Kinh tế

OceanBank sẽ được bán cho ngân hàng ngoại

Phương án chuyển nhượng, cơ cấu lại của Ngân hàng Đại Dương đã được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tích cực triển khai các bước cơ cấu, xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng trước đây (Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây Dựng, Dầu khí Toàn cầu) và Ngân hàng Đông Á.

Phương án cơ cấu số nhà băng trên được thực hiện trên cơ sở kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ.

Tới nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã hoàn thiện, trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) sau bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên danh tính ngân hàng ngoại mua lại OceanBank lại không được cơ quan quản lý tiền tệ tiết lộ.

Trong khi đó, phương án cơ cấu lại các Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn Cầu và Ngân hàng Đông Á đang hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo pháp luật.

Việc nhà đầu tư ngoại muốn mua lại OceanBank đã từng được đề cập hồi giữa năm 2017, hơn một năm sau khi nhà băng này bị buộc mua lại giá 0 đồng để xử lý các tồn tại, yếu kém được đây. Ở thời điểm đó một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết có ngân hàng nước ngoài khu vực châu Á bày tỏ ý định "khá nghiêm túc khi muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu OceanBank" và các bên đang tiến hành các bước tiếp theo.

Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của OceanBank.

Quá trình cơ cấu lại các nhà băng cũng gắn liền với xử lý nợ xấu. Đến cuối tháng 3, nợ xấu nội bảng các ngân hàng là 2,02%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 5,88%, giảm gần một nửa so với cuối năm 2016.

Toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được gần 227.900 tỷ đồng nợ xấu, gồm cả việc các ngân hàng mua lại khoản nợ xấu đã bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt hơn 31.000 tỷ đồng.

Riêng với mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, luỹ kế tới tháng 3 năm nay công ty này đã mua gần 333.850 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng giá mua nợ 307.570 tỷ đồng. Trong số này, khoản nợ thu hồi hơn 120.510 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3, các ngân hàng có tổng tài sản hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018, trong đó huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,5 triệu tỷ, tăng 2,5%.

Vốn điều lệ của các ngân hàng đến cuối năm 2018 đã gấp rưỡi cách đó 7 năm, đạt 576.300 tỷ đồng. Con số này tăng thêm 2.600 tỷ vào cuối tháng 3, lên mức 578.900 tỷ. Trong khi đó vốn chủ sở hữu toàn hệ thống là 792.600 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với 2 năm trước.

Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước đạt gần 152.900 tỷ đồng, tổng tài sản xấp xỉ 5.058 tỷ và cho vay thị trường 1 tăng 2,8%, nợ xấu hơn 1,5%. 7 ngân hàng thương mại được công nhận đạt chuẩn Basel II, đáp ứng thông lệ quốc tế về an toàn vốn.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP