hình kinh tế đó đến nay vẫn phát huy hiệu quả, các chị đã vươn lên trở thành hộ khá giàu của bản.
Chị em phụ nữ bản Phiêng Phô phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tích cực phát triển kinh tế gia đình.
Từ những tấm gương điển hình trên đã dấy lên phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm đã có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng ở các huyện miền núi vùng cao, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn trên địa bàn.
Để thu hút chị em hội viên tích cực tham gia vào tổ chức hội, hội phụ nữ huyện đã tập trung vận động chị em xây dựng các mô hình kinh tế điểm, tổ chức các lớp chuyển giao KHKT cho chị em, đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ nguồn vốn, giống cây con cho chị em xây dựng mô hình. Riêng trong năm 2016, Hội đã chỉ đạo và đăng ký duy trì 5 mô hình điểm phát triển kinh tế, 18 mô hình "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" tại 18 xã, thị trấn; đăng ký mới năm 2016 02 mô hình chăn nuôi lợn tại Yên Hoà, Thạch Giám và thành lập mới 18 mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Từ việc xây dựng thành công các mô hình kinh tế mà chị em thấy hiệu quả khi tham gia vào tổ chức hội. Đến nay, tỉ lệ chị em tham gia tổ chức hội là 13.291 người, tăng 1%. Chị Trần Thị Thanh- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết thêm.
Trong mỗi buổi sinh hoạt, ngoài phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình " 5 không 3 sạch", CLB không sinh con thứ 3”, vệ sinh môi trường, lồng ghép phổ biến những phương pháp, kinh nghiệm xây dựng tổ chức hội vững mạnh, gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…từ đó được nhiều chị em hưởng ứng tích cực. Chị Võ Thị Huyền- Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn cho biết: Hội chủ động phối hợp với các ban ngành, các doanh nghiệp đưa các chương trình đề án kinh tế để tìm thu hút các nguồn lực đầu tư cho chị em phát triển kinh tế và nâng cao công tác tuyên truyền, như tuyên truyền về bình đẳng giới chống bạo lực gia đình, buôn bán người; Chú trọng phát động trong chị em phong trào ủng hộ giúp đỡ người nghèo, như hoạt động Hũ gạo tiêt kiệm, Mái ấm tình thương kêu gọi tinh thần tương thân tương ái trong chị em. Từ đó tập hợp thu hút chị em tham gia công tác hội đông hơn, đạt tỷ lệ 74,6%.
Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh, các chi hội tiếp tục duy trì có hiệu quả các mô hình như “Mái ấm tình thương”, “Hũ gạo tiết kiệm”. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, những ống gạo tình thương đã được chị em hội viên quyên góp ủng hộ cho những gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thông qua việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đã thu hút nhiều phụ nữ DTTS tham gia tổ chức hội, đạt tỷ lệ ngày càng cao
Thông qua việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đã thu hút nhiều phụ nữ DTTS tham gia tổ chức hội, đạt tỷ lệ ngày càng cao. Trong số 500 ngàn hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh, phụ nữ DTTS chiếm gần 69 ngàn chị. Cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào, phụ nữ DTTS cũng đều phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của mình, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Những cống hiến của chị em phụ nữ DTTS trong những năm qua luôn được Tỉnh ủy và Trung ương hội đánh giá cao. Chị Bùi Thị Huy- Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh nhận xét.
Từ việc thi đua làm theo lời Bác và thực hiện phong trào" Giỏi việc nứớc, đảm việc nhà" đã xuất hiện hàng trăm điển hình phụ nữ DTTS tiêu biểu. Các chị đã và đang phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là những bông hoa đẹp giữa đời thường đang cùng chung tay, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.
Tác giả bài viết: Hiến Chương