Trong tỉnh

Phải “chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối không có tiêu cực’’ trong thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Là chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo của Chính phủ về triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào sáng 15/6.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công). Đầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km đã đưa vào khai thác; 10 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Đến nay, đã hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng (đạt 100%), bàn giao 652,205 km (đạt 99,9%), còn lại khoảng 0,655 km chưa bàn giao, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022. Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6/2022 đạt khoảng 23.544 tỷ đồng, tương đương 41% giá trị hợp đồng, chậm 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 -2025 có tổng chiều dài 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh. Đến nay, dự án đang được triển khai đáp ứng các mốc tiến độ tại Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 11/2/2022 và kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 14/3/2022 và Thông báo số 130/TB-VPCP ngày 27/4/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức trung phát biểu tại hội nghị

Tại tỉnh Nghệ An, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam có chiều dài 87,84 km thuộc 2 tiểu dự án. Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 43,47 km, khởi công ngày 02/7/2021, kế hoạch hoàn thành vào tháng 7/2023. Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án được triển khai theo hình thức PPP, dài 44,37 km, khởi công ngày 22/5/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024. Đến nay, vẫn còn lại 375m trong tổng số 87,84 km chưa được giải phóng bàn giao cho Chủ đầu tư. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vị trí đường điện cao thế, trung thế chưa được di dời.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh Nghệ An đang tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, quyết tâm trước 30/6 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng còn chậm ở một số vị trí, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tổ chức vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, đối với một số trường hợp chưa có sự đồng thuận thì tỉnh sẽ xây dựng các phương án bảo vệ thi công để đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đúng với cam kết.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm vị trí đường điện, đường nước chưa giải phóng được, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hoàn thiện các thủ tục để di rời các vị trí kỹ thuật để đảm bảo mặt bằng thi công dự án.

Đối với nguồn vật liệu phục vụ dự án, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Nghệ An đảm bảo đầy đủ nhu cầu các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh. Hàng tháng, hàng quý, tỉnh đã công bố giá vật liệu phục vụ công trình. Bên cạnh đó, tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh có đánh giá việc giá vật liệu xây dựng tăng đối với việc thực hiện dự án để có điều chỉnh phù hợp. Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thành phần; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Cũng tại hội nghị, tỉnh Nghệ An đề nghị các nhà thầu khi bàn giao mặt bằng thì phải triển khai thi công ngay đoạn đã bàn giao mặt bằng để tránh tái lấn chiếm mặt bằng. Các nhà thầu trong quá trình thi công phải đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, nhất là việc xử lý chất đổ thải. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư và nhà thầu có phương án hoàn trả lại các tuyến đường công vụ cho các địa phương để đảm bảo an toàn giao thông.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá rất cao sự vào cuộc của các địa phương, bộ, ngành đối với việc thực hiện dự án; cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã được quy định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các địa phương, các nhà thầu, ban quản lý dự án phải đổi mới phương pháp, cách làm; huy động tối đa thiết bị, con người, tăng ca để thực hiện. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những nội dung còn chậm so với kế hoạch đề ra cần phải khắc phục.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng điểm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp giao ban với các địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nguyên tắc “phải làm thật đúng mới làm nhanh; phải xóa hình ảnh tiêu cực từ Trung ương tới địa phương”.

Trong năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành 361 km dự án giai đoạn 1. Bộ Giao thông Vận tải xem xét thay thế các chủ đầu tư dự án nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, không lấy giá vật liệu xây dựng thông thường để làm giá vật liệu làm đường cao tốc. Đối với giá đất của dự án thì cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ càng. Tuyệt đối không lùi tiến độ các tiểu dự án. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc báo cáo Chính phủ xem xét xử lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần phải rút kinh nghiệm trong công tác điều hành thực hiện dự án. Việc thực hiện dự án phải “chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối không có tiêu cực’’.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP