Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận quà tặng từ Thủ tướng Ireland năm 2010. (Ảnh: AP)
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhận nhiệm sở vào năm 2009, hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đều công bố báo cáo chi tiết về các món quà mà lãnh đạo thế giới gửi tặng cho ông. Các món quà rất đa dạng, từ một thanh kiếm, áo choàng dài, tranh chân dung, máy tính để bàn, đồng hồ đeo tay đến cả trang sức dành cho Đệ nhất phu nhân và các con của ông.
Một báo cáo gần đây nhất cho thấy hàng trăm món quà mang giá trị và ý nghĩa khác nhau đã được gửi đến Tổng thống Obama trong năm 2014. Hoàng gia Ả rập Xê út được cho là hào phóng nhất với các món quà có tổng giá trị lên đến 1,3 triệu USD, trong đó tặng riêng Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama hai bộ trang sức quý khoảng 1,1 triệu USD. Con trai Quốc vương Abdullah tặng người đứng đầu Nhà Trắng một chiếc áo choàng dài trị giá gần 40.000 USD, trong khi 2 cô con gái nhà Obama cũng được tặng các trang sức trị giá lên đến 80.000 USD.
Trong khi đó, gia đình ông Obama cũng nhận được những món quà nhỏ xinh mang nhiều ý nghĩa. Ví dụ, trong số các món quà mà chính phủ Anh dành tặng cho ông chủ Nhà Trắng có một gói muối, một bộ khay gồm 4 chiếc; hay Brunei tặng ông một bình trà hình chim cánh cụt, một bộ cờ vua; Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal tặng cho tổng thống Mỹ một con dao găm bằng bạc và đá san hô trị giá 885 USD; Quốc vương Mswati III của Swaziland tặng Đệ nhất phu nhân Mỹ bằng một bộ đồ dùng trong nhà bếp; Thủ tướng New Zealand John Key tặng hai tiểu thư nhà Obama bộ găng tay len và mũ nỉ…
Trước kia, tất cả các món quà từ quan chức cấp cao nước ngoài đều phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn sau đó có thể trở thành tài sản riêng của người nhận, hoặc tổng thống cùng gia đình hoặc các quan chức liên bang khác.
Thậm chí đến thời điểm các món quà tặng tổng thống Mỹ bắt đầu trở nên quá xa xỉ, đặc biệt là các món quà từ các vua Ả rập, chính phủ Mỹ năm 1966 đã ban hành một đạo luật riêng quy định về hoạt động này. Theo đó, các món quà cho tổng thống bị khống chế ở một ngưỡng nhất định, mức này là 375 USD vào thời điểm năm 2014.
Món quà của các vua Ả rập cho Tổng thống Mỹ thường rất xa xỉ. (Ảnh minh họa: Getty)
Ngày nay, theo luật pháp nước Mỹ, ông Obama cũng như mọi nhân viên liên bang khác, không được phép nhận bất cứ món quà ngoại giao nào làm của riêng. Ông sẽ phải nộp lại chúng cho Cục lưu trữ quốc gia và sau đó chuyển về Thư viện Tổng thống khi ông hết nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, các tổng thống cũng như các quan chức liên bang của Mỹ nếu muốn vẫn có thể sở hữu những món quà đó bằng cách bỏ tiền túi để mua lại với giá thị trường. Ví dụ, trong nhiệm kỳ Ngoại trưởng của mình, bà Hillary Clinton đã bỏ tiền để mua lại một chuỗi vòng cổ bằng ngọc trai mà lãnh đạo đảng đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi tặng bà năm 2012 với trị giá 970 USD.
Ngược lại, về việc lựa chọn quà để tặng các lãnh đạo quốc tế, chính phủ Mỹ cũng có những quy định riêng.
Lloyd N. Hand, người đứng đầu cơ quan chuyên trách vấn đề quà tặng dưới chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson, cho biết việc đích thân tổng thống tham gia lựa chọn quà tặng phụ thuộc vào từng tổng thống. Ví dụ, dưới thời Tổng thống Johnson, ông thi thoảng gợi ý món đồ mà ông muốn tặng đối tác, nhưng đa phần là Cơ quan chuyên trách quà tặng của chính phủ Mỹ sẽ đưa ra một loạt gợi ý sau đó chuyển cho Tổng thống và Đệ nhất phu nhân để phê duyệt.
Khi lựa chọn quà cho một lãnh đạo nước ngoài mà tổng thống không biết nhiều, người đứng đầu cơ quan này sẽ thảo luận với đại sứ của quốc gia đó cũng như đại diện của cơ quan Mật vụ và một số cơ quan liên quan khác về các phương án quà tặng khả thi. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là món quà đó phải được sản xuất tại Mỹ. Vì lý do đó, các bộ sưu tầm bằng bạc Tiffany hay pha lê Steuben thường được chọn làm quà lưu niệm của nguyên thủ Mỹ cho lãnh đạo nước ngoài.
Tác giả bài viết: Minh Phương