Năm 1991, tỉnh Tiền Giang xây dựng 12 căn nhà ngay trung tâm TP Mỹ Tho với mục đích tạo điều kiện cho cán bộ từ huyện về tỉnh công tác có chỗ ở. Mỗi căn có diện tích 126,8 m2 được bố trí cho cán bộ công chức thuê vào năm 1994. Có 10 vị sau khi nghỉ hưu thì không chịu dời chỗ ở.
10 căn nhà công vụ trong số 12 căn cho thuê sai đối tượng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang |
Vào năm 2016, khi Báo Người Lao Động phản ánh thì 10 cán bộ hưu trí trên xin mua lại nhà. Tất nhiên, việc "xin" không được chấp thuận, nhưng có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tới tháng 7-2022 họ vẫn "bình chân như vại".
Câu chuyện "mặc cả" này thực ra không mới, vì "bí kíp chây ỳ" ấy từng được "áp dụng" tại Hà Nội, Khánh Hòa cùng không nhỏ số địa phương trên cả nước. Nó chỉ trở nên "lạ" khi vấn đề được phát hiện từ nhiều năm nay nhưng tới giờ việc giải quyết chưa thấm tháp gì.
Cần nhắc lại là nếu dựa trên quá trình công tác thì các vị trên có thể nói là hoàn thành việc nước, khi đánh giá hằng năm về chuyên môn lẫn phẩm chất đều đạt. Thế nhưng, khi đến tuổi về hưu, dường như họ lại bị chi phối bởi vật chất nên sẵn sàng ngã giá. Không phải ư? Thế việc "nhà công" bị coi như "nhà ông" chẳng lẽ lại là trách nhiệm của… thần đèn?
Nói vậy liệu có quá? Xin thưa là không!
Đã có nhiều, rất nhiều cán bộ ứng xử với tài sản công cực kỳ nghiêm chỉnh, khi họ đã "thoái quan" là tất cả những gì thuộc về của công đều không mảy may tơ tưởng, vướng bận. Vậy, xin hỏi 10 vị ở Tiền Giang, có khi nào lấy các tấm gương ấy để soi vào?
Và, không thể không nhắc tới sự đủng đỉnh của phía địa phương trong việc xử lý nguyện vọng của 10 vị cán bộ hưu trí trên. Tỉnh Tiền Giang cho rằng dù UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp để thu hồi nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên kết quả đạt được đến nay chưa như mong muốn của tỉnh cũng như của đại biểu, các cơ quan chức năng. "UBND tỉnh sẽ kiên quyết chỉ đạo giải quyết để sớm thu hồi 10 căn nhà công vụ" – lãnh đạo tỉnh này nói. Thông tin này có cảm giác như mong muốn của tỉnh và mong muốn của phía "ở lậu nhà công" đang chơi trò kéo co trong nhiều năm?
Tại sao phải "mong muốn" trong khi cứ phép nước mà làm? Đây, Điều 34 của Luật Nhà ở quy định người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm và nghĩa vụ: Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ.
Còn nữa, hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn cụ thể về định mức thuê nhà ở công vụ đối với cán bộ cấp trung ương, địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-4-2022.
Hai văn bản quy phạm pháp luật trên chắc chắn phải mạnh hơn "nhiều lý do khác nhau" của tỉnh! Vậy còn chờ gì nữa mà không đưa nhà công vụ về đúng chức năng của nhà công vụ?
Chuyện thu hồi nhà công vụ với cán bộ đã hết thời gian làm công vụ là đương nhiên. Người từng ở đó có tự trọng thì chẳng cần phải áp quy định họ cũng tự giác rời đi.
Còn ngược lại, phải làm nghiêm, bởi những việc như thế này không sớm dứt điểm thì khó bề ăn nói với dư luận, mà để kéo dài thì rõ ràng không thể không quy trách nhiệm của các ngành, các cấp liên quan.
Tác giả: Anh Tuấn ; đồ họa: Nguyên Lâm
Nguồn tin: Báo Người Lao Động