Giáo dục

Phát hoảng đào tạo giáo viên: Tuyển sinh trên giấy, đào tạo hàn lâm

Hiện các trường sư phạm mới tuyển sinh theo kết quả trên giấy, trong khi chương trình đào tạo cũ quá hàn lâm.

Giáo viên một trường THCS tại Khánh Hòa trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Nghiêm Huê

Giáo viên chưa thích ứng được với đổi mới phương pháp dạy học. Đào tạo giáo viên phải hướng đến đào tạo như ngành y (gắn trực tiếp với cơ sở giảng dạy ở phổ thông giống như sinh viên ngành y đào tạo gắn trực tiếp với bệnh viện). Đó là những chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân, tổ chức tại ĐH Sư phạm Hà Nội vào cuối tuần qua.

“Con chép của chị con cách đây 5 năm”

Bàn về đổi mới phương pháp dạy học và nghiệp vụ sư phạm, tại buổi hội thảo, ThS. Đào Thị Hà, giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học, khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, ĐH Sư phạm Hà Nội nêu ví dụ: Một thầy giáo dạy Giáo dục công dân trên lớp thấy học sinh không ghi chép, hỏi thì em đáp đã chép bài. Thầy hỏi sao chưa dạy con đã có? Học sinh trả lời “con chép bài từ vở của chị con học thầy cách đây 5 năm”. “Như vậy, chứng tỏ bài giảng của thầy đã không hề có một sự đổi mới nào cả”, bà Hà nói.

Còn với kinh nghiệm 20 năm công tác, thầy Nguyễn Hồng Sơn, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, Trường THPT Mê Linh, Hà Nội, cho hay trong những năm qua khi hướng dẫn sinh viên thực tập, nhận thấy các em không chỉ hạn chế về kiến thức chuyên môn mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận dụng linh hoạt các phương thức dạy học vào từng bài học, tiết học. Nhiều giờ dạy, các em vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình hoặc đám phán. Những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới mẻ, hiện đại có thể làm cho giờ học sôi nổi, thành công cao thì các em lại chưa sử dụng được, hoặc có làm thì chỉ mang tính hình thức.

Chia sẻ tại hội thảo, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn nói, việc đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải đổi mới, đặc biệt là mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức, mô hình đào tạo.

Ðào tạo sư phạm như đào tạo ngành y

Theo TS. Tiêu Thị Mỹ Hồng, ĐH Sư phạm Hà Nội, khung chương trình đào tạo chuyên ngành giáo dục công dân hiện nay ở các trường sư phạm, nội dung đào tạo thường bao gồm: Kiến thức cơ sở chung rèn luyện năng lực sư phạm; Kiến thức và năng lực dạy học chyên ngành; Thực hành sư phạm; Phương pháp thay thế khóa luận tốt nghiệp. Nhưng hiện này, thời lượng dành cho nghiệp vụ sư phạm ở một số trường vẫn còn chưa tương xứng với vai trò của nội dung học phần này.

Đặc biệt, khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm chuyên ngành vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp ví dụ như ở ĐH Sư phạm, ĐH Huế là 6/140 tín chỉ, ĐH Tây Bắc là 10/150 tín chỉ, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là 10/135 tín chỉ, ĐH Sư phạm TPHCM là 18/135 tín chỉ, ĐH Sư phạm Hà Nội cao hơn là 21/135 tín chỉ. Thời gian dành cho thực tập tại trường phổ thông cũng chỉ dao động từ 5-7 tín chỉ (tức là chỉ chiếm 3% đến 5%). “Thời lượng này chiếm quá ít trong toàn bộ khung chương trình đào tạo. Thời lượng đó chưa đủ để sinh viên nắm bắt được thực tiễn cũng như hình thành năng lực dạy học - giáo dục” - TS. Tiêu Thị Mỹ Hồng chia sẻ.

PGS.TS Đào Đức Doãn, Chủ biên chương trình Giáo dục công dân, chương trình phổ thông mới cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đào tạo giáo viên ở các cơ sở cũng phải thay đổi. Ông Doãn cho rằng chương trình cũ quá hàn lâm. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm cần đổi mới mô hình, phương thức đào tạo. Hiện các trường sư phạm mới tuyển sinh theo kết quả trên giấy, thay vì cần phải phỏng vấn xem liệu rằng thí sinh đó có phù hợp với nghề giáo.

Trong khi mô hình đào tạo truyền thống chủ yếu cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, bổ sung một số kiến thức khoa học sư phạm, tổ chức thực tập trong thời gian ngắn (1 tháng ở năm thứ 3 và 2 tháng ở năm thứ 4), chưa đảm bảo giáo sinh ra trường có đủ hiểu biết về hoạt động dạy học, kỹ năng nghiệp vụ và xử lý các tình huống sư phạm.

“Gần như 90% thời gian đào tạo là ở khoa, trường. Chúng ta cần thay đổi, tức học ở trường khoảng 50%, còn lại cần để sinh viên tiếp cận, trực tiếp làm các công việc thực tế ở trường phổ thông thì mới có thể vững vàng khi vào nghề”, GS Thuyết kiến nghị tại buổi hội thảo. Theo GS Thuyết, mô hình đào tạo vừa học vừa làm của các trường y - kết hợp đào tạo tại trường và qua thực tế khám chữa bệnh tại bệnh viện - là một gợi ý tốt để đổi mới mô hình đào tạo sư phạm.

Một thầy giáo dạy Giáo dục công dân trên lớp thấy học sinh không ghi chép, hỏi thì em đáp đã chép bài. Thầy hỏi sao chưa dạy con đã có? Học sinh trả lời “con chép bài từ vở của chị con học thầy cách đây 5 năm”. Như vậy, chứng tỏ bài giảng của thầy đã không hề có một sự đổi mới nào cả.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP