Cuộc sống

Mẹ vợ đêm nào cũng vác gối sang đòi ngủ chung, nghe lý do con rể sợ hãi đòi ly hôn vợ

Sau nhiều lần cảm thấy quá bất tiện, vợ chồng tôi đã gặng hỏi mẹ lý do.

Thuở xưa nhà cửa dưới quê chật hẹp không có phòng ngủ riêng cho bố mẹ và con cái thì đành phải ngủ chung trên một chiếc giường cả nhà, ấy thế nhưng không hiểu sao giờ đây nhà cửa đã lớn hơn, nhà chung cư có những 3-4 phòng nhưng ngày nào mẹ tôi cũng lấy lý do nọ lý do kia để sang ngủ cùng vợ chồng tôi.

Tôi là con gái một trong gia đình. Bố tôi mất sớm nên mẹ ở vậy đi làm quần quật suốt cả ngày để nuôi tôi. Mẹ cho rằng dù mẹ có vất vả đến đâu thì tôi cũng phải được ăn học đàng hoàng, tử tế và thoát khỏi quê nghèo, tránh xa đồng ruộng không như ông bà. Hiểu được nỗi lòng của mẹ nên tôi cũng chăm chỉ học hành, ra trường xin vào được một công ty tốt với mức lương hậu hĩnh.

Tôi lấy chồng cũng khiến nhiều người ghen tỵ bởi anh vừa điển trai, cao ráo, con nhà thành phố, mức lương lại cao, trái ngược nhiều so với tôi. Thế nhưng như kiểu duyên số dành cho nhau, chỉ 2 năm yêu chúng tôi đã về chung một nhà. Được bên nhà nội hỗ trợ nên vợ chồng tôi nhanh chóng mua một căn chung cư 4 phòng ngủ rộng rãi, thoáng mát để chuẩn bị cho một tổ ấm nhỏ đầy hạnh phúc.

Thương mẹ già lam lũ ở quê lại đơn độc chỉ có một mình, tôi xin phép gia đình nội, bàn bạc với chồng là đón mẹ ở dưới quê lên ở hẳn với hai chúng tôi, một phần tiện chăm sóc mẹ mà mẹ có thể giúp đỡ chúng tôi những việc đơn giản. Chồng tôi cũng nhanh chóng đồng ý và sắp xếp cho mẹ ở một căn phòng rộng nhất nhì trong nhà, sắm đầy đủ các tiện nghi trong phòng để đêm tối hay lúc nào cần thiết là bà sử dụng ngay, không phải ra ngoài.

Quả thực tới khi có con mới thấm câu của ông bà rằng phải sinh con sớm để còn được đỡ đần. Tôi sinh con suốt 6 tháng đầu tiên được mẹ đẻ hỗ trợ nhiều, mẹ chồng có nhà riêng nhưng cũng thỉnh thoảng qua lại. Chuyện cứ tưởng đầm ấm là thế, hạnh phúc viên mãn nhưng vừa qua bất ngờ xảy ra chút chuyện khiến chồng tôi giận dỗi tột độ, thậm chí anh còn nói sợ hãi và đòi ly hôn nếu vẫn cứ tiếp tục diễn ra điều đó.

Chẳng là 1 tháng trở lại đây, mẹ tôi tối nào cũng vác gối sang phòng vợ chồng tôi và đòi ngủ cùng các con. Mới đầu chúng tôi không nghĩ ngợi gì cả mà chỉ nghĩ mẹ muốn sang hỗ trợ chúng tôi chăm sóc bé sơ sinh vì con khá quấy, nhiều đêm khóc cũng khiến vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ. Thế nhưng đến khi cháu ngoan bà cũng vẫn cứ thói quen 20h là đã mang gối, mang chăn sang đòi ngủ chung.

Hôm thì bà trải thảm dưới nền để ngủ, hôm thì còn đòi nằm lên tận giường. Ban đầu chồng tôi thoải mái nói mẹ vợ nằm luôn ở phòng với con gái và cháu ngoại còn anh sang phòng khác để ngủ. Thế nhưng dần dần anh thì không chịu được cảnh xa vợ xa con nên cảm giác tức tối trong lòng, bày tỏ vẻ mặt khó chịu.

Thậm chí có hôm anh đang đi làm mà cũng phải nhắn tin cho tôi:

- Em hỏi xem sao mẹ lại không thích ngủ ở phòng riêng như trước kia mà lại cứ sang phòng mình thế. Không được ngủ với vợ anh ngủ không ngon.

Hoặc là:

- Nhà thì nhiều phòng, mẹ không ngủ phòng này thì ngủ phòng khác, sao tối nào mẹ cũng phải sang ngủ phòng mình từ sớm mà mãi tận 5-6h sáng, khi mình dậy mà cũng mới về phòng.

Thậm chí còn gay gắt hơn:

- Em trao đổi lại với mẹ đi nhé, anh không chịu được thêm nữa đâu, những lý do mẹ đưa ra anh cảm thấy không thuyết phục, thế này có khác gì "tù chung thân". Mẹ còn định ngủ chung 1-2 năm nữa thì anh sợ hãi quá, ly hôn đi.

Ban đầu tôi cũng làm dịu làm hòa để anh bớt nóng nảy nhưng càng về sau thấy anh căng thẳng, tôi nghĩ mình cần phải nói chuyện với mẹ của mình. Khi được tôi hỏi nhẹ về lý do mẹ hay sang phòng con để ngủ, bà ngoại lúc lấy lý do mẹ nhớ cháu, lúc lại nói rằng mẹ ngủ một mình sợ lắm, khi thì lại điều hòa phòng mẹ lạnh, nằm điều hòa phòng các con sướng hơn...

Trăm ngàn lý do đó tôi cho rằng không thuyết phục, chính vì thế tôi quyết định nõi rõ cho mẹ nội tình của vợ chồng mình hiện tại. Tôi cho mẹ xem những tin nhắn chồng cảm thấy "ngột thở" trong chính căn phòng của mình vì hành động của bà mẹ vợ. Lúc này mẹ mới buồn bã thổ lộ nguyên nhân:

- Mẹ muốn tốt cho con thôi. Mẹ chỉ có một mình con nên mẹ muốn làm sao để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con là được còn những thứ khác mẹ không quan tâm quá nhiều nên thành ra trở thành khó xử cho các con.

Khi tôi tỏ vẻ mặt vẫn chưa hiểu gì thì mẹ nói tiếp:

- Mẹ biết vợ chồng thì muốn riêng tư để còn gần gũi nhau, tuy nhiên mẹ cho rằng thời điểm này là chưa thích hợp. Con mới mổ đẻ em bé được 6-7 tháng, sức khỏe còn non yếu lắm. Nếu bây giờ các con mà lỡ có em bé ra đó thì sao. Các con còn trẻ cũng chưa hiểu hết được chuyện sinh đứa con thứ 2 quan trọng lắm, trước khi có đứa thứ 2 các con phải xem xét kĩ nhiều vấn đề. Mẹ lo sợ một phút "ngẫu hứng" của hai đứa thôi thì lại có đứa thứ 2, thế thì con vất vả lắm, liệu có đủ sức chống trọi. Thế nên ngày nào mẹ cũng phải sang ngủ cùng để "canh" các con.

Mẹ nói xong mà cả tôi và mẹ nước mắt cùng lăn dài. Hóa ra mẹ nghĩ sâu xa đến vậy mà tôi lại không hề nghĩ tới cảm nhận của mẹ, lại trách cứ mẹ. Sau đó, tôi cũng nói với mẹ rõ ràng hơn về những kế hoạch có con thứ 2 của vợ chồng mình để mẹ yên tâm hơn.

Tâm sự từ độc giả nhattam... @gmail.com

“Con cái là trời cho” nhưng chuyện sinh thêm con khi con lớn còn quá nhỏ cũng là một vấn đề hết sức lưu tâm. Do đó những suy nghĩ cẩn thận của người mẹ vợ trên cũng là điều dễ hiểu. Do đó, các bà mẹ cũng cần phải tỉnh táo trước khi đi đến quyết định mang bầu thêm một lần nữa, nhất là khi vướng mắc 1 trong 5 hoàn cảnh dưới đây:

Hoàn cảnh 1: Sức khỏe của bạn chưa sẵn sàng để sinh con

Sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thai nhi. Một người mẹ có sức khỏe khỏe mạnh sẽ sinh ra những đứa con cứng cáp và ngược lại, nếu mẹ gặp phải vấn đề sức khỏe thì rất dễ ảnh hưởng tới thể trạng của thai nhi, trong đó bao gồm cả nguy cơ dị tật thai nhi, thai nhi chậm tăng trưởng về thể chất cũng như não bộ.

Vì thế, trước khi có kế hoạch sinh con thứ 2, người mẹ phải chuẩn bị một nền tảng sức khỏe tốt, thực hiện một chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để thai nhi có thể phát triển tốt nhất.

Hoàn cảnh 2: Người mẹ sinh con chưa được 2 năm

Các nghiên cứu chỉ ra rằng sau mỗi lần sinh nở phụ nữ sẽ giảm 2 năm tuổi thọ. Cứ sau mỗi lần sinh con thì tốc độ lão hóa của phụ nữ lại diễn ra nhanh-mạnh hơn, đồng thời, cơ thể của người mẹ cũng xuống cấp rất nhiều từ trong ra ngoài. Vì thế, bạn cần phải để cơ thể được “nghỉ ngơi” lâu dài trước khi có quyết định sinh con thứ hai.

Dù mẹ sinh mổ hay sinh thường thì thời gian tốt nhất để sinh con thứ 2 là 2 năm sau để tránh làm gánh nặng cho tử cung. 2 năm cũng là thời gian cần để người mẹ tích cực hồi phục, chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cũng như thể chất.

Hoàn cảnh thứ 3: Điều kiện kinh tế không cho phép

Nuôi con là một công cuộc đầu tư rất tốn kém của những bậc cha mẹ. Ai cũng muốn mang đến cho con điều kiện sống tốt nhất, những giá trị tốt đẹp nhất vì thế nếu không đủ tài chính để gồng gánh 2 đứa con thì đó là một áp lực rất lớn đối với 2 vợ chồng. Áp lực về tiền bạc sẽ nảy sinh mẫu thuẫn gia đình và những đứa con của bạn sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ một gia đình không êm ấm.

Nếu như kinh tế vẫn còn quá eo hẹp, chạy ăn từng bữa thì vợ chồng bạn nên cân nhắc đến việc sinh con thứ hai. Hãy chuẩn bị một nền tảng kinh tế ổn định trước khi sinh em bé để có thể lo toan cho con cái một cách tốt nhất.

Hoàn cảnh thứ 4: Con đầu lòng còn quá bé

Sinh con quá dày là sơ suất mà không ít bà mẹ mắc phải. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ mà còn tới tâm sinh lý và điều kiện chăm sóc cả 2 đứa con, đặc biệt là đứa con đầu lòng.

Trẻ nhỏ ở giai đoạn 2-3 tuổi có những biến đổi rất mạnh mẽ, phức tạp về tâm lý và cần sự sát sao của bố mẹ. Sự san sẻ tình cảm của bố mẹ với em rất dễ gây tổn thương tới con đầu lòng bởi trẻ vẫn chưa hiểu được sự tồn tại của em, không chấp nhận việc chia sẻ tình cảm với một đứa bé khác.

Về lâu dài, nếu bố mẹ không biết cách ứng phó thật khéo léo, giải quyết vấn đề tâm lý cho con thì hậu quả là đứa lớn sẽ khó hòa thuận với em, từ đó ảnh hưởng tới thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, các bé cũng dễ xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến mối quan hệ nặng nề trong gia đình.

Hoàn cảnh thứ 5: Người chồng vô tâm, phó mặc việc chăm con cho vợ

Nuôi con, chăm con là nghĩa vụ của cả 2 vợ chồng, nhất là trong xã hội hiện đại như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ông chồng vẫn giữ tư duy gia trưởng rằng việc chăm lo cho con cái là việc của người vợ và phó mặc hết việc thu xếp gia đình, nuôi nấng con cái cho vợ.

Nếu như bạn có một người chồng có tư duy này thì cần cân nhắc đến việc sinh con thứ hai. Ít nhất, cần phải chia sẻ thẳng thắn với chồng về việc phải san sẻ công việc chăm lo cho con cái. Hãy đả thông tư tưởng cho chồng và khi chồng đón nhận nghĩa vụ này một cách vui vẻ thì việc sinh con thứ 2 của bạn sẽ êm ấm hơn nhiều.

Tác giả: CHI CHI

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: ngủ chung ,ly hôn vợ ,con rể

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP