Cuộc sống

Nhờ mẹ vợ lên trông cháu, bà nhất định đòi trả lương khiến tôi cạn lời

Tôi sốc và cạn lời khi mẹ vợ nói nếu lên thành phố trông cháu thì sẽ chẳng giúp không công như lần trước nữa, chúng tôi phải trả lương thì bà mới đi.

Vợ chồng tôi cưới nhau được 4 năm thì sinh liền hai con, bé đầu hơn 3 tuổi và bé thứ hai mới sinh. Khi bé đầu tiên ra đời, vì bà nội vẫn đi làm nên chúng tôi nhờ bà ngoại lên trông giúp. Vợ tôi cũng thích như vậy vì cô ấy không hợp với tính nghiêm khắc của mẹ chồng. Bà ngoại thì cẩn thận, chăm sóc cháu chu đáo nên chúng tôi rất yên tâm.

Ngoài việc bế và trông nom em bé, nấu cho bé ăn, bà còn giúp luôn mọi việc trong nhà, từ đi chợ sáng, nấu bữa tối, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ phơi phóng quần áo. Tôi từng rất cảm động nghĩ rằng bà ngoại đúng là kiểu phụ nữ thôn quê truyền thống, rất siêng năng và hết lòng vì con vì cháu.

Nhưng bà chỉ giúp được một thời gian, đến khi con tôi tròn 8 tháng thì nhất định xin về quê với lý do phải đi làm kiếm tiền và dành thời gian chăm sóc ông. Bố vợ tôi sức khỏe yếu. Ông chỉ ở nhà làm việc lặt vặt, còn mẹ vợ tôi là lao động chính.

Trong khoảng thời gian này, tôi phải thuê giúp việc cho đến khi con đủ 2 tuổi mới có thể cho đi nhà trẻ. Qua mấy đời “ô sin”, cả hai vợ chồng tôi đều rất mệt mỏi. Hình như chúng tôi không có cung nô bộc nên người giúp việc nào cũng không nên hồn, làm việc đối phó và qua quýt, không chút tận tâm, chỉ đòi tăng lương là nhanh.

Mẹ vợ tôi chăm cháu rất tốt, nhưng bà lại không muốn giúp đỡ con cái miễn phí. (Ảnh minh họa)

Tôi thường so sánh họ với mẹ vợ và sinh ra gắt gỏng, tranh cãi với người giúp việc, khiến họ dỗi mà nghỉ, phải thuê người mới. Gia đình cũng vì "khủng hoảng ô sin" mà suốt ngày loạn hết cả lên.

Khi có con thứ hai, vợ chồng tôi lại muốn nhờ bà ngoại lần nữa, bởi không có ai yêu cháu và chăm cháu tốt hơn bà. Hơn nữa nếu có bà ở cùng, vợ tôi sẽ có nhiều thời gian chăm chút gia đình và quan tâm đến chồng hơn. Còn vấn đề nữa là kinh tế gia đình tôi cũng còn khó khăn, nếu thuê giúp việc thì ngoài việc nuôi ăn ở còn tốn thêm mỗi tháng 7 triệu đồng tiền lương, chưa kể tiền quần áo, rồi tàu xe, quà cáp mỗi lần về quê, cả tiền khám, tiền thuốc thang nếu nhỡ họ ốm.

Vợ chồng tôi bàn bạc, đằng nào bà ngoại ở quê cũng chỉ làm mấy sào ruộng, chẳng được bao nhiêu thóc, thỉnh thoảng làm thêm việc nọ việc kia cũng chẳng kiếm thêm được mấy đồng. Bà lên ở trông cháu thì không phải lo tiền cơm nước nữa, lại được gần gũi con cháu, tăng thêm tình cảm. Phần chi tiêu của ông ở nhà, vợ chồng tôi gửi biếu mỗi tháng 1-2 triệu đồng là đủ. Ở quê thứ gì cũng rẻ, mà ông cũng đâu có nhu cầu gì.

Vậy là tôi gọi cho mẹ vợ. Bà từ chối, nói không giúp được vì phải chăm sóc ông, và còn phải dành thời gian kiếm thêm chút tiền phòng thân, dưỡng già. Tôi cố gắng thuyết phục, nói bọn con khó khăn, xin mẹ giúp một thời gian, chuyện tuổi già sau này của bố mẹ bọn con cũng có một phần trách nhiệm chứ đâu dám trốn tránh.

Tôi nói khô cả lưỡi bà mới có vẻ xuôi xuôi, bảo thu xếp ít hôm sẽ tới, nhưng với điều kiện: "Lần này nếu mẹ lên thì hai đứa phải trả lương. Cả đời còng lưng nuôi con rồi, giờ nếu bỏ công bỏ việc để chăm cháu thì mẹ chả giúp không như trước được nữa. Bố ốm yếu, phải có chút tiền giắt lưng nhỡ gì còn thuốc thang chứ, chúng mày hai đứa con thơ biết bao giờ mới giúp lại được". Rồi bà nói ráo hoảnh là nếu không trả lương thì không lên.

Nghe đến đây, tôi sốc nặng. Không hiểu bà nghĩ gì mà tính toán đến như vậy; mẹ ruột lên giúp con gái cũng phải đòi tiền công sao? Nghĩ cũng buồn, bạn bè tôi sinh mấy đứa con cũng đều có bố mẹ giúp trông cháu, lại còn hỗ trợ tiền bỉm sữa, tiền đi nhà trẻ nữa, có ai nói chuyện tiền nong thẳng thừng như người dưng vậy đâu? Tôi nghĩ, con nhỏ cũng chỉ có giai đoạn thôi, rồi chúng nó lớn lên đi học thì đâu cần nhờ đến bà.

Tôi gọi vợ nói chuyện riêng thêm để thuyết phục bà, thì cô ấy im lặng không nói gì. Bực quá, hai vợ chồng cãi nhau dẫn đến chiến tranh lạnh.

Thật sự, tôi cảm thấy nếu chỉ vì chuyện này mà vợ chồng bất hòa thì thật không đáng, nhưng mà việc phải trả lương cho mẹ vợ thì thật nực cười. Xin hỏi các anh chị có kinh nghiệm, tôi nên làm gì để thuyết phục mẹ vợ đồng ý lên giúp mà không kèm cái điều kiện vô lý kia?

Tác giả: ĐƯỜNG VIÊN

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP