Xã Cảnh Dương có trên 80% người dân chủ yếu sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Sự cố môi trường biển vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Phản ánh với Phó thủ tướng, người dân xã Cảnh Dương cho rằng có nhiều bất cập trong áp giá bồi thường thiệt hại như mức với nhóm tàu có công suất từ 90 CV đến dưới 250 CV chênh lệch khá nhiều với tàu lắp máy công suất từ 50 đến dưới 90 CV. Người dân kiến nghị được hưởng mức đền bù chứ không phải là hỗ trợ giá đối với tàu cá có công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV...
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học quyết liệt vào cuộc tìm nguyên nhân, thu thập đầy đủ dữ liệu, trưng cầu giám định và mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia phân tích kỹ lưỡng... Sau khi có kết luận rõ ràng, Công ty Formosa đã thừa nhận vi phạm, xin lỗi, bồi thường và cam kết không tái phạm.
“Chúng ta kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Formosa trong quá trình sản xuất, sẽ khởi tố và đình chỉ hoạt động nếu Formosa vẫn tái phạm. Bài học lớn của chúng ta là không vì sự phát triển nóng mà hy sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Về ý kiến của ngư dân về việc bồi thường, hỗ trợ, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành nghiên cứu để người dân tiếp tục vươn khơi, đánh bắt hải sản cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, bồi thường 500 triệu USD.
Tác giả bài viết: Xuân Hoa
Nguồn tin: