Không đẩy mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu đến mức cực đoan
Bộ phim truyền hình “Sống chung vứi mẹ chồng” của đạo diễn Vũ Trường Khoa đã phát sóng đến những tập cuối cùng. Theo như nhận xét của số đông khán giả, phim tương đối tôn trọng phiên bản gốc của Trung Quốc, những diễn biến trong mối quan hệ giữa bà Phương và Minh Vân gần như không có cải biên. Tuy nhiên, so với kết cục bi thảm của những nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cùng tên thì phim “Sống chung với mẹ chồng” phiên bản Việt Nam đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Đầu tiên là sự thay đổi về kết cục của bé Đậu Phộng. Trong bản gốc của tiểu thuyết Trung Quốc, bé Đậu Phộng sinh ra không đúng với mong muốn của bà nội là có một đứa cháu trai cho nên bà tìm cách bán cháu gái mình cho bọn buôn người. Kết cục, biết con mình bị bán đi, Trang sẽ hóa điên và tự tử trong trại tâm thần, chồng cô thì chết vì tai nạn giao thông, còn bà mẹ chồng thì bị bắt vào tù. Sau cảnh sát tìm đươc con gái Trang nhưng cô bé 3 tuổi này đã không còn bố mẹ. Sau bao biến cố, Đậu Phộng sẽ được vợ chồng Vân - Sơn nuôi dưỡng. Thế nhưng, khi chuyển thể sang Việt Nam, bé Đậu Phộng chỉ bị bắt cóc bởi sự bất cẩn, tin người mù quáng của bà Điều. Sau đó, cô bé được giải cứu và trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và sự hối hận của bà Điều.
So với phiên bản mẹ chồng thích cháu trai đến mù quáng đến nỗi mất nhân tính bán cháu gái đi ở tiểu thuyết gốc thì ở phiên bản Việt Nam, bà Điều được xây dựng là một người phụ nữ quê mùa, cổ hủ. Tuy vậy, bà Điều lại rất yêu thương con cháu, đặc biệt đối với Đậu Phộng, tuy không được cháu trai như mong muốn những bà cũng rất yêu chiều cháu gái và chỉ thúc giục con dâu đẻ thêm nữa chứ không đến mức bán cháu gái đi để gây áp lực.
Ngay cả bà Phương trong “Sống chung với mẹ chồng” phiên bản Việt Nam so với tiểu thuyết gốc cũng đã có sự thay đổi. Tuy vẫn có những hành động đối xử bất công với con dâu nhưng bà lại được xây dựng nhân văn hơn. Không còn là bà mẹ chồng khó tính biến cuộc sống con dâu thành "địa ngục" khi săm soi từng li từng tí và thường đối xử quá bất công với con dâu, bà Phương phiên bản Việt thực chất lại là một bà mẹ khá chiều con dâu mặc dù lời nói có phần khắt khe.
Trong phim Việt Nam, cô con dâu Vân vẫn được tự do đi sớm về muộn, quần áo không phải giặt, nấu ăn không phải làm, tất cả đều được mẹ chồng phục vụ từ A đến Z. Vậy nhưng, đối với sự nhắc nhở của mẹ chồng thì cô lại hỗn hào cãi lại, trừng mắt tỏ thái độ. Mặc dù vẫn là bà mẹ chồng soi mói nhưng bà Phương cũng bị con dâu săm soi lại không ít lần.
Trong tiểu thuyết “Sống chung với mẹ chồng”, Hy Lôi (Vân) có một khoản tiết kiệm riêng, mẹ chồng biết được cũng đòi giữ để kinh doanh. Đến một lần, em trai cô bị tai nạn thập tử nhất sinh, nhà không đủ tiền phẫu thuật, cô nhờ chồng về nhà bảo mẹ chồng đưa tiền, nhưng bà nhùng nhằng nửa ngày không đưa cho. Khi Hy Lôi (Vân) sốt ruột về nhà chồng đòi tiền, mẹ chồng mới ném trả xuống đất, khiến cô phẫn nộ cãi "hỗn", chồng cô liên ra tay đánh vợ, bắt quỳ xuống xin lỗi mẹ. Bị dồn vào đường cùng, Hy Lôi (Vân) chạy vào bếp lấy dao uy hiếp hai mẹ con rồi bỏ đi, lấy tiền cứu em..
Tuy nhiên, tình tiết này trong “Sống chung với mẹ chồng” phiên bản Việt đã được xây dựng nhẹ nhàng hơn. Cũng vẫn là cảnh Vân về nhà đòi tiền bà Phương dẫn đến cãi lộn nhưng bà Phương không đến mức ném tiền ra đất bắt con dâu đi nhặt mà chỉ dúi tiền vào người con dâu. Chỉ đến khi bị bà Phương hạch sách, chỉ tay vào mặt con dâu dẫn đến mẹ chồng - nàng dâu đánh nhau thì Thanh mới ra tay đánh vợ.
Không những không bị chồng bắt quỳ xuống xin lỗi như phiên bản gốc mà Vân trong phim Việt còn lớn tiếng, vặn tay mẹ chồng không để mẹ chồng bắt nạt. Có lẽ hành động của Vân dù có hỗn hào nhưng cũng mang lại một sự cân bằng cho bộ phim. Mẹ chồng không thể cứ mãi là mẹ chồng, chỉ chuyên bắt nạt con dâu rồi tố cáo với con trai và con dâu đâu có phải là người thiếu hiểu biết, thất thế đến nỗi phải tùy lụy hết cái hạch sách của mẹ chồng.
Phải phù hợp với văn hóa người Việt
“Đúng là bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” dựa trên cuốn tiểu thuyết nước ngoài, nhưng phim không phải là chuyển thể, không dựa theo 100% tình tiết trong truyện để đưa lên phim, mà chỉ là phóng tác, tức lấy cảm hứng từ đó, rồi thêm thắt các tình huống, biến đổi sao cho hợp với khán giả Việt Nam", nữ biên kịch phim “Sống chung với mẹ chồng” Đặng Thiếu Ngân chia sẻ.
Khi thực hiện bộ phim, bên cạnh việc tôn trọng nguyên tác về xây dựng mối quan hệ căng thẳng, gay gắt, thậm chí coi nhau như kẻ thù giữa mẹ chồng - nàng dâu, đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng đã chủ động cải biên, thay đổi một vài tình tiết để phim bớt khốc liệt so với bản gốc.
Ngay cả một bộ phim đang hot ngang ngửa và chiếu song song cùng “Sống chung với mẹ chồng” là phim “Người phán xử” cũng được biên tập lại khá kĩ khi đưa về Việt Nam làm. “Người phán xử” được chuyển thể từ bộ phim gốc là “The Abitrator” - một tác phẩm của Israel với 6 tỷ lượt xem trong suốt 3 phần phim, phá vỡ mọi kỉ lục của nước này từ trước đến nay, trở thành phim thương mại hóa thành công nhất của Israel.
Mức độ bạo lực và sex của “The Abitrator” được làm khá chân thực, tuy nhiên về tới Việt Nam, phim đã phải biên tập lại vì khó lòng để nguyên vẹn tác phẩm gốc do khác biệt về văn hóa và cảm nhận từ phim. Do đó, “Người phán xử” mang nhiều màu sắc tâm lý tôi phạm hơn so với “The Abitrator” (vốn cả tâm lý lẫn hành động).
Hai bộ phim đều đang được chiếu trong khung giờ vàng của VTV. Đây là khung giờ mà đối tượng khán giả cực kỳ phong phú, từ người lớn tuổi đến trẻ nhỏ. Vì vậy, khi khi đưa lên chiếu một bộ phim truyền hình vào khung giờ này, nhà sản xuất cũng phải rất cân đo đong đếm. Nếu hai bộ phim trên mà cứ làm theo bản gốc thì thực sự là khốc liệt và quá thiếu tình người. Ngay từ những tập đầu tiên trình chiếu, cả “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” đều gặp phải phản ứng tiêu cực của khán giả.
Tuy không giống phiên bản gốc, nhưng “Người phán xử” bị la ó vì nhiều cảnh máu me, bạo lực, còn “Sống chung với mẹ chồng” thì bị lên án vì xây dựng mẹ chồng quá tiêu cực. Tuy nhiên, càng về sau những cảnh này đã được cải biến và khán giả xem phim cũng đã dễ chịu hơn. Mặc dù đã đi đến hồi kết, nhưng khán giả vẫn hy vọng ở “Sống chung với mẹ chồng” một kết cục có hậu hơn với tiểu thuyết Trung Quốc.
Phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trung Quốc Phù Thủy Dưới Đáy Biển (tên thật là Giả Hiểu). Cuốn tiểu thuyết này từng gây sốt ở Trung Quốc khi xây dựng mối quan hệ căng thẳng, gay gắt, thậm chí coi nhau như kẻ thù giữa mẹ chồng - nàng dâu.
Nguồn tin: giadinh.net.vn