Y tá người Australia Tammy Davis-Charles bị dẫn tới tòa ở Phnom Penh |
Cấm vẫn làm liều
Thẩm phán thành phố Phnom Penh ông Sor Lina hôm 3-8 đã đưa ra phán quyết gây sốc khi kết án nữ y tá người Australia Tammy Davis-Charles và 2 đồng phạm người Campuchia về tội làm môi giới đẻ thuê và tham gia làm giấy tờ giả, bao gồm cả giấy khai sinh để những em bé có thể rời Campuchia cùng cha mẹ đẻ của mình. Đường dây này hoạt động bất chấp Campuchia đã có lệnh cấm về “đẻ thuê”.
Cáo trạng cho hay, Davis-Charles nhận của các cặp vợ chồng nước ngoài từ 50.000 đến 70.000 USD cho mỗi hợp đồng mang thai hộ và trả cho “đối tác” là các bà mẹ Campuchia từ 10.000 - 12.000 USD. Đã có 23 cặp vợ chồng người Australia và người Mỹ (trong đó có 18 khách hàng là người Australia) sử dụng dịch vụ môi giới của Davis-Charles.
Theo Tổ chức chuyên về mang thai hộ mang tên “Kỹ thuật gene mới toàn cầu” của Australia, dịch vụ “đẻ thuê” trọn gói ở Đông Nam Á từ việc khám sức khỏe người mẹ mang thai hộ đến khi đứa trẻ ra đời thường có giá 51.150 USD, khiến khu vực này trở thành một trong những lựa chọn cao nhất, sau Ukraine và Kenya. |
Nữ y tá Tammy Davis-Charles (49 tuổi), người mẹ của 6 đứa con, trong đó có cặp con trai sinh đôi nhờ dịch vụ “mang thai hộ” ở Thái Lan đã bị bắt giữ tại Thủ đô Campuchia kể từ tháng 11-2016. Tại phiên tòa, bị cáo Davis-Charles khóc và nói rằng đã “mất tất cả”, không được gặp con suốt 8 tháng kể từ khi bị bắt và mắt trái bà ta đang bị ung thư. Tuy vậy, ngoài án phạt tù, tòa cũng xử phạt Davis-Charles 1.000 USD và hai đồng phạm gồm y tá Samrith Chakriya và công chức Bộ Thương mại Penh Rithy mỗi người 500 USD.
Bản án nói trên được đưa ra trong khi Campuchia đang soạn thảo luật về đẻ thuê. Davis-Charles không chọn Thái Lan sau khi Thái Lan cấm “mang thai thương mại” từ năm 2015 mà chuyển địa bàn sang Campuchia. Tháng 10 năm ngoái, Bộ Y tế Campuchia cũng cấm việc này, coi đây là hành vi buôn người nhưng “ngành công nghiệp đẻ thuê” được cho là vẫn hoạt động lén lút tại nước này.
Tiếp tục nở rộ sang Lào
Đáng chú ý, sau lệnh cấm ở Thái Lan và Campuchia, dịch vụ mang thai hộ đã mọc lên như nấm ở nước láng giềng Đông Nam Á là Lào, khi dịch vụ “đẻ thuê” vẫn được coi là không bất hợp pháp.
“Nhiều cặp vợ chồng chuyển hướng sang Lào”, ông Sam Everingham, Giám đốc toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận của Australia có tên Gia đình thông qua mang thai hộ nói. Nhu cầu nhờ mang thai hộ ở Australia lúc nào cũng cao nên các hội nghị và buổi tư vấn của tổ chức nói trên đã thu hút khoảng 600 cặp vợ chồng và những người độc thân ở Australia trong 4 năm qua. Sức hút đầu tiên vẫn là chi phí thấp. Cụ thể, một cặp đôi người Australia có thể sẽ phải bỏ ra 56.000 USD để nhờ người mang thai hộ tại Lào, chi phí đó ít hơn so với Mỹ, mặc dù hơn Ukraine, ông Everingham cho biết.
Một phụ nữ Lào 28 tuổi trò chuyện với phóng viên Reuter cho hay, cô được trả 8.000 USD, gấp 72 lần so với mức lương tối thiểu hàng tháng, để mang thai hộ một cặp song sinh. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, cô chuyển sang Bangkok, Thái Lan để chờ sinh. Đây có thể coi là một kẽ hở của luật pháp Thái Lan vì chưa có quy định đối với người mẹ mang thai hộ đến sinh con ở nước này. “Nếu một phụ nữ Lào đẻ thuê nhưng đến Thái Lan sinh con, chúng tôi không coi việc này là vi phạm luật pháp Thái Lan”, một quan chức y tế Thái Lan cho biết.
Bên cạnh các cặp vợ chồng phương Tây, các cơ sở y tế Lào cũng đang ngày càng chú ý đến thị trường Trung Quốc. Khoảng 90 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc hiện đủ điều kiện để sinh con thứ hai sau khi chính sách một con được nới lỏng từ năm 2015, nhưng việc mang thai đối với họ sẽ vô cùng khó khăn bởi 60% số đó là phụ nữ 35 tuổi trở lên. Các phương tiện truyền thông cho hay, số ca mang thai hộ của người Trung Quốc là hơn 10.000 ca mỗi năm.
Tác giả: Yến Chi (Theo News.com.au/Reuters)
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô